Giáo viên giữ vai trò chủ đạo trong thời đại số

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội), việc được lựa chọn nhiều bộ sách giúp giáo viên và học sinh thêm nhiều nguồn học liệu. Tuy nhiên, với sự đa dạng nguồn học liệu số, thì vai trò định hướng, dẫn dắt của giáo viên rất quan trọng.

Cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Thưa bà, sau 5 năm triển khai sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bà nhận thấy có những điểm khác biệt gì so với chương trình cũ? Trường Nguyễn Siêu hiện đang sử dụng bộ sách nào, thưa bà?

Trước những đổi mới luôn là những thách thức từ dư luận xã hội, cha mẹ học sinh. Nếu như cha mẹ có một vài con đi học, thì với những người làm giáo dục, họ luôn có nhiều con và luôn trăn trở làm sao để giáo dục phát triển? Thay đổi Chương trình và sách giáo khoa là tất yếu. Công cuộc cải tổ này khác với những lần trước và là sự thay đổi kép.

Nếu như Chương trình năm 2006 là tiếp cận kiến thức, thì ở Chương trình lần này là thay đổi cả kết cấu chương trình, các bước xây dựng chương trình mới có sách giáo khoa.

Nếu như trước đây người xây dựng chương trình và người viết sách là 1, thì với chương trình mới, không hoàn toàn như vậy, mà có nhiều người tham gia xây dựng sách giáo khoa. Điều này đã mở ra cơ hội mới cho các nhà trường, đó là được tiếp cận nhiều nguồn học liệu hơn.

Trường Nguyễn Siêu không chỉ sử dụng sách giáo khoa của một nhà xuất bản. Chúng tôi cũng trao quyền cho các tổ, nhóm chuyên môn, để lựa chọn sách giáo khoa phù hợp. Đó là những người đánh giá sát nhất năng lực của người học.

Đến thời điểm này, đa số sách giáo khoa của Trường đều sử dụng bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành; bởi bộ sách được làm ra những nhà giáo dục, sư phạm đầu ngành.

Nhiều bộ sách là cơ hội để giáo viên tiếp cận các nguồn tài liệu. Từ đó hình thành thêm tư duy, phản biện và tìm thấy chân lý trong giảng dạy.

Trước đây, việc dạy học còn trong không khí căng thẳng, e dè, nhưng nay giữa thầy và trò đã cởi mở hơn, có phản biện nhiều hơn. Học trò được sáng tạo, đưa ra ý kiến và thông qua đó tăng cường kỹ năng, năng lực của mình.

Khi triển khai sách giáo khoa theo Chương trình mới, nhà trường đối mặt với những thách thức gì và đã vượt qua như thế nào, thưa bà?

Việc triển khai sách giáo khoa theo Chương trình mới không phải là điều mới với Trường Nguyễn Siêu. Bởi trước đó, chúng tôi đã được tiếp cận với mô hình Trường học mới (VNEN) do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, đó là mô hình trường học theo hướng phát triển năng lực học sinh. Chúng tôi cũng thực nghiệm một số sách giáo khoa ban đầu và cũng được nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Chương trình mới, sách giáo khoa mới đã mang lại những luồng gió mới và nhiều lợi ích cho học sinh Nguyễn Siêu.

Nếu như trước đây chúng tôi dạy song song hai chương trình, thì nay, với sách giáo khoa của Chương trình mới đã dạy tích hợp được. Chẳng hạn như sách giáo khoa của môn Vật lý đã trùng khớp tới 90% về kiến thức.

Chỉ có những thách thức là trong thời đại công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, thì nguồn học liệu số ngày càng phong phú. Điều này cũng mở ra chân trời kiến thức mới, cách tiếp cận giáo dục khác nhau. Dù vậy, vai trò của người thầy trong việc chỉ đường, tìm kiếm và khai thác thông tin vẫn là chủ đạo.

Bà đánh giá như thế nào vai trò của các nguồn học liệu số trong việc hỗ trợ học sinh phát triển năng lực?

Việc được tiếp cận các nguồn học liệu khác nhau là xu hướng của thế giới. Chưa kể trong bối cảnh nhập sách giáo khoa không phải là dễ dàng, đôi khi để có sách giáo khoa phải mất 2, 3 tháng. Vì vậy, cần có một bản sách điện tử song hành. Đây là công cụ hữu hiệu và tăng nguồn học liệu. Điều này cũng giúp các thầy cô tìm ra được bộ bộ sách phù hợp.

Hiện tại, đối tượng học sinh của Trường Nguyễn Siêu là đáp ứng đa mục tiêu. Tuy nhiên, trước những nguồn học liệu khác nhau, rất cần vai trò chỉ đường của người thầy, sự tích cực tiếp thu của trò và định hướng từ phía gia đình. Do đó, việc có thêm những bản sách điện tử là điều các nhà xuất bản cần làm và coi đó là nguồn học liệu “trợ lực” với bản sách giấy.

Đó cũng là cơ sở khi phải đối diện với thực tế là có thể dạy online hoặc vừa dạy kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Chẳng hạn với Trường Nguyễn Siêu, bên cạnh nguồn học liệu chính thức, chúng tôi cũng đặt mua chung thêm thư viện số hoặc những nguồn học liệu khác... Song song với đó là xây dựng các nền tảng học tập Elearning, tham gia sử dụng trên các ứng dụng học tập như LMS, tạo thêm nguồn học liệu trong và ngoài nước, mang lại giá trị cho các em.

Trân trọng cảm ơn bà!

Lê Vân (thực hiện)/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/giao-vien-giu-vai-tro-chu-dao-trong-thoi-dai-so-20241226123501776.htm
Zalo