Gieo hy vọng trên vùng đất khó

Ở vùng đất còn nhiều gian khó như huyện Đam Rông, không ít người chọn rời đi tìm cuộc sống dễ dàng hơn. Nhưng cũng có những người chọn ở lại, gắn bó và góp sức cho sự đổi thay nơi đây. Một trong số đó là ông Nguyễn Văn Cảnh ở xã Đạ K'nàng - người bền bỉ dành trọn tâm huyết để tiếp sức cho những ước mơ thoát nghèo nơi vùng sâu, vùng xa còn nhiều gian khó.

Ông Nguyễn Văn Cảnh tại khu đất gia đình hiến tặng để xây dựng trường học

Ông Nguyễn Văn Cảnh tại khu đất gia đình hiến tặng để xây dựng trường học

HÀNH TRÌNH NGƯỢC VỀ THỜI GIAN KHÓ

Được Bí thư Huyện uủy Đam Rông Nguyễn Văn Châu giới thiệu về ông Nguyễn Văn Cảnh ở xã Đạ K’nàng quyết định hiến tặng 1 ha đất cho địa phương sử dụng vào mục đích xây dựng trường học, qua nhiều lần trao đổi bằng điện thoại, kể cả nhờ chính quyền đến gặp gỡ riêng; mãi đến cuối tháng 4, ông Cảnh mới đồng ý hẹn gặp.

Hơn 27 năm về trước, chàng trai Nguyễn Văn Cảnh rời vùng quê thành phố hoa phượng đỏ (Hải Phòng) vào TP Đà Lạt tìm kế sinh nhai. Ông làm đủ nghề, miễn sao nuôi sống bản thân và vợ đang là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Những năm tháng ấy, dù vất vả nhưng cũng là quãng thời gian tôi luyện cho ông sự bền bỉ và tinh thần không lùi bước. Rồi một ngày, khi vợ ông là cô Lê Thị Hương, một giáo viên tiểu học mới ra trường được phân công công tác về xã Đạ K’nàng (huyện Lâm Hà cũ), hai vợ chồng đứng trước sự lựa chọn khó khăn: vợ tự đi một mình hay cả hai cùng về vùng sâu lập nghiệp. Không chần chừ lâu, ông Cảnh quyết định từ bỏ công việc ở chốn phồn hoa, theo vợ về vùng sâu, nơi còn nhiều thiếu thốn trăm bề, chỉ với một niềm tin đơn giản: “Đi cùng nhau, dù ở đâu cũng xây được tổ ấm”. Quyết định ấy đã mở ra một hành trình đầy ý nghĩa không chỉ cho bản thân ông, mà còn cho cả cộng đồng xã Đạ K’nàng.

Ông Cảnh bày tỏ, những năm đầu ở xã Đạ K’nàng là chuỗi ngày gian nan bởi mọi thứ đều thiếu thốn: đường sá khó khăn, không có điện lưới và trường học có 3 gian phòng lập bằng gỗ, dân cư thưa thớt, đất sản xuất manh mún nhưng ông đã không nản lòng. Ông mở quán kinh doanh rồi làm việc ở Công an xã, 7 năm sau thì nghỉ. Sau đó, tận dụng kinh nghiệm từ những năm làm nghề xây dựng, buôn bán vật liệu trước đó, ông bắt đầu khởi sự với một tổ đội thi công nhỏ, rồi dần đến năm 2009 thành lập Công ty TNHH Xây dựng Đông Hải. Đến nay, công ty của ông đã thi công hàng trăm công trình phục vụ dân sinh tại địa phương. Ngoài ra, ông còn tự bỏ vốn đầu tư làm 3 tuyến đường nông thôn và đường nghĩa địa cho bà con trong xã. “Mỗi công trình tôi nhận là một lần tôi trăn trở. Làm sao để người dân được hưởng lợi thực sự từ công trình mình xây nên. Vì vậy, tôi yêu cầu đội ngũ kỹ thuật và thi công không chỉ làm đúng tiến độ mà còn phải đảm bảo chất lượng. Với tôi, làm xây dựng cũng là một cách để góp sức phát triển nông thôn mới bền vững”, ông Nguyễn Văn Cảnh nói.

“NGƯỜI THẮP LỬA” GIỮA ĐẠI NGÀN

Không dừng lại ở lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Văn Cảnh còn mạnh dạn tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp khi thấy bà con địa phương quanh năm trồng trọt manh mún, chỉ độc canh cây cà phê, thiếu kiến thức khoa học, kỹ thuật và đầu ra bấp bênh. Ông Cảnh chia sẻ: “Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi và nếu muốn giúp được bà con có công ăn việc làm ổn định, buộc mình phải chuyển đổi sang một lĩnh vực khác gần gũi hơn với bà con, nên năm 2017, tôi quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đạ K’nàng - chuyên trồng rau, hoa, củ, quả các loại với quy mô 70 ha, có 65% là người đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp canh tác trên ruộng vườn. Từ khi thành lập HTX, tôi không những giải quyết công ăn việc làm cho bà con, mà còn xây dựng 8 căn nhà tình nghĩa cho các hoàn cảnh khó khăn”.

Là Giám đốc HTX, dưới sự điều hành của ông Cảnh, HTX Nông nghiệp Đạ K’nàng từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân, đưa giống cây trồng mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến vào ruộng vườn, đồng thời hỗ trợ liên kết thị trường đầu ra sản phẩm ổn định hơn. Không chỉ là người tổ chức sản xuất, ông Cảnh còn là cầu nối giữa chính quyền và người dân trong việc tiếp cận chính sách, hướng dẫn thủ tục vay vốn ưu đãi, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị.

Qua trao đổi với chính quyền địa phương, rồi gặp gỡ già làng, trưởng thôn..., chúng tôi nhận thấy: Nếu chỉ dừng lại ở vai trò một doanh nhân, một người làm kinh tế giỏi thì có lẽ ông Cảnh cũng không mấy khác biệt so với nhiều người khác. Nhưng điều khiến ông trở nên đặc biệt là ở tinh thần cống hiến âm thầm - điều mà ông gọi là “trách nhiệm của người được nhiều hơn người khác”. Khi mùa mưa, sân trường bị ngập, hay các tuyến đường trong xã xuống cấp, lầy lội, ông không đợi đến nguồn vốn Nhà nước hay sự vận động của chính quyền mà tự bỏ tiền, huy động máy móc, công nhân và vật tư của công ty để thay cống thoát nước, tu sửa, chắp vá đường bằng nhựa nóng, giúp người dân đi lại an toàn, trẻ em không phải dầm mình trong bùn đất mỗi khi đến trường. Với những hộ nghèo, gia đình chính sách trong xã, ông âm thầm tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vật liệu, nhân công. “Trước đây, tôi được bà con đùm bọc, cưu mang, giờ là lúc giúp được ai thì giúp. Mình còn làm ăn được thì chia sẻ một chút, bà con có cái nhà để ở, cái đường để đi và mong muốn cuộc sống của bà con được nâng lên từng ngày”, ông Cảnh nói giản dị.

Mới đây, gia đình ông Cảnh khiến cán bộ huyện Đam Rông, đặc biệt là người dân xã Đạ K’nàng vô cùng cảm phục khi tự nguyện hiến tặng 1 ha đất đắc địa nằm cạnh đường nhựa với chiều dài mặt tiền 125 m, bề sâu 80 m, có giá trị thực trên 21 tỷ đồng, để xây dựng một ngôi trường học mới cho con em trong xã. Mảnh đất này trước đây vốn được gia đình ông Cảnh mua với các hộ dân để tập kết vật liệu, thi công các hạng mục công trình xây dựng. “Vợ tôi hiện là Hiệu phó Trường Tiểu học Đạ K’nàng, vào mùa mưa trường thường xuyên bị ngập lụt gây không ít khó khăn cho thầy cô và các em học sinh, trong khi đó chính quyền đang khó khăn về quỹ đất xây trường, nên vợ chồng tôi chủ động đề xuất hiến tặng. Mong muốn có ngôi trường tốt để thế hệ con cháu được học hành đầy đủ. Có học mới mong đổi đời, thoát nghèo bền vững”, ông Cảnh vui vẻ nói.

Hơn 25 năm sống và làm việc tại xã Đạ K’nàng nói riêng và huyện Đam Rông nói chung, ông Cảnh có khá nhiều kỷ niệm về vùng đất này, nhất là câu chuyện năm đầu tiên về đây, vợ chồng ông mua tượng Bác Hồ làm quà tặng cho học sinh và nhà trường, mặc dù đường xấu, trơn trượt, vợ chồng ông thay phiên nhau vác, ôm tượng Bác suốt đoạn đường đất dài 7 km từ ngã 3 Huế đến trường học và bức tượng Bác Hồ ấy vẫn còn đến ngày hôm nay… Ông Nguyễn Văn Cảnh đã trở thành cái tên quen thuộc, thân mật được bà con quý trọng. Những gì ông mang lại không chỉ là con đường, ngôi nhà hay ngôi trường, mà còn là một tinh thần dấn thân, một niềm tin rằng, dù ở đâu, người ta vẫn có thể sống tử tế, làm điều tốt đẹp và góp phần đổi thay cuộc sống cộng đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đạ K’nàng, huyện Đam Rông, nhận xét: “Việc làm của ông Cảnh thực sự là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm và lòng nhân ái đối với cộng đồng. Việc tự nguyện hiến 1 ha đất để xây dựng trường học không chỉ góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển giáo dục tại địa phương, mà còn lan tỏa tinh thần sống vì cộng đồng, vì thế hệ tương lai”.

NDONG BRỪM

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202505/gieo-hy-vong-tren-vung-dat-kho-cea1e63/
Zalo