Hiệu quả từ việc phát huy tính tích cực, tự giác học tập của học sinh

Để nâng cao hiệu quả học tập, thầy Nguyễn Hữu Trí, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thạnh (xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) đã tích cực nghiên cứu nhiều giải pháp để khơi dậy tinh thần học tập tích cực, chủ động và tự giác cho học sinh. Những giải pháp sau khi áp dụng đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong dạy và học.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Nguyễn Đức Tân tặng Biểu trưng tuyên dương gương sáng trong đổi mới sáng tạo năm 2025 cho thầy Trí.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Nguyễn Đức Tân tặng Biểu trưng tuyên dương gương sáng trong đổi mới sáng tạo năm 2025 cho thầy Trí.

Là giáo viên nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên vùng đất cù lao, thầy Trí luôn tâm niệm, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, điều quan trọng không kém là làm sao để khơi dậy trong các em tinh thần học tập tích cực, chủ động và tự giác. Bởi đó chính là nền tảng hình thành nên những con người độc lập, sáng tạo và có khả năng học tập suốt đời.

Cũng theo thầy Trí, trong thời đại công nghệ và tri thức bùng nổ, giáo dục không chỉ dừng lại ở “học gì” mà quan trọng hơn là “học như thế nào?”. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, có không ít học sinh học tập một cách đối phó, lệ thuộc vào thầy cô và phụ huynh.

Đặc biệt là ở vùng nông thôn, ý thức tự học, chủ động khám phá tri thức của học sinh còn khá hạn chế. Do vậy, việc phát huy tính tích cực và tự giác học tập cho các em là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Để thực hiện được điều đó, thầy Trí đã đề ra và thực hiện một số giải pháp thiết thực. Theo thầy Trí, hứng thú chính là “chìa khóa” dẫn dắt học sinh vào bài học một các tự nhiên. Chính vì vậy, thầy luôn tạo hứng thú học tập cho học sinh bằng cách, trước mỗi tiết học thầy thường khởi động bằng một trò chơi, một bài hát hay một câu gợi mở gần gũi với đời sống. Điều này nhằm khơi dậy sự tò mò, hứng khởi và tinh thần sẵn sàng tiếp nhận kiến thức của các em.

Giải pháp tiếp theo là gắn kết nội dung học với trải nghiệm thực tế. Thầy Trí thường xuyên lồng ghép những tình huống gần gũi với cuộc sống, sử dụng hình ảnh, ví dụ minh họa sinh động để học sinh dễ hình dung và liên hệ thực tế. Điều này giúp các em thấy được ý nghĩa và ứng dụng của kiến thức, từ đó chủ động tìm hiểu sâu hơn.

Tùy theo nội dung bài học, thầy Trí áp dụng linh hoạt các hình thức như: Dạy học cá nhân để phát triển năng lực riêng và rèn luyện thói quen tự học; dạy học theo nhóm để học sinh biết hợp tác, chia sẻ và trách nhiệm; dạy học ngoài trời, tham quan thực tế để tạo trải nghiệm cho học sinh; tổ chức trò chơi học tập để kết hợp giữa học và chơi, tăng khả năng ghi nhớ của các em.

Thay vì đánh giá qua điểm số, thầy Trí tạo cơ hội cho học sinh tự đánh giá, đánh giá chéo. Đồng thời, phản hồi tích cực để giúp các em thấy được sự tiến bộ của bản thân và chủ động điều chỉnh quá trình học tập. Việc này hình thành ý thức tự giác và khuyến khích tinh thần phấn đấu trong mỗi học sinh.

Trong quá trình giảng dạy, thầy Trí thường sử dụng các công cụ của công nghệ thông tin để tạo các bài học tương tác, bài tập trắc nghiệm hoặc sản phẩm sáng tạo do chính học sinh thiết kế. Việc sử dụng công nghệ không chỉ tạo hứng thú mà còn giúp các em chủ động khám phá, thể hiện năng lực của bản thân.

Ngoài ra, thầy Trí còn xây dựng “Góc học tập sáng tạo” trong lớp; khuyến khích học sinh làm nhật ký học tập hoặc “Sổ tay kiến thức”. Thầy còn thường xuyên giao nhiệm vụ mở rộng cho các em như sưu tầm, tìm hiểu thêm ngoài sách giáo khoa, đặt câu hỏi cho bài sau… Nhờ vậy, học sinh từng bước hình thành thói quen học tập chủ động, tích cực.

Thầy Trí còn thường xuyên liên lạc với phụ huynh học sinh, chia sẻ về phương pháp học, nhờ phụ huynh cùng giám sát, động viên con em học tập. Đồng thời, tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, mời các bậc phụ huynh tham dự, nhằm lan tỏa nhận thức về giáo dục tinh thần tự học cho các em học sinh.

Qua kiên trì thực hiện các giải pháp nêu trên, các em học sinh đã năng động, tự tin hơn, học tập có trách nhiệm và yêu thích khám phá tri thức. Những giải pháp sau khi áp dụng tại Trường Tiểu học Tân Thạnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Học sinh thích thú hơn, nhiều em rụt rè, đã mạnh dạn phát biểu. Tinh thần thi đua học tập sôi nổi, ý thức tự học, tự rèn luyện của các em được cải thiện rõ rệt.

Cùng với đó, phong cách giảng dạy của giáo viên cũng trở nên linh hoạt và sáng tạo hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo được niềm tin của các bậc phụ huynh và thầy cô giáo.

HỮU DƯ - ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202505/hieu-qua-tu-viec-phat-huy-tinh-tich-cuc-tu-giac-hoc-tap-cua-hoc-sinh-1042175/
Zalo