Gìn giữ nét văn hóa người Sán Chay ở Quảng Ninh

Những ngôi làng người Sán Chay ở Quảng Ninh giờ đây không còn là nơi hẻo lánh nữa. Đường trải nhựa, bê tông đã vào tận những khe, bản ở vùng núi xa xôi. Người Sán Chay có cơ hội phát triển kinh tế, đồng thời thể hiện nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Người Sán Chay hình thành 2 nhóm gồm: Cao Lan và Sán Chỉ. Tại Quảng Ninh, người Sán Chay là một trong 6 dân tộc sinh sống đông nhất, tập trung chủ yếu ở các huyện miền Đông của tỉnh như Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ và một số ít ở Đầm Hà. Họ cư trú thành những cộng đồng với vài chục gia đình sống gắn bó bên nhau và có ngôn ngữ, bản sắc dân tộc rõ nét.

Từ những cô gái rụt rè, e ấp, họ đã trở thành những cầu thủ bóng đá mạnh mẽ trên sân; từ lời ca Soóng cọ chỉ văng vẳng trong nhà, hoặc trên những cánh rừng heo hút gió, họ đã tự tin thể hiện trong các cuộc thi hay lễ hội.

Điển hình, một không gian văn hóa đặc sắc được mở ra trong ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay, tại xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ vào ngày 20 và 21/12/2024 vừa qua.

Các nghi lễ tiêu biểu của dân tộc Sán Chay đã tược tái hiện, như: Nghi lễ cầu mùa, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa vàng tươi tốt; hát giao lưu Soóng Cọ, múa Tắc Xình, múa Xúc tép.

Các hoạt động của Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay của huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh).

Các hoạt động của Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay của huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh).

Trong khuôn khổ ngày hội, huyện Ba Chẽ cũng phục dựng nghi lễ đón dâu truyền thống. Không chỉ là sinh hoạt văn hóa tinh thần, phong tục cưới hỏi của người Sán Chay còn thể hiện tình cảm, đạo đức, lối sống, phép ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên tươi đẹp.

Du khách đến với ngày hội còn được đắm mình trong không gian văn hóa với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc người Sán Chay như: Thi giã bánh giày, gói bánh Coóc mò; trưng bày mâm cỗ...; tham quan, mua sắm tại các gian hàng nông sản đặc hữu, dược liệu; các sản phẩm OCOP của huyện; trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc Sán Chay gồm: nhà sàn truyền thống và các dụng cụ lao động sản xuất, vật dụng; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc hữu của địa phương.

Ông Lục Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Sơn là người Sán Chay và hiện được coi là người hiểu biết nhất về người Sán Chay ở Ba Chẽ. Theo ông Bình, trước đây con trai, con gái Sán Chay gặp nhau đều hát Soóng cọ, họ hát bên bìa rừng, bên dòng suối... cứ thấy vui là hát được. Thế nhưng kể từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, phong tục này đã bị mai một dần. Bây giờ hầu như chỉ người 40 tuổi trở lên mới biết hát. Phụ nữ Sán Chay chỉ những ngày lễ hội mới mặc quần áo của dân tộc mình, còn những ngày khác thì không.

Trước đây, ở các đám cưới của dân tộc Sán Chay, bà con đều hát giao duyên. Khi đoàn nhà trai mang lễ đến nhà gái, nhà gái cử người ra đón. Nhà trai hát đối trình bày công việc đến xin đón cô dâu. Nhà gái ra lời đố để nhà trai trả lời. Cuối cùng, nhà gái hát mời vào, nhà trai hát đối và đưa bánh dày nhỏ cho những người ra đón, nhà gái nhận lễ rồi hát đáp lại, khi ấy chú rể mới đón cô dâu về nhà chồng. Thế nhưng phong tục này cũng đã mai một dần, ngày nay hầu hết các gia đình Sán Chay ở Ba Chẽ đều tổ chức đám cưới cũng gần giống như người Kinh.

Nhằm khôi phục lại những giá trị văn hóa của người Sán Chay, đến nay huyện Ba Chẽ đã 3 lần tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay, gắn với Giải thể thao các dân tộc huyện Ba Chẽ. Theo ông Trần Trung Thạo, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Ba Chẽ, Ngày hội được tổ chức thường niên nhằm góp phần bảo tồn và phát huy, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của đồng bào Sán Chay trên địa bàn huyện Ba Chẽ; đồng thời là dịp để người dân giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch tại địa phương.

Bà Đàm Thị Kim Cương, người Sán Chay ở thôn Khe Pụt, xã Thanh Sơn phấn khởi nói: Chúng tôi được sống lại với những ký ức từ thời trẻ con, được xem những nghi lễ truyền thống, được nghe những làn điệu Soóng Cọ, xem những điệu múa của dân tộc mình và rất nhiều hoạt động khác. Chúng tôi tự hào khi chứng kiến những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Chay được giữ gìn và lan tỏa.

Ngoài quan tâm, chăm sóc những giá trị văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Sán Chay nói riêng, thời gian qua, Quảng Ninh tiếp tục có nhiều giải pháp giảm nghèo ở khu vực miền núi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng miền trong tỉnh.

NGUYỄN QUÝ – BÌNH MINH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gin-giu-net-van-hoa-nguoi-san-chay-o-quang-ninh-10298184.html
Zalo