Diễn đàn CEO 2025: Định vị thị trường mục tiêu, tận dụng các ưu đãi
Sáng nay 21-5, Báo SGGP phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề 'Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại'.
Doanh nghiệp nội địa cần nâng sức chống chịu trước thuế đối ứng
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng HIDS, cho biết: "Trật tự thế giới đã hình thành nên chuỗi cung ứng toàn cầu chặt chẽ. Trong đó, Trung Quốc nổi lên như một đối trọng với Hoa Kỳ. Trung Quốc có xu hướng phát triển vượt Hoa Kỳ dựa trên nền tảng sản xuất quy mô và cạnh tranh. Hoa Kỳ sụt giảm mạnh về sản xuất công nghiệp (dịch vụ 78%; công nghiệp 12% GDP), nhập siêu lớn, một xã hội tiêu dùng".

Ông Phạm Bình An, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Từ năm 2018, Hoa Kỳ phát động cuộc chiến thương mại, thực chất là cạnh tranh chiến lược để đảm bảo vị thế độc tôn. Điển hình là chính sách Trump 2.0 gồm: thuế đối ứng, cấm tiếp cận công nghệ, chuyển sản xuất về Hoa Kỳ… dẫn đến kết quả là cấu trúc thị trường toàn cầu đang bị phân mảnh, thay thế cho trật tự toàn cầu hóa gắn kết chặt chẽ như trước đây.
Về sự phân mảnh của chuỗi cung ứng toàn cầu, Chiến lược "friendshoring" và "nearshoring" của Mỹ, EU đã thúc đẩy dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, mở ra cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc trở thành điểm trung chuyển khiến Việt Nam cũng bị gắn nhãn lẩn tránh thuế trong một số vụ kiện phòng vệ thương mại gần đây.

Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn và Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Trường tại Diễn đàn CEO 2025. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các quốc gia (Hoa Kỳ, Trung Quốc) cũng gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại và thuế đối ứng. Các nước lớn sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gồm biện pháp truyền thống (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, tự vệ thương mại), cũng như các biện pháp bổ sung (kiểm soát đầu tư, cấm vận công nghệ, kiểm tra chặt chẽ kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu).
Tiếp theo là các rào cản phi thuế quan mới: thị trường thiết lập rào cản phi thuế mới như xanh hóa, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn lao động EU triển khai CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) gây ảnh hưởng đến các ngành thép, xi măng, phân bón, nhôm. Hoa Kỳ thi hành Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức Tân Cương (UFLPA) khiến hàng dệt may, da giày Việt Nam gặp rủi ro truy xuất chuỗi cung ứng.

Các chuyên gia, doanh nhân, nhà quản lý tham gia Diễn đàn CEO 2025 do Báo SGGP tổ chức, sáng 21-5. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đối với Việt Nam, trong quý I, bức tranh kinh tế có vẻ khả quan. Tốc độ tăng GDP quý I đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý I giai đoạn 2020-2025. Tuy vậy, sản xuất và xuất khẩu đang tiềm ẩn rủi ro, khi Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ, nhưng nhập siêu từ Trung Quốc.
Thêm nữa, sự chênh lệch lớn giữa khu vực doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và doanh nghiệp nội địa trong suốt những năm gần đây. FDI tới từ Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm tỷ trọng xuất khẩu hơn 40%, cả thị trường Đông Bắc Á là hơn 57%.
Sự phụ thuộc FDI khiến xuất khẩu thiếu tự chủ, doanh nghiệp nội địa cần được nâng sức chống chịu trước thuế đối ứng. Việt Nam đang đối mặt với áp lực không chỉ về thuế đối ứng mà còn có các yếu tố địa chính trị, trong bối cảnh thương mại lệch pha, nghi ngờ trung chuyển và cạnh tranh từ các quốc gia khác; thâm hụt thương mại lớn với Hoa Kỳ dễ gây áp lực chính trị - thương mại; biến động tỷ giá, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ ảnh hưởng niềm tin thị trường.
Từ những phân tích trên dễ thấy, Phó Viện trưởng HIDS cho rằng doanh nghiệp nội địa cần có sức chống chịu tài chính yếu, cần chính sách hỗ trợ kịp thời để duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội Trước thực trạng trên, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tuân thủ và truy xuất nguồn gốc.
Doanh nghiệp cần phân loại thị trường xuất khẩu quan trọng như: thị trường bảo hộ cao (Mỹ, EU); thị trường tiềm năng (Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi); thị trường ngách (phân khúc chọn lọc, có điều kiện, dung lượng không lớn nhưng giá trị gia tăng tốt). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần định vị lại thị trường mục tiêu.

Ông Phạm Bình An chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG