Giờ ra chơi không điện thoại tại Trường THPT Pleiku: 'Tắt kết nối, bật gắn kết'

Trường THPT Pleiku (TP. Pleiku) triển khai mô hình 'giờ ra chơi không điện thoại', khuyến khích học sinh không sử dụng điện thoại tại trường. Sáng kiến này đã và đang mang lại hiệu quả tích cực giúp tăng sự gắn kết giữa các em học sinh và giữa học sinh với giáo viên.

Đã thành nền nếp, cứ đầu mỗi buổi học tất cả các em học sinh lớp 11A5 cũng như 45 lớp của Trường THPT Pleiku lại cất điện thoại vào chiếc tủ kính được thiết kế riêng và do bạn Lớp trưởng phụ trách kiểm tra số lượng, quản lý trong suốt các giờ học.

 Em Nguyễn Minh Thư-Lớp trưởng lớp 11A5 kiểm tra số lượng điện thoại được cất trong tủ. Ảnh: Hoàng Hoài

Em Nguyễn Minh Thư-Lớp trưởng lớp 11A5 kiểm tra số lượng điện thoại được cất trong tủ. Ảnh: Hoàng Hoài

Em Nguyễn Minh Thư-Lớp trưởng lớp 11A5-chia sẻ: "Mỗi sáng đến lớp, 100% điện thoại của các bạn sẽ được cất vào tủ. Sau đó, em sẽ khóa tủ và đến hết buổi học các bạn sẽ nhận lại điện thoại của mình.

Trước đây, khi chưa thực hiện việc này, em thấy giờ ra chơi các bạn chỉ ngồi trong lớp lướt mạng xã hội hay chơi game, không có nhu cầu trò chuyện với nhau. Còn bây giờ, tất cả điện thoại đã được bỏ vào tủ khóa lại nên chúng em đều ra sân trường tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, rất vui vẻ, giúp thư giãn sau mỗi giờ học căng thẳng”.

Toàn trường có 30 phòng học, mỗi phòng học được trang bị 1 tủ kính kích thước 30 x 50 cm, tủ được chia thành 9 ngăn, mỗi ngăn được lót vải nhung để tránh xây xước điện thoại của học sinh. Để tránh việc điện thoại đổ chuông gây ảnh hưởng trong giờ học, trước khi bỏ điện thoại vào tủ các bạn học sinh đều được hướng dẫn, nhắc nhở tắt chuông.

Nếu cần liên lạc với gia đình, học sinh sẽ được giáo viên và lớp trưởng hỗ trợ. Ngược lại, phụ huynh cũng có thể gọi cho giáo viên chủ nhiệm khi cần thiết.

 Mỗi tủ kính được chia làm 9 ngăn và có vải nhung lót phía dưới đảm bảo không va đập, trầy xước điện thoại. Ảnh: Hoàng Hoài

Mỗi tủ kính được chia làm 9 ngăn và có vải nhung lót phía dưới đảm bảo không va đập, trầy xước điện thoại. Ảnh: Hoàng Hoài

Theo cô Nguyễn Thị Đông Hải-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku, việc quản lý điện thoại di động của học sinh khi tới trường học và trong giờ học đã được triển khai trong toàn trường với sự thống nhất và đồng tình cao giữa giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và các em học sinh.

“Hiệu quả ban đầu, các em học sinh bớt sao nhãng trong giờ học, tăng thời gian tương tác trực tiếp với bạn bè trong giờ ra chơi, tích cực tham gia các hoạt động thể thao. Đồng thời, giúp các em học sinh nâng cao ý thức, trách nhiệm với việc sử dụng hiệu quả điện thoại thông minh đúng lúc, đúng chỗ, đảm bảo hợp lý, khoa học, để phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý, nhân cách. Hoạt động này đang được Ban Giám hiệu triển khai thành quy định trong nội quy nhà trường”-cô Hải cho biết thêm.

 Tủ kính được làm trong suốt và đặt ngay vị trí dễ nhìn giúp thầy và trò tự quan sát bảo quản tài sản cá nhân. Ảnh: Hoàng Hoài

Tủ kính được làm trong suốt và đặt ngay vị trí dễ nhìn giúp thầy và trò tự quan sát bảo quản tài sản cá nhân. Ảnh: Hoàng Hoài

Thực hiện nghiêm túc quy định mới của nhà trường, em Bùi Phạm Trúc Quyên (lớp 11C1) hào hứng chia sẻ: “Không để điện thoại bên cạnh người em thấy mình tập trung học bài hơn và cảm nhận mỗi ngày đến trường đều thú vị.

Giờ ra chơi, có bạn thì chọn ngồi giải bài tập, có bạn thì rủ nhau xuống sân chơi bóng chuyền, đá cầu, có bạn lại ngồi nói chuyện với nhau. Đặc biệt, tụi em khá thích các buổi sinh hoạt giữa giờ của Câu lạc bộ Văn hóa-Nghệ thuật tổ chức, hàng tuần chúng em háo hức đón chờ xem các bạn sẽ thể hiện tiết mục gì”.

 Đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên tham gia các tiết mục nhảy trong thời gian sinh hoạt giữa giờ. Ảnh: Hoàng Hoài

Đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên tham gia các tiết mục nhảy trong thời gian sinh hoạt giữa giờ. Ảnh: Hoàng Hoài

Để "giờ ra chơi không điện thoại" trở nên thú vị và hào hứng, cứ 2 lần/tuần (vào giờ ra chơi sau tiết 1 của sáng thứ 5 và chiều thứ 7) Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa-Nghệ thuật của Trường THPT Pleiku sẽ tổ chức các chương trình giao lưu dưới sân trường để khấy động các bạn học sinh sau tiết học căng thẳng.

Em Mai Nguyễn Trúc Quỳnh-Chủ nhiệm CLB Văn hóa-Nghệ thuật-chia sẻ: “Để chuẩn bị chương trình, các tiết mục cho giờ sinh hoạt thú vị này CLB chúng em không mất quá nhiều thời gian. Vì mỗi tuần chúng em có 3-4 buổi tập luyện cùng nhau.

Ngoài các thể loại hát, nhảy, đồng diễn flash mode,... thì CLB của chúng em còn tổ chức các trò chơi như: nghe nhạc đoán tên bài hát, hỏi nhanh đáp nhanh,... để giao lưu tương tác với các bạn trong toàn trường. Giờ sinh hoạt này cũng giúp các thành viên trong CLB có thêm sân chơi để các bạn thể hiện năng khiếu của mình”.

 Không chỉ là sân chơi thể hiện tài năng mà giờ sinh hoạt còn là nơi các em rèn luyện kỹ năng đối thoại trước đám đông. Ảnh: Hoàng Hoài

Không chỉ là sân chơi thể hiện tài năng mà giờ sinh hoạt còn là nơi các em rèn luyện kỹ năng đối thoại trước đám đông. Ảnh: Hoàng Hoài

Những tiếng hò reo, cổ vũ, vỗ tay hay hát nhảy cùng các tiết mục sôi động của CLB không chỉ khiến giờ ra chơi trở nên thực sự thu hút các bạn học sinh trong trường mà còn nhận được sự hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội thông qua các đoạn video ngắn được đăng tải trên chính Fanpage Đoàn trường THPT Pleiku.

Hai đoạn video ngắn về giờ ra chơi không điện thoại do Đoàn trường quay và đăng tải đón nhận gần 9 triệu lượt xem trên nền tảng Facebook và hơn 2 triệu lượt xem trên TikTok.

Nhiều bình luận đến từ các bạn trẻ bày tỏ sự thích thú và mong muốn trường mình cũng tổ chức những hoạt động tương tự. Thậm chí nhiều cựu học sinh còn trường còn dí dỏm khi tỏ ra ghen tị và tiếc nuối vì ngày trước đi học không có những chương trình thú vị như thế này.

 Dù "Giờ ra chơi không điện thoại" chỉ có 15 phút nhưng được CLB Văn hóa-Nghệ thuật của trường đầu tư chỉn chu từ tiết mục trình diễn cho đến kịch bản dẫn chương trình. Ảnh: Hoàng Hoài

Dù "Giờ ra chơi không điện thoại" chỉ có 15 phút nhưng được CLB Văn hóa-Nghệ thuật của trường đầu tư chỉn chu từ tiết mục trình diễn cho đến kịch bản dẫn chương trình. Ảnh: Hoàng Hoài

Không thể phủ nhận tính ứng dụng và sự tiện lợi của điện thoại thông minh và công nghệ trong cuộc sống cũng như trong học tập, nhưng khi không sử dụng điện thoại di động trong lúc đến trường đã giúp các em học sinh có nhiều hoạt động, trải nghiệm thú vị; tạo kỷ niệm, ấn tượng đẹp tuổi học trò.

Theo cô Đỗ Thị Thu Thủy-Giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Pleiku: "Từ khi triển khai mô hình, mỗi giờ lên lớp dạy, giáo viên cũng không phải lo lắng các em có làm việc riêng trong giờ học như trước kia nữa. Mỗi lần giao bài tập, giáo viên cũng sẽ biết rõ năng lực của các em hơn. Hoạt động này đang mang lại hiệu quả tích cực, thành tích học tập của các em được nâng lên rõ rệt”.

 Hành lang 4 tầng của Trường THPT Pleiku chật kín học sinh hòa mình cùng bài hát, giai điệu đến từ CLB Văn hóa-Nghệ thuật. Ảnh: Hoàng Hoài

Hành lang 4 tầng của Trường THPT Pleiku chật kín học sinh hòa mình cùng bài hát, giai điệu đến từ CLB Văn hóa-Nghệ thuật. Ảnh: Hoàng Hoài

Theo khảo sát sơ bộ, tỷ lệ học sinh sử dụng điện thoại thông minh cấp THPT chiếm gần 100%, cấp THCS chiếm từ 65%-70%, trong đó không ít học sinh mang và sử dụng điện thoại trong trường học. Do đó, việc quản lý tốt điện thoại di động của học sinh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Từ cuối tháng 10-2024, Trường THPT Pleiku đã triển khai nghiêm túc việc quản lý điện thoại di động của học sinh trong giờ học và tại trường học. Ban giám hiệu cùng các thầy cô thường xuyên phổ biến, nhắc nhở đến học sinh thông qua các buổi sinh hoạt lớp, giờ chào cờ. Song song đó, trường đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm như tổ chức sự kiện, chương trình giao lưu và tạo thêm sân chơi bổ ích thông qua các câu lạc bộ sẵn của nhà trường.

Những hoạt động này không chỉ lấp đầy khoảng thời gian giờ ra chơi mà còn giúp học sinh gắn kết, phát huy năng khiếu và nâng cao kỹ năng mềm. Nhờ sự kết hợp giữa tuyên truyền và tổ chức hoạt động thiết thực, việc không sử dụng điện thoại khi đến trường đã trở thành nề nếp và được học sinh toàn trường tự giác tuân thủ nghiêm túc.

Không khí giờ ra chơi không điện thoại đầy sôi động. Thực hiện: Hoàng Hoài

Thông tư số 32 ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: "Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Như vậy, sử dụng điện thoại trong lớp học về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm, học sinh chỉ sử dụng điện thoại khi được đồng ý giám sát của giáo viên và phục vụ mục đích học tập.

HOÀNG HOÀI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gio-ra-choi-khong-dien-thoai-tai-truong-thpt-pleiku-tat-ket-noi-bat-gan-ket-post303543.html
Zalo