Đề xuất xây dựng khung pháp lý cho cộng đồng LGBT
Việc tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho cộng đồng LGBT là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới và Việt Nam.
Ngày 12-12, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Tiếng nói cầu vồng - Giới và vấn đề bình đẳng giới trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên.
Dự án này do tổ chức Save the Children International (SCI) viện trợ, có quyết định phê duyệt của UBND TP.HCM vào tháng 12-2023, thực hiện đến cuối năm 2024.
Báo cáo kết quả dự án tại hội nghị, TS Vũ Văn Hiệu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cho biết có 68,8% thanh thiếu niên từng lên tiếng khi chứng kiến sự phân biệt, kỳ thị liên quan đến giới, bình đẳng giới và đa dạng giới; chỉ 35,3% TTN (66/187 em) từng đề xuất với gia đình, nhà trường về việc bảo đảm an toàn khi thể hiện giới tính và xu hướng tính dục.
Theo TS Hiệu, nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong nhận thức của thanh thiếu niên là sự thờ ơ, thiếu quan tâm đến vấn đề này. Cụ thể, có đến 62,4% thanh thiếu niên không chú ý đến các hoạt động truyền thông về giới; 63,3% không quan tâm đến thông tin về bình đẳng giới; 62,9% không chú ý đến các vấn đề liên quan đến đa dạng giới.
“Môi trường gia đình và trường học chưa tạo điều kiện đủ để thanh thiếu niên tìm hiểu các kiến thức về giới, bình đẳng giới và đa dạng giới. Cạnh đó, thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội, kết hợp với năng lực sàng lọc thông tin còn hạn chế của các em cũng là nguyên nhân đáng lưu ý” - TS Vũ Văn Hiệu cho hay.
Phát biểu tại hội nghị, chuyên gia tâm lý, Ths Mia Nguyễn đã đề cập đến một trường hợp là hệ quả của việc thiếu sự quan tâm dành cho vấn đề giới và bình đẳng giới. Đó là trường hợp của một nữ sinh lớp 9 có tình cảm với bạn nữ khác khiến cha mẹ lúng túng.
Trước đó, khi phát hiện sự việc, thầy cô đã thông báo cho phụ huynh, khiến họ hốt hoảng và bối rối, không biết có nên để con tiếp tục học tại trường hay không.
“Cha mẹ muốn chuyên gia chữa trị để em trở thành "một người bình thường". Họ không chấp nhận việc con mình là người đồng tính, xem đây là điều sai lệch và thậm chí là “bệnh" - Ths Mia Nguyễn nói.
Cạnh đó, vị chuyên gia này nhận thấy những áp lực mà em phải đối mặt, bao gồm căng thẳng trong học tập, mất kết nối với gia đình, cảm thấy không được chia sẻ. Sau 3-4 buổi tư vấn, nữ sinh đã mở lòng hơn và dần trở lại học tập.
Cũng theo Ths Mia Nguyễn, cha mẹ và nhà trường nên nhẹ nhàng hướng dẫn và hỗ trợ, tạo môi trường an toàn và cởi mở để các em thanh thiếu niên cảm thấy được lắng nghe thay vì lo lắng quá mức.
Cũng tại hội nghị, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết thông qua dự án này, hội sẽ cùng chính quyền thành phố tăng cường các hoạt động liên quan nhằm góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, phụ huynh và các bạn trẻ trong nhà trường.
“Các kế hoạch đang được xây dựng để tiếp tục triển khai và kéo dài dự án, đồng thời tiếp thu tất cả các ý kiến để hoàn thiện dự án và nhân rộng các mô hình thành công đến nhiều địa bàn khác” - ông Nghinh nói.
Đề xuất xây dựng khung pháp lý cho cộng đồng LGBT
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cho biết việc tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho cộng đồng LGBT là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới và Việt Nam.
“Muốn xây dựng luật thường phải dựa trên hai hướng chính. Thứ nhất, là cụ thể hóa những nội dung mà pháp luật đã cho phép. Thứ hai, là kiến nghị các chính sách đặc thù.
Việc xây dựng chính sách dành cho cộng đồng LGBT thuộc nhóm thứ hai - những vấn đề mang tính đặc thù và lớn, cần được cân nhắc kỹ lưỡng” - ông Nhựt nói và cho hay kết quả thực tế trong quá trình hỗ trợ cộng đồng LGBT cần được sử dụng làm cơ sở để thuyết phục các cơ quan làm luật.