Giới đầu tư hạn chế đặt lệnh, chờ đợi dữ liệu việc làm

Chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong phiên thứ Ba (3/12), khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi báo cáo việc làm quan trọng vào cuối tuần này, cũng như bình luận từ các quan chức của Fed.

Ảnh AFP

Ảnh AFP

Số liệu bảng lương tháng 11 đang rất được giới đầu tư trông đợi vào ngày thứ Sáu. Đây là một thước đo về tình trạng lao động quan trọng trong việc đánh giá con đường lãi suất của Fed.

Trong ngày hôm nay, các bình luận từ Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee và Thống đốc Hội đồng quản trị Fed Adriana Kugler sẽ được phân tích.

Trước đó, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết rằng ông có xu hướng " ủng hộ một đợt cắt giảm lãi suất khác vào cuối tháng này, trong khi Chủ tịch Fed New York John Williams vẫn chưa thể nói động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương sẽ là gì.

Trong khi đó, các nhà phân tích đã trích dẫn các kế hoạch cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định tiềm năng của Trump là một điều tích cực đối với chứng khoán, mặc dù thuế quan có thể là một điều tiêu cực với Fed, do lo ngại về áp lực lạm phát mới và một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Kết thúc phiên 3/12: Chỉ số Dow Jones giảm 76,47 điểm (-0,17%), xuống 44.705,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,72 điểm (+0,05%), lên 6.049,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 76,96 điểm (+0,40%), lên 19.480,91 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, với chỉ số DAX của Đức lần đầu tiên chạm mốc 20.000 điểm, ngay cả khi xuất hiện bất ổn chính trị tại Pháp.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,37% lên 515,53 điểm, trong đó, nhóm cổ phiếu bán lẻ và cổ phiếu quốc phòng dẫn đầu với mức tăng hơn 1,4% mỗi ngành.

Chỉ số DAX của Đức tăng lên trên mốc 20.000 điểm, được thúc đẩy bởi các cổ phiếu công nghệ.

Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,2%, với thị trường chuẩn bị đón nhận sự sụp đổ hoàn toàn nhưng chắc chắn của chính phủ, vốn mới chỉ được ba tháng tuổi.

Các đảng cực hữu và cánh tả của Pháp đã đệ trình bỏ phiếu bất tín nhiệm vào thứ Hai đối với Thủ tướng Michel Barnier, người đang phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ đối với chương trình ngân sách của chính phủ.

"Hiện tại, nếu chúng ta dự đoán chính phủ Pháp và Đức sẽ rơi vào tình huống khó khăn trong vài tháng tới, thì chắc chắn điều đó sẽ khiến ngân hàng trung ương Châu âu (ECB) tiếp tục con đường nới lỏng và điều này có lợi cho thị trường chứng khoán", Daniela Hathorn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.com cho biết.

Kết thúc phiên 3/12: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 46,52 điểm (+0,56%), lên 8.359,41 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 83,13 điểm (+0,42%), lên 20.016,75 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 18,53 điểm (+0,26%), lên 7.255,42 điểm.

Giá dầu thô tăng trở lại, khi tình hình xung đột quân sự tại Trung Đông lại nóng lên và giới đầu tư dự đoán OPEC+ sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung trong tuần này.

Kết thúc phiên 3/12, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,84 USD (+2,7%), lên 69,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,79 USD (+2,50%), lên 73,62 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gioi-dau-tu-han-che-dat-lenh-cho-doi-du-lieu-viec-lam-post359197.html
Zalo