Sở GD&ĐT TP.HCM hướng dẫn nhiệm vụ chuyên môn của giáo viên trong hè

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, xác định nhiệm vụ chuyên môn của giáo viên trong hè là cơ sở để tính số ngày làm việc thực tế và chi thu nhập tăng thêm.

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn về việc xác định nhiệm vụ chuyên môn của giáo viên trong hè để làm cơ sở tính số ngày làm việc thực tế và chi thu nhập tăng thêm.

Giáo viên được nghỉ hè bao lâu?

 Xác định nhiệm vụ chuyên môn của giáo viên trong hè là cơ sở để chi thu nhập tăng thêm. Trong ảnh, thầy trò Trường Tiểu học Linh Chiểu, TP Thủ Đức trong 1 giờ học. Ảnh: NTCC

Xác định nhiệm vụ chuyên môn của giáo viên trong hè là cơ sở để chi thu nhập tăng thêm. Trong ảnh, thầy trò Trường Tiểu học Linh Chiểu, TP Thủ Đức trong 1 giờ học. Ảnh: NTCC

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 84/2020 quy định chi tiết về một số điều của Luật Giáo dục. Cụ thể:

Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 6 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Thời gian nghỉ hè hằng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trường trung cấp và trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quyết định theo thẩm quyền.

Thời gian nghỉ hè cụ thể hằng năm được Bộ GD&ĐT hướng dẫn chi tiết tại các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học.

Nhiệm vụ chuyên môn của giáo viên trong hè

Các hoạt động sau đây được xác định là nhiệm vụ chuyên môn của giáo viên trong thời gian nghỉ hè:

Hoạt động giảng dạy và học tập có sản phẩm trực tiếp gồm:

- Công tác tuyển sinh (không bao gồm các hoạt động hỗ trợ tiếp sức mùa thi, các hoạt động giới thiệu, quảng bá, cung cấp thông tin tuyển sinh đến học sinh, sinh viên).

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, sinh viên, học viên (bao gồm cả bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi, sát hạch, dạy học cho các đối tượng phổ cập giáo dục,...).

- Công tác tổ chức các kỳ thi, sát hạch bắt buộc do cơ quan nhà nước phân công, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm các hoạt động hỗ trợ tiếp sức mùa thi, các hoạt động giới thiệu, quảng bá, cung cấp thông tin tuyển sinh đến học sinh, sinh viên).

- Các hội thảo, hội nghị chuyên môn, các hoạt động nghiên cứu khoa học do cấp có thẩm quyền phân công, triển khai cho các đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, tham gia (không bao gồm các hoạt động do đơn vị sự nghiệp công lập tự xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện theo yêu cầu thực tế, tự nguyện của các tổ chức, cá nhân khác).

Các hoạt động bắt buộc phục vụ cho việc giảng dạy và học tập gồm:

- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng liên quan trực tiếp đến chuyên ngành, nội dung giảng dạy.

- Phổ biến kiến thức bắt buộc về nhiệm vụ xây dựng và triển khai kế hoạch năm học, chương trình đào tạo, quy định pháp luật chuyên ngành và các văn bản chỉ đạo chuyên ngành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên ban hành.

- Các kỳ kiểm tra, sát hạch về chuyên môn, nghiệp vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực của giáo viên, giảng viên.

- Các hội nghị chuyên môn bắt buộc để triển khai thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và học tập.

Đối với các hoạt động của trợ lý thanh niên, Tổng phụ trách đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong thời gian hè bao gồm các hoạt động liên quan công tác đoàn, đội theo kế hoạch tổ chức hoạt động hè của cơ quan nhà nước.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-gddt-tphcm-huong-dan-nhiem-vu-chuyen-mon-cua-giao-vien-trong-he-post820994.html
Zalo