Giáo viên băn khoăn một số nội dung trong đề tham khảo môn Ngữ văn
Giáo viên nêu ý kiến, một số nội dung trong đề tham khảo môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cần được làm rõ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 18 đề thi tham khảo kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, trong đó có môn Ngữ văn.
Nhiều giáo viên Ngữ văn chia sẻ, một số nội dung trong đề và đáp án tham khảo môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cần được làm rõ.
Thứ nhất, Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn lớp 12 có dạy về kiểu bài nghị luận so sánh hai tác phẩm văn học.
Cụ thể, theo phân phối chương trình của 3 bộ sách giáo khoa Ngữ văn 12 (Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống) các kiểu bài nghị luận so sánh gồm:
Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện; Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm kí; Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ.
Kiểu bài viết so sánh hai tác phẩm văn học được nhiều giáo viên cho là khá khó so với nhận thức và trình độ chung của học sinh.
Tuy nhiên, giáo viên nêu thắc mắc, dạng đề này có khả năng xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 hay không? Nếu có, câu lệnh/ yêu cầu đề sẽ như thế nào?.
Thứ hai, ở phần Viết, câu nghị luận xã hội (câu 2) đề tham khảo (4 điểm) có nội dung như sau:
"Hiện nay, nhiều người đón nhận lợi ích của trí tuệ nhân tạo nhưng không ít người lo lắng về sự phụ thuộc của con người vào nó.
Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề trên".
Giáo viên chia sẻ, trí tuệ nhân tạo (AI) là nội dung đã được đưa vào giảng dạy trong 2 bộ sách giáo khoa: Kết nối trí thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo.
Theo đó, nội dung viết về trí tuệ nhân tạo nằm trong sách giáo khoa Ngữ văn 11 (tập 2) bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (trang 71, 72, 73, 74, 79).
Trí tuệ nhân tạo cũng được đề cập trong sách giáo khoa Ngữ văn 11 (tập 1) bộ sách Chân trời sáng tạo (trang 44, 45) với tựa đề "Công nghệ AI của hiện tại và tương lai".
"Phải chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa đưa vào đề thi?", giáo viên nêu băn khoăn.
Thứ ba, câu 1 phần Đọc hiểu yêu cầu thí sinh chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích "Một thân cây một tàng lá một bông hoa" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Và đáp án gợi ý trả lời: Số chữ trong các dòng thơ không đồng nhất/không bằng nhau là cơ sở để xác định thể thơ tự do của đoạn trích.
Giáo viên cho biết, thể thơ tám chữ cũng được gọi là thể thơ tự do. Giả sử văn bản đọc hiểu cho thể thơ tám chữ, thí sinh phải trả lời như thế nào cho hợp lí?
Thứ tư, đáp án phần viết có đề cập đến một số phạm vi kiến thức đó là "dẫn chứng, đoạn văn song hành, móc xích".
Tuy vậy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn và các bộ sách giáo khoa hiện nay hoàn toàn không sử dụng các thuật ngữ "dẫn chứng, đoạn văn song hành, móc xích".
Chẳng hạn, sách giáo khoa sử dụng thuật ngữ "bằng chứng" chứ không phải "dẫn chứng" như đáp án gợi ý.
Cần biết thêm, bằng chứng là các thông tin, sự kiện, tài liệu hoặc tư liệu khác được sử dụng để chứng minh tính chất đúng đắn của ý kiến.
Bằng chứng có thể bao gồm các tài liệu nghiên cứu, số liệu thống kê, ví dụ cụ thể hoặc trích dẫn từ các tác giả uy tín.
Thứ năm, theo phản ánh của giáo viên, đáp án câu nghị luận xã hội (4 điểm) vẫn còn quy cũ, chưa theo kịp tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn.
Theo đó, đáp án yêu cầu thí sinh viết được bài văn theo hướng: mở bài, giới thiệu vấn đề cần nghị luận; thân bài, giải thích, bàn luận, mở rộng; kết bài, khái quát vấn đề nghị luận.
Giáo viên cho rằng, phần thân bài, thí sinh cần đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề bài viết.
Cùng với đó, thí sinh cần triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân là đạt yêu cầu.