Ưu tiên nhập ngũ trước, đi học sau có thực sự cần thiết?
Công dân thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau có thực sự cần thiết?
Quy định nào hướng dẫn việc ưu tiên nhập ngũ và việc học?
Theo Cổng thông tin xây dựng chính sách Chính phủ, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên: “Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung trong Luật Nghĩa vụ quân sự yêu cầu công dân trong độ tuổi nhập ngũ khi thi đỗ vào các trường, được bảo lưu kết quả nhưng phải chấp hành tham gia nghĩa vụ quân sự xong sau đó về tiếp tục theo học”, Bộ Quốc phòng đã trả lời như sau:
Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016; cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự.
Sau hơn 8 năm thực hiện đã góp phần quan trọng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, đơn vị, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, đối với công dân: “Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo” thì được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Mặt khác, để bảo đảm công bằng xã hội, độ tuổi phục vụ tại ngũ của các công dân thuộc diện tạm hoãn kể trên cũng được kéo dài hơn để công dân có cơ hội được thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc; vì vậy, tại Điều 30 của Luật quy định “Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”.
Đồng thời, tại điểm b khoản 3 Điều 50 của Luật quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân: “Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó”.
Công dân đỗ các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau có thực sự cần thiết?
Như vậy, hầu hết những quy định trên của Luật đều không quy định bắt buộc vào việc công dân thi đỗ vào các trường phải ưu tiên nhập ngũ trước.
Quy định như vậy là góp phần bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự vừa đáp ứng nguyện vọng chính đáng về quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được học tập, làm việc theo quy định của pháp luật; đồng thời, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nguồn công dân nhập ngũ.
Theo kiến nghị của cử tri, yêu cầu tất cả công dân trong độ tuổi nhập ngũ khi thi đỗ vào các trường được bảo lưu kết quả nhưng phải chấp hành tham gia nghĩa vụ quân sự xong sau đó về tiếp tục theo học trong giai đoạn hiện nay cần được nghiên cứu một cách tổng thể, đầy đủ và thấu đáo.
Đất nước ta từ bao thế hệ đều xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, ưu tiên việc học tập và rèn luyện cho tất cả mọi công dân từ thành thị đến nông thôn.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định rõ:
"1. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý.
3. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề".
Bên cạnh đó, công dân Việt Nam có quyền và nghĩa vụ học tập và được khuyến khích học tập suốt đời. Hội Khuyến học Việt Nam - tổ chức xã hội của mọi công dân và tổ chức Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp "trồng người góp sức phấn đấu cho phong trào "toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục", "cả nước trở thành một xã hội học tập" nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế. Một trong những nhiệm vụ của Hội Khuyến học Việt Nam là "khuyến khích và hỗ trợ việc dạy và học trong nhà trường và phong trào học tập thường xuyên trong nhân dân, góp phần nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp của mọi người trong xã hội, góp sức phấn đấu cho sự công bằng xã hội về giáo dục, xây dựng xã hội học tập, đặc biệt chú ý những người nghèo, người khuyết tật không có điều kiện học tập, những người có năng khiếu" luôn khuyến khích, biểu dương tinh thần học tập của mọi công dân, khuyến khích học tập suốt đời.
Điều 13 Luật Giáo dục 2019 cũng quy định:
"- Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
- Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình".
Thiết nghĩ, trong điều kiện thời bình, ưu tiên việc học văn hóa, rèn luyện đạo đức, phát triển bản thân cho các thế hệ thanh niên là việc cần thiết. Việc quy định công dân trong độ tuổi nhập ngũ khi thi đỗ vào các trường phải chấp hành tham gia nghĩa vụ quân sự xong sau đó về tiếp tục theo học trong giai đoạn hiện nay cần được xem xét một cách khoa học và hợp lý hơn.
Được biết, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng thể, đánh giá đầy đủ các chính sách và tác động liên quan, báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 vào thời điểm phù hợp khi có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm khoa học, khả thi để pháp luật nghĩa vụ quân sự được thực hiện hiệu quả, thiết thực và nghiêm minh.