Viên chức tư vấn học sinh có lợi thế hơn giáo viên khi bổ nhiệm xếp lương
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 11/2024/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 11 năm 2024.
Theo đó, Thông tư số 11/2024/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập, bao gồm: trường tiểu học; trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường trung học phổ thông chuyên; trường phổ thông dân tộc nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường, lớp dành cho người khuyết tật.
Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh bao gồm:
Viên chức tư vấn học sinh hạng III - Mã số: V.07.07.24 được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
Viên chức tư vấn học sinh hạng II - Mã số: V.07.07.23. 3 được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
Viên chức tư vấn học sinh hạng 1 - Mã số: V.07.07.22 được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Như vậy, viên chức tư vấn học sinh được chia làm 3 hạng, tương tự giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng III, hạng II, hạng I.
Tuy nhiên, về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức tư vấn học sinh hạng I khác với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên trung học phổ thông hạng I.
Cụ thể, viên chức tư vấn học sinh hạng I phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc một trong những ngành: Tâm lý học, Công tác xã hội, Xã hội học, Đào tạo giáo viên theo chuyên ngành tương ứng với cấp học được tuyển dụng;
Còn tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên trung học phổ thông hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.
Như vậy, giáo viên trung học phổ thông hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên, còn viên chức tư vấn học sinh hạng I chỉ cần có bằng tốt nghiệp đại học trở lên – là một lợi thế khi bổ nhiệm xếp lương.
Việc chuyển xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp và trường hợp khi tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh viên chức tư vấn học sinh đang là công chức, viên chức chuyên ngành khác thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyên loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.
Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.