Đón xuân giữa trùng khơi
Biển những ngày trước Tết Nguyên đán luôn dữ dội, thế nhưng vượt qua những sóng gió thiên nhiên, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân mang theo mùa xuân ấm áp đến với các nhà giàn DK1 ngay trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025. Mỗi phần quà, mỗi lời hỏi thăm đều là sợi dây kết nối yêu thương, gửi gắm tình cảm sâu sắc của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.
Ấm lòng hậu phương
Ngay trước chuyến hải trình, trên cầu tàu Cảng vụ Hải đoàn 129 (TP Vũng Tàu), thân nhân của 4 gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các nhà giàn DK1 đã có mặt để tiễn đoàn.
Bé Đào Hải Đăng cùng mẹ và em trai có mặt từ khá sớm để gửi quà và những lời chúc đến ba là Đào Văn Điệp, nhân viên thông tin đang công tác tại nhà giàn DK1/16. Cầm trên tay lá thư với nét mực tím chứa đựng bao nhiêu tình cảm, khi được hỏi, bé bẽn lẽn: “Con chúc ba mạnh khỏe, công tác tốt”. “Thời gian đầu khi anh bắt đầu công tác nơi biển xa, tôi chưa quen, cũng buồn và khóc. Nhưng bây giờ 3 mẹ con luôn tự nhủ phải cố gắng để anh yên tâm. Tôi chỉ mong anh giữ gìn sức khỏe, sớm hoàn thành nhiệm vụ, về với 3 mẹ con. Qua đoàn công tác, tôi muốn gửi lời chúc đến các anh mạnh khỏe, có cái tết ấm no, vui vẻ”, chị Dương Thị Hương, vợ anh Đào Văn Điệp chia sẻ.
Cũng dẫn theo 2 cậu con trai, chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Nhơn Trạch, Đồng Nai) còn chuẩn bị 3 thùng hàng gồm rất nhiều nhu yếu phẩm để gửi cho chồng là anh Cao Anh Lê Phương, công tác trên nhà giàn DK1/18 cùng các đồng đội. Trước khi tàu của đoàn công tác rời đi, chị không giấu được xúc động và nhắn nhủ: “Em chúc chồng và đồng đội công tác tốt, mạnh khỏe, bình an… Ở nhà em và các chị em hậu phương lo lắng cho gia đình để các anh yên tâm công tác”.
Chị Đào Thị Mỹ Hạnh (TP Vũng Tàu) có chồng là Thạch Lê Nguyên đang công tác tại nhà giàn DK1/15 cũng không giấu được sự xúc động khi cùng 2 con trai đến gửi quà cho ba và các đồng đội. Bé Thạch Tuấn Khang gửi lời chúc đến ba và các chú, các bác một cái tết thật vui. “Ở nhà con hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi để ba yên tâm công tác”, bé Tuấn Khang nói trong ngập ngừng. Cũng như người vợ của các cán bộ, chiến sĩ khác, chị Mỹ Hạnh gửi lời chúc đến chồng yên tâm công tác trên nhà giàn bởi: “Con và gia đình đã có em lo. Cả nhà sẽ luôn là hậu phương vững chắc để anh vững vàng ý chí bảo vệ Tổ quốc”.
Không chỉ có những người thân, ngay cả những người lính đang vận chuyển hàng hóa lên tàu cũng có những kỷ niệm với nhà giàn. Trung sĩ Trần Quang Huy (ngụ TP Vũng Tàu) vừa hoàn thành nhiệm vụ trên nhà giàn, nay chuyển về công tác tại đất liền, vừa hỗ trợ vận chuyển hàng hóa lên tàu vừa chia sẻ: “Khi ở trên nhà giàn, cứ mỗi lần nhận quà tết từ đất liền gửi ra, chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Chính vì vậy, nay được góp một phần nhỏ vào việc mang niềm vui đến cho các đồng đội của mình, tôi cảm thấy niềm vui và hạnh phúc”.
Trước ngày tàu xuất phát, đồng chí Dương Thị Huyền Trâm, Trưởng Ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM trực tiếp có mặt tại Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân để gửi tặng quà. “Những món quà rất dung dị, là những chậu tắc, bánh chưng, nhu yếu phẩm… nhưng là tình cảm từ đất liền trao gửi yêu thương, nghĩa tình đến các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Chúng tôi hiểu rằng, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với nhiều khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió, sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ thật đáng trân trọng. TPHCM luôn xác định vai trò là hậu phương vững chắc cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên các điểm đảo, nhà giàn và thềm lục địa của Tổ quốc”, bà Huyền Trâm chia sẻ.
“Đi dây”, đạp sóng đến nhà giàn
Trải qua hành trình hàng trăm km trên biển, tàu đến với các nhà giàn. Thế nhưng, thời tiết những ngày này diễn biến bất thường, sóng gió khiến tàu lắc lư dữ dội. Trong điều kiện đó, nhiệm vụ tiếp cận một số nhà giàn như DK1/14 (cụm Tư Chính) trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Phải vận chuyển quà tết, hàng hóa bằng dây thay thế cho xuồng công tác.
Những khi đó, cả tàu phải phân công ra để nhanh chóng hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất. Dưới khoang chứa hàng, một nhóm tiến hành phân loại, sắp xếp hàng hóa trước khi dùng cần cẩu đưa lên sàn tàu. Tại đây, một nhóm khác lo bọc hàng vào túi chống nước, cột lại chắc chắn. Hàng tết vốn đa dạng, việc bao bọc cũng khó khăn hơn như các cây quất phải bọc ít nhất 2 lớp túi chống nước bởi chỉ cần dính ít nước biển, cây sẽ chết ngay.
Khi mọi công đoạn được hoàn thiện, từng kiện hàng mới được thả nhẹ xuống mặt biển. Mỗi lần sóng đánh, những kiện hàng lại nhấp nhô, như những con tàu nhỏ bé đang vượt qua sóng gió. Trên nhà giàn, tiếng hô đồng thanh “1, 2, 3! Kéo!” vang vọng giữa biển khơi, át đi những cơn sóng dữ như muốn cuốn phăng tất cả. Mỗi đợt đi dây như thế dù chỉ có khoảng hơn 10 kiện hàng, nhưng riêng thời gian kéo lên nhà giàn đã mất cả tiếng đồng hồ. Từ 8 giờ bắt đầu đóng gói hàng hóa mà phải đến tận hơn 14 giờ, việc vận chuyển hàng lên nhà giàn mới hoàn tất.
Vận chuyển hàng đã khó, đưa các thành viên đoàn công tác lên thăm, chúc tết các điểm nhà giàn DK1 càng khó hơn. Tại nhà giàn DK1/15 (cụm Phúc Nguyên) và DK1/10 (bãi cạn Cà Mau), do không thể tiếp cận bằng xuồng nên các thành viên trong đoàn phải lên nhà giàn bằng cách đu dây, dùng cần cẩu kéo lên.
Lần đầu trải nghiệm đu dây lên nhà giàn, phóng viên Trần Hoàng (Báo Tiền Phong) không giấu được cảm xúc: “Có thể nói đây sẽ là khoảnh khắc không bao giờ quên được. Chúng tôi đã được dặn dò, tập trước rất kỹ lưỡng để tiếp cận nhà giàn, nhất là bước quan trọng phải bắt được nhịp sóng lên xuống…”.
Hạnh ngộ giữa trùng khơi
“Lần đầu tiên được đặt chân lên nhà giàn, cảm xúc của tôi như vỡ òa khi trực tiếp tận mắt chứng kiến "cột mốc sống" của Tổ quốc sừng sững giữa biển cả mênh mông. Đó là cảm giác của lòng tự hào và biết ơn. Có những cán bộ đã công tác hơn 20 năm trên nhà giàn, cũng có những chiến sĩ trẻ lần đầu thực hiện nhiệm vụ nhưng đều mang quyết tâm không ngại khó, không ngại khổ để thực hiện nhiệm vụ bám biển, bám nhà giàn, giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương”, phóng viên Nguyễn Văn Phúc, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM nói.
Trên các nhà giàn những ngày này, dù giữa muôn trùng khơi, biển động nhưng bên trong lại là một không khí sôi động và đầm ấm, nơi những người lính đảo đang tất bật chuẩn bị cho một cái tết sum vầy. Hình ảnh các anh khéo léo xếp lá dong xanh mướt, thái thịt heo thật đều, khiến chúng tôi cảm nhận được sự chu đáo, tỉ mỉ.
Trong phòng sinh hoạt chung của nhà giàn DK1/15, một tấm chiếu được trải ra, trên đó bày sẵn lá dong, thịt heo, đậu xanh... Các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn cùng những thành viên đoàn công tác cùng nhau quây quần, vừa gói bánh, vừa nói cười rôm rả. Xung quanh, quà tết từ đất liền gửi ra được bày biện ngay ngắn, bàn thờ được trang trí đủ đầy khiến căn phòng càng trở nên ấm áp hơn. Không khí xuân càng trở nên trọn vẹn hơn khi bàn thờ có thêm mâm ngũ quả với nải chuối đã chín vàng, trái bưởi còn nguyên cành lá xanh, trái dứa, chùm sung, cam, táo, dưa hấu. Đây là món quà của các tàu trực vừa tặng nhà giàn trước khi đoàn công tác ghé thăm.
Anh Nguyễn Tiến Trung, chiến sĩ trên nhà giàn DK1/15, cho biết, khi đón nhận những món quà của tàu công tác gửi đến như tiếp thêm sức mạnh giúp bản thân thêm vững tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. “Với cá nhân em, bất cứ món quà nào từ đất liền gửi ra đều vô cùng đáng trân trọng. Đặc biệt, với những bức thư do các em học sinh gửi ra, mỗi lần đọc em đều vô cùng xúc động, muốn khóc. Nó là nguồn động viên rất lớn”, Tiến Trung bày tỏ.
Trong điều kiện thời tiết sóng to, gió lớn luôn chực chờ, khoảnh khắc sum họp trên nhà giàn tuy ngắn ngủi nhưng đầy ắp yêu thương. Và khi đoàn công tác rời nhà giàn, 3 hồi còi dài chào tạm biệt vang lên như lưu luyến không rời. Trên nhà giàn, các thành viên nhà giàn cùng xếp hàng đứng vẫy cờ cho đến khi tàu công tác rời xa. Trên tàu, những cái vẫy tay không rời và đã có những giọt nước mắt xúc động vì khoảnh khắc chia xa. "Tôi cố nén sự xúc động nhưng nước mắt cứ tự nhiên tuôn rơi, giống như phải chia xa người thân của mình vậy", chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (Giảng viên Trung tâm Lý luận chính trị, Đại học Quốc gia TPHCM) bày tỏ.