Cuộc chạy đua của châu Á, trước cơn sốt tổ chức hòa nhạc thế giới

Singapore, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ... và nhiều nước châu Á đang hiện thực hóa tham vọng thu lợi nhuận khổng lồ, đồng thời phát triển sức mạnh văn hóa mềm bằng cách thu hút ngôi sao quốc tế tổ chức concert (hòa nhạc).

Singapore thắng lớn

Lady Gaga vừa hoàn thành 2 đêm diễn vào ngày 18,19/5 tại Sân vận động Quốc gia Singapore. Mỗi đêm diễn thu hút khoảng 47.000 người tham dự. Dự kiến, nữ ca sĩ sẽ tiếp tục có 2 đêm diễn vào ngày 21 và 24/5 tại Quốc đảo Sư tử.

Lady Gaga giao lưu với khán giả ở Singapore.

Lady Gaga giao lưu với khán giả ở Singapore.

Trước Lady Gaga, nhiều ngôi sao quốc tế như: Taylor Swift, Coldplay, Ed Sheeran, BlackPink, Bruno Mars... cũng chọn Singapore là địa điểm dừng chân của các concert (hòa nhạc), thu hút hàng triệu khán giả trong khu vực.

Tờ Thailand Business thừa nhận, nếu gọi tên một địa điểm không lo về sự cạnh tranh, đó là Singapore. Đất nước này vốn nổi danh là một nhà đàm phán khôn ngoan, giúp họ thường xuyên có thể tổ chức độc quyền các buổi hòa nhạc.

Tháng 2/2024, Srettha Thavisin - cựu Thủ tướng Thái Lan tiết lộ rằng Singapore đã trả AEG gần 3 triệu USD (hơn 77 tỷ đồng) để đảm bảo sự xuất hiện của "The Eras Tour" tại đất nước này, thu hút hơn 50.000 khán giả mỗi đêm, ước tính, nền kinh tế Singapore đã hưởng doanh thu từ du lịch là 222-296 triệu USD (hơn 5.761-7.682 tỷ đồng).

Thái Lan cũng hưởng lợi hàng chục triệu USD nhờ tổ chức hàng chục buổi hòa nhạc của ngôi sao Kpop mỗi năm. Trước đại dịch, số lượng này lên tới 100 sự kiện mỗi năm.

Indonesia đã thành lập một quỹ du lịch trị giá khoảng 86 triệu USD (hơn 2.232 tỷ đồng) để thu hút các nghệ sĩ quốc tế đến đất nước này.

Khán giả Singapore "đội mưa" để xem concert của Lady Gaga.

Khán giả Singapore "đội mưa" để xem concert của Lady Gaga.

Thị trường hòa nhạc ở Ấn Độ cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ. Đầu năm nay, nhóm nhạc Coldplay đã lập kỷ lục với 2 buổi hòa nhạc tại sân vận động lớn nhất thế kỷ 21, thu hút 111.000 người hâm mộ mỗi đêm tại Sân vận động Narendra Modi ở Ahmedabad, Gujarat. Tháng 2/205, Ed Sheeran cũng lựa chọn Ấn Độ là nơi dừng chân lâu nhất của mình.

Chiến lược đầu tư cho văn hóa

Đứng trước cơn sốt và bước đà tăng trưởng kinh tế từ tổ chức hòa nhạc, Ấn Độ, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan... cho thấy tham vọng quyết liệt.

Trên China Daily, bà Rosanna Law Shuk-pui - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồng Kông (Trung Quốc) khẳng định, họ đặt cược vào các sự kiện tầm cỡ. Thành phố cũng hướng đến là điểm đến hàng đầu châu Á cho các buổi hòa nhạc, giải đấu thể thao và sự kiện văn hóa đẳng cấp thế giới.

Từ khi nhậm chức vào tháng 12/2024, bà Rosanna Law Shuk-pui đã thực hiện kế hoạch nhằm tận dụng các sự kiện quan trọng mang lại lợi ích kinh tế tức thời và tăng trưởng du lịch bền vững.

Hồng Kông (Trung Quốc) mới đây khai trương Công viên thể thao Kai Tak trị giá 31,9 tỷ HKD (hơn 105.761 tỷ đồng). Công viên này hoàn thiện với sân vận động 50.000 chỗ ngồi, trung tâm thể thao trong nhà sức chứa 10.000 chỗ và sân thể thao công cộng 5.000 chỗ.

Nơi đây đã thành công tổ chức 4 đêm diễn cháy vé của ban nhạc Coldplay, giải đấu bóng bầu dục Hong Kong Sevens... Sắp tới, "ông vua nhạc pop tiếng Quan Thoại" Châu Kiệt Luân sẽ tổ chức hòa nhạc dài 3 đêm tại đây vào tháng 6 tới.

Với tiềm lực của Kai Tak, Hồng Kông (Trung Quốc) được kỳ vọng có thể chiếm 30-40% thị trường du lịch hòa nhạc trị giá 3 tỷ USD (hơn 77.869 tỷ đồng).

Với diện tích khoảng 28ha, Công viên thể thao Kai Tak là địa điểm thể thao lớn nhất ở Hồng Kông (Trung Quốc).

Với diện tích khoảng 28ha, Công viên thể thao Kai Tak là địa điểm thể thao lớn nhất ở Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo IQ Magazine, Ấn Độ cũng đã, đang gấp rút đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch. Đơn cử, trước buổi hòa nhạc của Ed Sheeran thu hút khoảng 26.000 khán giả vào tháng 2 vừa qua, chính quyền tiểu bang Shillong đã mở rộng đường băng sân bay địa phương để tiếp nhận các máy bay lớn hơn từ các thành phố lớn như Delhi, Mumbai và Bengaluru.

Họ cũng đầu tư vào việc phát triển các khách sạn và không gian sự kiện mới. Thậm chí, thông qua Dự án Âm nhạc Cộng đồng Meghalaya (MGMP), địa phương còn sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tổ chức hòa nhạc.

Tương tự, Thái Lan cũng không chấp nhận bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua này. Từ tháng 2/2024, cựu Thủ tướng Srettha Thavisin đã thảo luận với công ty đặt vé AEG về các biện pháp tiềm năng nhằm khuyến khích các nghệ sĩ quốc tế mới đến biểu diễn tại xứ chùa Vàng. Trong đó, có bao gồm trợ cấp và giảm thuế.

Để thu hút thêm nhiều "buổi hòa nhạc lớn", nước này cũng đang thảo luận về việc điều chỉnh chính sách thị thực, cho phép bán rượu tại các buổi hòa nhạc, đấu giá giành quyền tổ chức sự kiện...

Theo Thailand Business, thị trường hòa nhạc ở Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng, đạt lợi nhuận 176 triệu USD (hơn 4.568 tỷ đồng) vào năm 2025.

"Thái Lan đặt mục tiêu định vị là một nhân tố chủ chốt trong ngành công nghiệp âm nhạc Đông Nam Á. Nếu thành công trong việc khai thác sức mạnh mềm văn hóa, nước này sẽ có thể nâng cao vị thế của mình trên trường thế giới một cách bền vững và trở thành địa điểm chính cho các chuyến lưu diễn trong tương lai", Thailand Business nhận định.

Bạch Dương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/cuoc-chay-dua-cua-chau-a-truoc-con-sot-to-chuc-hoa-nhac-the-gioi-192250520170452404.htm
Zalo