Tọa đàm về Bộ pháp điển Việt Nam – Công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong Kỷ nguyên mới

Ngày 21/11, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm 'Bộ pháp điển Việt Nam – Công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong Kỷ nguyên mới'.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có Luật sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, TP Hà Nội; ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; bà Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ban Tổ chức tặng hoa, cảm ơn các khách mời đã tham dự Tọa đàm

Ban Tổ chức tặng hoa, cảm ơn các khách mời đã tham dự Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Duy Thắng đã thông tin về quá trình triển khai xây dựng Bộ pháp điển. Sau 10 năm triển khai, thực hiện (2014 – 2023), đến nay đã có 265/271 đề mục được Chính phủ thông qua và đưa vào khai thác, sử dụng. Có thể nói, Bộ pháp điển cơ bản đã hoàn thành. Theo ông Nguyễn Duy Thắng, Bộ pháp điển có cấu trúc hợp lý, khoa học và bảo đảm tính logic; việc thực hiện ghi chú, chỉ dẫn tương đối rõ ràng giúp cho việc tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật được dễ dàng, thuận lợi.

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Việc công bố và đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, giảm chi phí tuân thủ pháp luật đồng thời mở ra những nguồn lực, tạo nên sức mạnh, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật, tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Vì vậy, Bộ pháp điển sẽ được duy trì liên tục trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được sử dụng miễn phí.

Ngoài ra, ông Nguyễn Duy Thắng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ đẩy mạnh số hóa, dùng AI để hỗ trợ hoạt động pháp điển.

Đánh giá cao về chất lượng của Bộ pháp điển, Luật sư Đào Ngọc Chuyền cho rằng Bộ pháp điển đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt là đối với giới luật sư. Bộ pháp điển đã được các bộ, ngành xây dựng bảo đảm đúng với các quy định của pháp luật. Chất lượng của Bộ pháp điển thể hiện ở 02 yếu tố cơ bản là tính “khoa học, logic” và tính “đúng, đủ, sạch, sống”.

Theo luật sư Đào Ngọc Chuyền, trên thực tiễn, đối với các tình huống cụ thể, đơn giản, có thể áp dụng trực tiếp các quy định của pháp luật thì không cần đến các luật sư. Bộ pháp điển sẽ giúp người dân tìm kiếm được đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật để áp dụng trực tiếp. Còn đối với các tình huống phức tạp như các vụ án có nhiều tình tiết thì cần luật sư tư vấn, giải thích, hướng dẫn. Trong quá trình nghiên cứu, tư vấn pháp luật, các luật sư có thể khai thác những tiện ích mà Bộ pháp điển mang lại.

Luật sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Chia sẻ quá trình triển khai thực hiện công tác pháp điển tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Nghiêm Thị Hồng Vân cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc pháp điển 2 Đề mục Giáo dục và Giáo dục đại học. Đây là những đề mục có số lượng văn bản rất lớn. Qua quá trình thực hiện pháp điển 02 đề mục này, Bộ đã đồng thời triển khai hiệu quả công tác rà soát, xử lý văn bản nhằm mục tiêu “làm sạch” hệ thống VBQPPL về giáo dục và giáo dục đại học.

Thông qua việc pháp điển, việc sắp xếp các quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến nhau vào một chỗ góp phần chỉ ra những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp để cơ quan nhà nước kịp thời ban hành VBQPPL khác để sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ cho phù hợp cũng như kịp thời ban hành văn bản mới để quy định, điều chỉnh các quan hệ xã hội cần điều chỉnh nhưng chưa có quy phạm pháp luật nào quy định.

Bà Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Nghiêm Thị Hồng Vân khẳng định, việc triển khai công tác pháp điển tại Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò, ý nghĩa, tác động tích cực đến quá trình hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói riêng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung. Ngoài ra, bà Vân cho biết Bộ cũng đã tổ chức phổ biến, giới thiệu Bộ pháp điển và lồng ghép tuyên truyền, phổ biến về Bộ pháp điển tại nhiều Hội nghị, Hội thảo của Bộ để các công chức thuộc Bộ biết đến và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển.

Bộ pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 09 nghìn văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của cấp trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề). Mỗi đề mục được pháp điển từ nhiều văn bản khác nhau cùng điều chỉnh một lĩnh vực nhất định và được sắp xếp theo một trật tự khoa học, logic.

Bước đầu, Bộ pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Cho đến nay đã có gần 2 triệu lượt truy cập khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, trung bình mỗi ngày có khoảng gần 5 nghìn lượt truy cập.

Thiên Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/toa-dam-ve-bo-phap-dien-viet-nam-cong-cu-tra-cuu-phap-luat-huu-ich-trong-ky-nguyen-moi-post532516.html
Zalo