Giáo viên không được 'mắng' học sinh tiểu học theo quy định kỷ luật mới
So với quy định hiện hành, dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh tăng các hình thức khen thưởng và giảm nhẹ hình thức kỷ luật.

Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường và trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh (ảnh minh họa)
Thông tư gần nhất quy định riêng về khen thưởng, kỷ luật học sinh là Thông tư 08, được ban hành từ năm 1988, tức cách đây 37 năm.
Theo quy định này, tùy theo mức độ vi phạm mà học sinh bị kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật của nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm.
Năm 2020, khi Thông tư 28 về Điều lệ trường tiểu học và Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học ra đời, Thông tư 08 không bị thay thế hoàn toàn. Các trường phải áp dụng linh hoạt đồng thời cả 3 Thông tư này.
Cụ thể, trường tiểu học không còn hình thức kỷ luật học sinh là đuổi học có thời hạn (tạm dừng học có thời hạn).
Cũng ở bậc tiểu học, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường và trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Ở bậc THCS và THPT, Thông tư 32 cho phép tạm dừng học học sinh nhưng không nêu rõ về thời hạn tối thiểu và tối đa. Do đó, cách thức áp dụng hình thức kỷ luật này ở các trường khác nhau.
Thời gian tạm dừng học thông dụng nhất vào khoảng 1-5 ngày. Rất hiếm trường thực hiện tạm dừng học 1 năm với học sinh vi phạm.
Ngoài ra, dù Thông tư 32 không cấm khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước toàn trường như quy định trong Thông tư 08 nhưng các trường cũng bỏ hình thức này.
Thay vào đó, các biện pháp tích cực hơn đã được định hướng được áp dụng gồm: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp hoặc khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 08 sẽ làm rõ các nội dung này, quy định cụ thể những hình thức kỷ luật mà nhà trường được làm và không được làm.
Theo đó, hình thức đuổi học hay tạm dừng học có thời hạn bị bãi bỏ. Hình thức khiển trách, cảnh cáo trước lớp, trước toàn trường cũng không được áp dụng.
Với học sinh tiểu học, chỉ có 2 hình thức kỷ luật là nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi.
Giáo viên không được phê bình học sinh, tức không được dùng lời nói có tính nhấn mạnh và thái độ nghiêm khắc với học sinh - theo định nghĩa trong dự thảo thông tư.
Đồng thời, nhà trường không được lưu vào hồ sơ và học bạ của học sinh tiểu học thông tin kỷ luật học sinh.
Với học sinh THCS và THPT, có 3 biện pháp kỷ luật được áp dụng là: nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết kiểm điểm.
Ngoài ra, nhà trường, giáo viên cần thực hiện một số hoạt động hỗ trợ học sinh để khắc phục hành vi vi phạm gồm: Khuyên bảo, động viên để học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh vi phạm trong quá trình khắc phục; yêu cầu học sinh thực hiện một số hoạt động phù hợp để khắc phục; phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng khác để tư vấn, hỗ trợ học sinh khắc phục hành vi vi phạm.
Dự thảo thể hiện quan điểm đặt vai trò trách nhiệm của nhà trường lên trên hết trong việc giúp học sinh sửa lỗi. Nhà trường phải thực hiện các biện pháp từ nhắc nhở, phê bình đến khuyên bảo, động viên, theo dõi, tư vấn…
Biện pháp phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng khác để tư vấn, hỗ trợ học sinh khắc phục hành vi vi phạm được đặt ra sau cùng.