Gìn giữ nét văn hóa, văn minh lễ hội để thu hút khách du lịch
Lễ hội truyền thống là một nét sinh hoạt văn hóa quan trọng của người dân, việc gìn giữ nét đẹp văn hóa, văn minh mỗi mùa lễ hội luôn được cả xã hội quan tâm. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí An Đôn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô-địa phương sở hữu nhiều lễ hội truyền thống.
![Nghi lễ Tế Nữ quan tại Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê, xã Yên Từ (Yên Mô). Ảnh: Đinh Minh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_442_51481803/104641a272ec9bb2c2fd.jpg)
Nghi lễ Tế Nữ quan tại Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê, xã Yên Từ (Yên Mô). Ảnh: Đinh Minh
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những nét khái quát về hoạt động lễ hội ở huyện Yên Mô thời gian qua?
Đồng chí (Đ/c) An Đôn Nghĩa: Huyện Yên Mô hiện nay có 14 đơn vị hành chính cấp xã gồm 1 thị trấn và 13 xã. Diện tích đất tự nhiên là 14.609,8 ha; dân số hơn 122 nghìn người. Về tín ngưỡng, trên địa bàn huyện hiện có 197 cơ sở tín ngưỡng (không kể cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ), trong đó có 11 cơ sở đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia và 60 cơ sở được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Về tôn giáo, trên địa bàn huyện có 2 tôn giáo là Phật giáo và Thiên Chúa giáo.
Trên địa bàn huyện Yên Mô hiện nay có 58 lễ hội cấp làng, cấp thôn, xóm được tổ chức thường xuyên hàng năm. Trong đó, có 2 lễ hội là lễ hội làng Bình Hải (xã Yên Nhân) và lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê (xã Yên Từ) được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện đã được tăng cường. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng như: Thông qua hệ thống truyền thanh, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, tuyên truyền trực quan, lồng ghép thông qua hội thi, hội diễn, sinh hoạt… vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân và du khách trong thực hiện các quy định của Nhà nước về lễ hội; tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống của dân tộc.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và tổ chức lễ hội được quan tâm, chú trọng. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và đột xuất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý sai phạm tại các lễ hội, vì vậy công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện đã đi vào nền nếp, các địa phương tổ chức lễ hội đã thực hiện nghiêm túc Nghị định 110/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh. Nhìn chung tại các lễ hội, phần lễ được thực hiện trang trọng theo các phong tục cổ truyền tốt đẹp của quê hương, không có hành vi lợi dụng lễ hội thực hiện mê tín dị đoan.
Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng tạo không khí vui tươi phấn khởi cho Nhân dân và du khách thập phương về tham dự. Các trò chơi dân gian trong lễ hội được Ban tổ chức lựa chọn phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo thuần phong mỹ tục. Các sinh hoạt lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tạo sự gắn kết trong cộng đồng, bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa đặc trưng của địa phương.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh dịch vụ được chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Chú trọng quy hoạch di tích, đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng khu vực đón tiếp, các công trình phụ trợ; tổ chức thu gom xử lý rác thải kịp thời, đảm bảo mỹ quan… tạo điều kiện để các lễ hội trên địa bàn huyện được diễn ra thuận lợi. Nhiều nơi đã lắp đặt hệ thống camera theo dõi trong khu vực di tích. Tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện các quy định về giá cả hàng hóa, dịch vụ theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…
PV: Thưa đồng chí, với một địa phương có nhiều lễ hội diễn ra trong năm, nhất là dịp đầu Xuân mới, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn Yên Mô còn những vấn đề gì cần quan tâm?
Đ/c An Đôn Nghĩa: Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện cũng còn một số hạn chế nhất định như: Việc thực hiện đăng ký, thông báo nội dung, chương trình tổ chức Lễ hội ở một số nơi có lúc chưa đúng thời gian quy định.
Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh cho Nhân dân và du khách tại lễ hội đã thực hiện, phát huy hiệu quả. Tuy nhiên tại một số nơi công tác này vẫn chưa thường xuyên, liên tục, chưa thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế. Việc bố trí các hàng quán trong khu vực tổ chức lễ hội ở một số nơi còn chưa hợp lý, gây cản trở giao thông cho người dân và du khách về tham gia lễ hội. Vấn đề này UBND huyện và các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp để tháo gỡ và đã có những chuyển biến tích cực.
PV: Huyện đã có những giải pháp như thế nào để đưa công tác quản lý lễ hội vào nền nếp mà vẫn đảm bảo được nét văn hóa, văn minh của lễ hội?
Đ/c An Đôn Nghĩa: Có rất nhiều giải pháp, tuy nhiên giải pháp quan trọng nhất là tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền để du khách và người dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về lễ hội. Huyện đã đẩy mạnh việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản về tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc thủ tục đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội hàng năm.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động lễ hội trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất trước, trong và sau lễ hội để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý, đề nghị xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các khu vực di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, nơi tổ chức lễ hội.
Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động Nhân dân và du khách thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các điểm tổ chức lễ hội. Tuyên truyền giới thiệu về nguồn gốc, giá trị nội dung và ý nghĩa lịch sử văn hóa của các lễ hội nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, gìn giữ, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
PV: Tỉnh Ninh Bình đang hướng mạnh đến việc phát triển kinh tế du lịch, công nghiệp văn hóa. Xin đồng chí cho biết thời gian tới, huyện sẽ có những giải pháp gì để khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa, thúc đẩy hoạt động kinh tế du lịch của địa phương?
Đ/c An Đôn Nghĩa: Để khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh tế du lịch, huyện đề ra một số giải pháp: Huy động xã hội hóa đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm có thể phát triển du lịch; quy hoạch sắp xếp và xây dựng các cơ sở dịch vụ: nhà nghỉ, y tế, ăn uống, vui chơi giải trí…; tích cực phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đi đôi với bảo tồn, phát triển, quảng bá hình ảnh và phát huy vai trò các di tích lịch sử; xây dựng hình ảnh và thương hiệu của địa phương.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh thân thiện với du khách, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại nơi có điểm phục vụ du lịch.
Tăng cường quản lý, bảo đảm về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; cung cấp thông tin về dịch vụ tại địa phương cho du khách qua Internet và hệ thống các ấn phẩm quảng bá du lịch. Cử cán bộ, công chức thường xuyên tham gia các lớp đào tạo nhằm cải thiện nguồn nhân lực du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!