Thong dong cùng chén trà Xuân

Nhiều người quan niệm thưởng trà là cách chậm lại để thưởng thức cuộc sống. Ngày Xuân càng có cớ để thong dong cùng trà.

 Nhiều người thường biếu, tặng trà dịp Tết như một thức quà Xuân tao nhã. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nhiều người thường biếu, tặng trà dịp Tết như một thức quà Xuân tao nhã. Ảnh: Hoàng Ngọc

1. Trong chiều sâu văn hóa của người Việt, trà là một lễ nghi mở đầu những cuộc giao tiếp dù thân hay sơ. Nhất là trong ngày Xuân lại càng không thể thiếu trà. Cửa hàng Tâm Việt Trà (59 Đồng Tiến, TP. Pleiku) vì thế càng gần Tết càng đông khách quen tìm đến. Có người mua trà để biếu, tặng như một thức quà Xuân tao nhã. Có người dùng trà để làm trang trọng thêm nơi thờ gia tiên. Những câu chuyện đầu năm thường khởi đi từ một chén trà Xuân, nên nhà nhà ít nhiều đều chuẩn bị một vài thức trà ngon đãi khách quý.

Tâm Việt Trà có lẽ là nơi kinh doanh nhiều loại trà nhất nhì Phố núi. Ở đây có trên 70 loại trà, từ bình dân, phổ biến nhất đến những danh trà thượng hạng. Anh Nguyễn Quốc Tuân-chủ cửa hàng Tâm Việt Trà cho biết, trà được phân thành 5 dòng cơ bản là trà xanh, trà Ô Long, hồng trà (trà đen), bạch trà (trà trắng) và trà Phổ Nhĩ. Trong đó, trà xanh được người Việt dùng phổ biến nhất. Đỉnh cao của dòng trà này là trà Thái Nguyên, trà shan tuyết cổ thụ và các loại trà xanh ướp hương hoa.

Trà Phổ Nhĩ được làm từ lá của những cây trà cổ thụ mọc ở vùng núi Tây Bắc (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), được đóng thành dạng bánh với hình thức khá đặc biệt. Trà trắng là loại trà tinh tế và cũng có giá trị cao nhất, có loại giá vài triệu đồng/lạng.

Sinh ra trong gia đình có 4 đời trồng và chế biến trà ở đồn điền trà Biển Hồ, anh Nguyễn Quốc Tuân góp vào “bản đồ trà” Việt Nam với dòng trà Ô Long Nhiên Di và Ô Long Tâm Việt, được đóng hộp rất sang trọng, phù hợp cho biếu tặng dịp lễ, tết. Ngoài ra, anh còn làm một số loại trà lên men với số lượng có hạn để dành tặng người thân, bạn bè.

Mỗi dòng trà có một phẩm vị khác nhau, nhưng anh Tuân cho rằng trà Ô Long đặc biệt hợp uống trong ngày Tết: “Một ấm Ô Long có thể pha từ sáng đến chiều vẫn giữ được màu sắc, hương thơm, nhất là không gây mất ngủ. Đây lại là loại trà lên men bán phần từ 20 đến 70-80%, tốt cho hệ tiêu hóa. Ô Long còn được gọi là “thanh trà” cũng bởi có tác dụng thanh lọc cơ thể”.

Kiểu cách đóng gói cũng được nâng lên tầm nghệ thuật và phù hợp với phẩm vị từng loại trà. Hình thức vô cùng bắt mắt khiến trà trở thành một thức quà Tết tao nhã dành cho người mê trà và thích “chơi” trà. Tại Tâm Việt Trà có trên 70 loại trà thì tương ứng những hình thức gói trà hết sức độc đáo.

Có loại trà được ủ lá chuối bỏ trong ống nứa nhìn không khác ống cơm lam. Trà shan tuyết đại cổ thụ được ủ trong từng búp sen bách diệp Tây Hồ, mỗi gói trà như một búp sen hồng. Riêng trà Phổ Nhĩ có rất nhiều kiểu đóng gói lạ mắt, có loại như những trái quýt tròn, loại đóng thành bánh trong mo cau như một thức quà quê gợi bao điều xưa cũ. Các loại trà Ô Long, bạch trà được đóng lon kèm hộp và túi rất sang trọng, phù hợp cho biếu tặng hay bày lễ…

2.Nhiều người quan niệm thưởng trà là cách chậm lại để thưởng thức cuộc sống. Tết đến Xuân về, mọi người càng có cái cớ để chậm lại, thong dong cùng trà.

 Trà là một thứ lễ nghi mở đầu những cuộc giao tiếp dù thân hay sơ. Ảnh: Hoàng Ngọc

Trà là một thứ lễ nghi mở đầu những cuộc giao tiếp dù thân hay sơ. Ảnh: Hoàng Ngọc

Dù không phải người ghiền trà, nhưng chị Nguyễn Lữ Thu Hồng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) yêu không khí quanh bàn trà ngày Tết. Chị bày tỏ: “Mình đã có một năm với nhiều ngày tháng sống nhanh, sống vội. Nhâm nhi chén trà trong ngày xuân cho mình cơ hội được sống chậm lại, quay vào bên trong với niềm vui trong im lặng. Chén trà như một phần của mùa Xuân vậy. Bởi bên tách trà, ta có một quãng lặng, lắng lại mọi điều, dù ngắn ngủi nhưng cần thiết, đủ cho ta thấy cuộc sống có biết bao điều quý giá, ý nghĩa”.

Nhấp ngụm trà, nhâm nhi miếng bánh mứt, thưởng hoa mai hoa đào, cho nhau sự có mặt… Tất cả làm nên phong vị riêng của ngày xuân. Bên cạnh cách uống trà cầu kỳ, công phu, chén trà xuân lại thường quay về với sự giản đơn, nhưng ở đó người ta có thể kể với nhau mọi điều. Nhiều người không quá quan trọng về lễ nghi mà coi trọng câu chuyện, không khí quanh bàn trà. Anh Tuân thì cho rằng, mỗi người mỗi vị, ăn cũng vậy mà thưởng trà cũng vậy. Có người thích hương của loại trà phổ thông nhưng cũng có người ưa vị của dòng trà hảo hạng. Nhưng thưởng trà Xuân chỉ cần có trà, có bạn tâm giao, có người thân bên cạnh là có một cuộc tâm tình tròn đầy, ý nghĩa.

Trong nghệ thuật thưởng trà có câu “nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm”, nhấn mạnh sự quan trọng bậc nhất của việc chọn nước, nhì đến chọn trà. Gia Lai không chỉ tự hào đóng góp vào dòng chảy văn hóa của trà với những đồn điền trà Bàu Cạn, Biển Hồ có lịch sử hàng trăm năm. Nguồn nước trong lành, tinh khiết của vùng đất cao nguyên cũng được xem là yếu tố làm thăng hoa hương vị trà.

Nhà thơ Miên Di đồng thời là chủ của nhà hàng ẩm thực tại Phố núi Pleiku kể, có lần anh tiếp một người bạn ở xa đến Pleiku. Đó là một người Hà Nội nhưng sống ở Pháp. Khi tới quán cà phê, anh bạn gọi một ly nước sôi để nguội để... thưởng thức và nói “Nước ở đây ngon quá!”. Theo anh, chính nguồn nước ở đây khiến cà phê và ẩm thực Pleiku ngon một cách đằm thắm. Nếu tách sản vật của Pleiku khỏi nguồn nước đun nấu nó, thì hương vị sẽ không còn rõ nữa.

Nhất thủy, nhì trà và bạn tâm giao. Chỉ đơn giản vậy nhưng đủ làm nên một cuộc trà Xuân đầy ý vị, và cùng chậm lại một chút cùng đất trời...

HOÀNG NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thong-dong-cung-chen-tra-xuan-post309271.html
Zalo