Giáo dục Đắk Nông: 20 năm hình thành gieo chữ trên cao nguyên M' Nông
Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là dịp đánh dấu hành trình 20 năm ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông hình thành và phát triển.
Từ 1 huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk, năm 2004 tỉnh Đắk Nông được tái thành lập, cũng từ đây ngành Giáo dục bắt đầu hành trình gieo chữ trên cao nguyên M’ Nông.
Vươn lên từ gian khó
Trong không khí hân hoan kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, 20 năm Giáo dục Đắk Nông, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Phan Văn Bé, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT bồi hồi nhớ lại: “Đắk Nông vốn là huyện nghèo thuộc tỉnh Đắk Lắk, nằm trọn trên cao nguyên M’ Nông. Đến năm 2004, tỉnh Đắk Nông được tái lập, cũng từ đây trang sử mới của ngành Giáo dục tỉnh nhà bắt đầu hành trình gieo chữ. Ban đầu tiếp quản chỉ có 170 trường phổ thông, không có trường chuyên, không có trường phổ thông dân tộc nội trú, không có trung tâm giáo dục thường xuyên. Khó khăn, thiếu thốn trăm bề”.
Cũng theo lời NGƯT Phan Văn Bé, để có nơi làm việc cho đội ngũ cán bộ chuyển từ Sở GD&ĐT Đắk Lắk qua, tỉnh cho mượn một dãy của Trường THPT Gia Nghĩa lập “đại bản doanh”.
“Khó khăn là thế, nhưng ai cũng phấn khởi nhận nhiệm vụ ở vùng đất mới. Điều khiến chúng tôi vui mừng nhất, khi đến các trường học ở vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thiếu thốn, nhiều trường tạm bợ bằng tranh tre… nhưng thầy cô vẫn nhiệt huyết dạy học, từ đó toát lên niềm tin về tương lai tươi sáng”, NGƯT Phan Văn Bé nói thêm.
Chung cảm xúc, thầy Nguyễn Văn Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Đắk Ngo, Tuy Đức bày tỏ: “Những năm 2004, trường có nhiều điểm lẻ, có những điểm cách xa điểm chính hơn 10km và hoàn toàn đường đất. Nhiều lúc đi xe chúng tôi bị ngã người đầy bùn đất, nhưng vẫn dựng xe lên, có lúc muốn quay về. Nhưng nghĩ đến ở phía trước còn lớp học, còn học sinh đang ngóng đợi, nếu mình bỏ thì ai dạy các em đây? Chúng tôi đã vượt qua tất cả để đến với học trò, góp sức cho sự nghiệp dạy học tại địa phương”.
Có mặt từ ngày đầu tái thành lập tỉnh, trải qua nhiều vị trí công tác, TS Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông đánh giá, sứ mệnh đặc biệt của thầy cô thể hiện ở việc, không chỉ dạy chữ, bằng tình thương, trách nhiệm còn truyền cho học sinh khát vọng vượt lên chính mình.
“20 năm qua, mặc dù đối mặt biết bao khó khăn, thử thách từ điều kiện nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị dạy học… chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, nhiệm vụ mà xã hội đặt ra cho giáo dục ngày càng cao, đặc biệt là giáo dục vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng với niềm say mê, tâm huyết, tình thương và trách nhiệm, các cô giáo, thầy giáo đã hy sinh quyền lợi bản thân, dành cả tuổi thanh xuân của mình để bám bản, bám trường gieo con chữ, gieo niềm tin cho thế hệ tương lai”, TS Tôn Thị Ngọc Hạnh bày tỏ.
Tự hào vì nghề chọn mình
Hơn 15 năm gắn bó và cống hiến cho Giáo dục Đắk Nông, cô Đỗ Thị Mai Loan, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh cho biết, đến với nghề giáo bằng một “mối duyên” đặc biệt, lúc còn học sinh, ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người.
“Ước mơ trở thành bác sĩ nhưng nghề giáo đã chọn tôi. Gần 20 năm trước, khi cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học sư phạm đã từng phân vân, liệu đây có phải là lựa chọn đúng đắn. Nhưng sau 4 năm gắn bó với giảng đường sư phạm, những tri thức, kinh nghiệm và ngọn lửa nhiệt huyết của thầy cô đã giúp tôi nhận ra đã đi đúng hướng”, cô Mai Loan bồi hồi nhớ lại.
Cũng theo lời cô Mai Loan, khi về công tác tại Đắk Nông, những ngày đầu rất bỡ ngỡ, nhất là công tác chủ nhiệm.
“Đã có lúc bật khóc khi gặp tình huống sư phạm khó xử. Trong bồi dưỡng học sinh giỏi, bản thân nhiều đêm không ngủ được vì chưa nghĩ ra được cách giải 1 bài tập khó. Trăn trở, day dứt nhất khi thấy học sinh thất bại trên đấu trường tri thức, xem đó như thất bại của chính mình”, cô Mai Loan trải lòng.
Có lẽ đây là động lực để cô Mai Loan và rất nhiều giáo viên trên cao nguyên M’ Nông này nỗ lực hoàn thiện bản thân, đóng góp vào quá trình khẳng định vai trò, vị thế của Giáo dục Đắk Nông như hôm nay.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của thầy cô giáo, 20 năm qua, ngành Giáo dục tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Ngày đầu tách tỉnh chưa đến 200 cơ sở giáo dục với rất “nhiều không”, đến nay toàn tỉnh có 371 cơ sở giáo dục với hơn 187.000 học sinh, hơn 10 nghìn cán bộ, giáo viên. Mạng lưới cơ sở giáo dục ở các cấp học đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, cũng như yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lực lượng nhà giáo hiện nay đông đảo về số lượng, có năng lực chuyên môn tốt, tỷ lệ giáo viên có thâm niên tay nghề chiếm phần lớn, có nhiều kinh nghiệm, là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương”, TS Phan Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, để Đắk Nông, cô giáo, thầy giáo có quyền tự hào vì đã đóng góp công sức đào tạo ra nguồn nhân lực cho địa phương ngày một phát triển.
“Đắk Nông được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế nhất là khoáng sản bô xít. Nhưng để phát triển bền vững, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là then chốt. Vì vậy, vai trò của cô giáo, thầy giáo càng nặng nề hơn, nhưng cũng vẻ vang hơn”, ông Mười bày tỏ.
Người đứng đầu UBND tỉnh Đắk Nông cũng mong thầy cô chia sẻ với khó khăn của địa phương như, đầu tư cho giáo dục chưa xứng tầm, tình trạng thiếu giáo viên chưa giải quyết triệt để …Từ đó nỗ lực hơn trong việc đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục. Có nhiều sáng kiến, giải pháp giúp học sinh phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, tạo nguồn cho nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn có sự bứt phá, đạt được nhiều thành tích quan trọng, khẳng định vị trí của giáo dục Đắk Nông với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và trong cả nước. Trong 20 năm qua, tỉnh có 166 học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đặc biệt năm 2024, lần đầu tiên Đắk Nông có 1 học sinh môn Tin học được chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự kỳ thi Olympic Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.