'Gieo mầm tri thức' nơi miền Tây xứ Nghệ - Bài 2: Thầy trò cùng nhau vượt khó

Nghèo khó bủa vây, giữa rừng núi heo hút ở miền Tây xứ Nghệ, các giáo viên vẫn một lòng bám lớp, bám bản. Để 'găm' được cái chữ trên miền đất khó là cả hành trình gian nan nhưng ở đó, nhà trường, gia đình và các em học sinh đều đồng lòng cùng nhau vượt khó.

 Cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh rạng rỡ trong ngày khai giảng năm học mới 2024-2025

Cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh rạng rỡ trong ngày khai giảng năm học mới 2024-2025

Những học sinh đặc biệt

Bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh, có một điểm trường thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh gồm 2 lớp 1 và 2 với 26 em, trong đó 25 em thuộc hộ nghèo, 1 em cận nghèo. Tại trường chính hiện cũng đang có 35 học sinh của bản này theo học và ở bán trú, trong đó có em Moong Thị Phương Lan - 1 trong số những học sinh có hoàn cảnh rất đáng thương.

Gia đình của của bé Lan rất khó khăn và thuộc diện nghèo nhất bản. Nhà Lan có 2 chị em, bố vốn chậm chạp nên mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do một tay người mẹ lo liệu. Lan năm nay lên lớp 4, đáng ra em đã ra ở nội trú được 1 năm. Tuy nhiên, em thuộc diện "học sinh đặc biệt" nên năm học 2024-2025, em mới rời bản, rời xa bố mẹ ra trường chính để học.

Sân Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh trước đây luôn ngập nước mỗi khi trời mưa to

Sân Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh trước đây luôn ngập nước mỗi khi trời mưa to

"Lan chậm chạp hơn so với các bạn cùng trang lứa. Đây là lý do năm trước, dù đã lên lớp 3 nhưng em vẫn phải gửi tại điểm trường để các cô kèm cặp. Em mắc chứng tự kỷ, thuộc diện học sinh khuyết tật nên vẫn được lên lớp mỗi năm. Thật tình em rất khó tiếp thu kiến thức. Khi về ở nội trú để đi học, chúng tôi cũng phải dành nhiều hơn sự quan tâm cho em", cô giáo Nguyễn Thị Hiền - phụ trách bán trú của nhà trường - chia sẻ.

Chăm lo cho một học sinh tiểu học ở bán trú đã vất vả, với trường hợp của bé Lan, cô Hiền và các đồng nghiệp càng vất vả hơn. Hàng ngày, từ sinh hoạt cá nhân đến việc học tập, Lan luôn phải có cô giáo bên cạnh. Thậm chí, lúc em ngủ cô giáo cũng không thể lơ là vì sợ đêm em dậy và đi lạc.

Một trường hợp khác cũng có hoàn cảnh rất bi đát là em Lữ Thị Mùi, ở bản Chẳm Puông. Cháu Mùi năm nay lên lớp 3 nhưng không có bố mẹ bên cạnh. Mẹ bỏ đi từ mấy năm trước, bố đi làm ăn xa, ông nội già yếu. Ngôi nhà gia đình cháu đang ở cũng mới được Nhà nước xây tặng năm ngoài.

Sân trường trông không khác gì mặt ruộng

Sân trường trông không khác gì mặt ruộng

Chị gái của Mùi đã phải bỏ học sau khi mẹ bỏ đi. Hiện bố đi làm ăn tận miền Nam, gần 1 năm chưa về nhà nhưng may mắn Mùi vẫn được những người họ hàng đưa đến trường đi học. Tại nơi bán trú, bé Mùi phải trông cả vào những người như cô Hiền.

Ngoài ra còn có em Xeo Thị Kiều Ân, học sinh lớp 5D thuộc diện hộ nghèo, hiện tại ở với ông vì bố mẹ đều câm điếc và chậm chạp nên chẳng biết chăm sóc con. Trường hợp khác cũng rất bi đát là em Xeo Văn Thỏ ở bản Cà Moong. Cha mẹ Thỏ đều đã mất, em đang ở với người thân.

"Điều may mắn là năm nay các em đến ở nội trú hòa nhập rất nhanh. Năm nay, sau kỳ nghỉ hè các em cũng trở lại trường học tập đầy đủ. Các năm trước, nếu lớp nào thiếu học sinh, sau lễ khai giảng, giáo viên chủ nhiệm lại phải xắn quần vào tận bản để thuyết phục, đưa các em trở lại trường", cô Hiền cho biết.

Theo quy định, học sinh từ các bản xuống ở bán trú sau 2 tuần sẽ được nhà trưởng "trả" về bản 1 lần vào ngày cuối tuần. Đây cũng là những ngày nghỉ hiếm hoi của giáo viên. Thế nhưng theo cô Hiền, không ít trường hợp đến ngày về nhưng học sinh không có ai đến đón. Giáo viên chủ nhiệm lại phải tức tốc gọi điện cho trưởng bản, liên hệ với phụ huynh để tìm hiểu lý do.

Sự yêu thương của giáo viên nhà trường đã giúp nhiều trò nghèo vượt qua khó khăn, yên tâm học tập

Sự yêu thương của giáo viên nhà trường đã giúp nhiều trò nghèo vượt qua khó khăn, yên tâm học tập

Nhiều phụ huynh thật thà nói rằng, họ cũng muốn xuống trường đón con nhưng nhà không có tiền để đi thuyền, đi xe ôm. Không còn cách nào khác, giáo viên phải tìm cách gửi các em cho các phụ huynh khác đón về. Tuy nhiên, một phụ huynh khi xuống trường thường được nhiều nhà khác gửi gắm nên không ít lần giáo viên đành phải dùng xe máy để chở các em về bản.

Cảm thông và chia sẻ

Bước vào năm học 2024-2025, Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh đón nhận niềm vui rất lớn khi được một mạnh thường quân ở tỉnh Hải Dương tài trợ cho nhà trường làm sân xi măng rộng trên 1.000m2.. Do thời gian quá gấp rút nên trước lễ khai giảng ít ngày, nhà trường phải huy động toàn thể giáo viên và nhiều phụ huynh cùng tham gia.

"Đêm 4/9, chúng tôi làm việc đến 12h đêm, ai cũng mệt nhưng vui vì ước mơ có một sân trường bằng xi măng để các em học sinh được thỏa thích vui đùa đã trở thành hiện thực. Trước đây, do sân đất nên mỗi khi nắng bụi bay mù mịt, mưa thì lầy lội, cả thầy và trò đều rất khổ sở", thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh, chia sẻ.

Thầy cô giáo cùng phụ huynh học sinh sửa lại sân trường trước thềm năm học mới. Dù còn bộn bề khó khăn nhưng sự đồng lòng giữa nhà trường, phụ huynh sẽ chắp cánh cho những ước mơ của các em học sinh nơi đây được bay cao

Thầy cô giáo cùng phụ huynh học sinh sửa lại sân trường trước thềm năm học mới. Dù còn bộn bề khó khăn nhưng sự đồng lòng giữa nhà trường, phụ huynh sẽ chắp cánh cho những ước mơ của các em học sinh nơi đây được bay cao

Là ngôi trường đặc biệt khó khăn với phần lớn học sinh là người dân tộc Khơ Mú và Thái. Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh mới thành lập từ 2023 trên cơ sở điểm trường tại bản Minh Thành, xã Lượng Minh nên cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn. Các phòng học hiện nay được cải tạo từ ngôi nhà gỗ vốn là nhà ở của giáo viên trước đây.

Dù còn bộn bề khó khăn nhưng giáo viên và nhà trường vẫn quyết tâm "vượt khó". Trong những năm qua, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên kêu gọi và tranh thủ sự ủng hộ của các mạnh thường quân để xây dựng cơ sở vật chất. Ngoài sân trường đã được bê tông hóa, năm học mới này nhà trường cũng đã làm được 2 phòng học mới, dù chỉ là nhà bằng mái tôn khung sắt nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn của tập thể nhà trường và chính quyền địa phương.

Nhờ tài "ngoại giao" của thầy hiệu trưởng, bước vào năm học 2024-2025, nhà trường đã có sân bê tông sạch sẽ

Nhờ tài "ngoại giao" của thầy hiệu trưởng, bước vào năm học 2024-2025, nhà trường đã có sân bê tông sạch sẽ

"Tôi chỉ có ước vọng làm sao trẻ em ở vùng khó khăn này đều được đến trường đi học. Không chỉ mang kiến thức đến cho các em, chúng tôi sẽ hết lòng chăm lo cho các em đến từng bữa ăn, giấc ngủ. Do hầu hết là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi vô cùng cảm thông và sẻ chia với gia đình và các em. Mong rằng, sự cố gắng của lãnh đạo và tập thể giáo viên nhà trường sẽ chắp cánh cho những ước mơ của các em học sinh nơi đây bay cao, bay xa hơn. Các em sẽ có được một tương lai tươi sáng sau này", cô Hiền tâm sự.

(Còn nữa)

Minh Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gieo-mam-tri-thuc-noi-mien-tay-xu-nghe-bai-2-thay-tro-cung-nhau-vuot-kho-20240924000410315.htm
Zalo