Giao thông bứt phá phát triển kinh tế vùng

An Giang đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt trong thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh về khâu đột phá, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển thương mại, du lịch và công nghiệp. Nhiều dự án giao thông trọng điểm được đầu tư, không chỉ là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, mà còn là động lực, tạo ra cực phát triển mới cho cả vùng.

Tạo động lực phát triển

“Ngành giao thông An Giang đã và đang được tiếp tục đầu tư, định hướng đầu tư với mục tiêu tăng cường liên kết vùng, liên vùng, phát triển “đột phá kết cấu hạ tầng giao thông”, từng bước tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, kết nối hệ thống giao thông của tỉnh đến các tuyến vận tải quốc tế, cửa khẩu quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội”- Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh.

Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của bộ, ngành Trung ương, An Giang đã được đầu tư, khởi công nhiều công trình, dự án trọng điểm, như: Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên (đưa vào khai thác ngày 16/6/2024); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (khởi công ngày 17/6/2023, tiến độ đạt 48,6%); Dự án kết nối tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp, trong đó cầu Châu Đốc (thông xe ngày 23/4/2024); đường tránh TP. Long Xuyên (thông xe ngày 16/6/2024)...

Tỉnh còn triển khai thi công 32 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm từ nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; mở rộng nâng cấp Đường tỉnh 949 (TX. Tịnh Biên, dài 18,7km); nâng cấp mở rộng khẩn cấp Đường tỉnh 948 (nối Tri Tôn - Tịnh Biên, dài 16,3km); duy tu, sửa chữa các tuyến đường tỉnh, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C, Quốc lộ N1 từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông, ngân sách Nhà nước (với 22 danh mục công trình).

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng

Cùng với đó, 260 cầu giao thông nông thôn được khẩn trương xây dựng, đạt 163% so kế hoạch Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (160 cầu). Tổng vốn đầu tư 272,2 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách 54,7 tỷ đồng, còn lại huy động từ xã hội 217,5 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 25.652 ngày công và 300m2 đất. Giao thông, hạ tầng phát triển tạo đà tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2024 của tỉnh tăng 7,16% so cùng kỳ năm trước. Với mức tăng trưởng này, An Giang xếp thứ 5 vùng ĐBSCL, thứ 38 cả nước. Về quy mô GRDP của tỉnh (130.135 tỷ đồng) xếp thứ 5 vùng ĐBSCL. GRDP bình quân đầu người (66,24 triệu đồng) xếp thứ 12 vùng ĐBSCL.

Tháo gỡ nút thắt

Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự kiến hoàn thành tháng 7/2026) có ý nghĩa lịch sử với tỉnh. Quy mô toàn tuyến của dự án giai đoạn 1 dài 188,2km. Trong đó, Dự án thành phần 1 qua địa bàn An Giang dài 57km, quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe. Dự án đang được thực hiện các thủ tục, để đầu tư tuyến kết nối cao tốc đến Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ khơi thông hành lang hướng về biên giới Tây Nam (Campuchia, Lào), kết nối vùng kinh tế trọng điểm, cũng như kết nối hệ thống giao thông tỉnh An Giang đến tuyến vận tải quốc tế, tạo cơ hội cho hàng hóa của tỉnh tiếp cận thị trường rộng lớn trong cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), xuất khẩu sang các nước Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (qua cảng nước sâu Trần Đề).

Bên cạnh đầu tư tuyến trục dọc, thời gian qua, các tuyến trục ngang kết nối trục dọc cũng được tỉnh quan tâm. Tuyến trục ngang thứ nhất - khu vực biên giới của tỉnh: Tuyến N1 kết nối Quốc lộ 91, kết nối Khu Du lịch Núi Sam, Khu Du lịch Núi Cấm, Trung tâm Thương mại TP. Châu Đốc với các khu du lịch của TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang); kết nối liên vùng đến tỉnh Đồng Tháp. Tuyến này đang được triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Định hướng trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng; phối hợp tỉnh Đồng Tháp đầu tư cầu Tân Châu - Hồng Ngự vượt sông Tiền, tuyến N1 kết nối với cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh.

Tuyến trục ngang thứ 2 - khu vực huyện Châu Phú và Phú Tân: Tuyến Đường tỉnh 945 (quy hoạch là tuyến Quốc lộ 80C) đã được đầu tư quy mô 2 làn xe, kết nối từ Quốc lộ 91 - huyện Châu Phú đến ranh tỉnh Kiên Giang. Định hướng giai đoạn năm 2026 - 2030, sẽ đầu tư đoạn còn lại gồm cầu Năng Gù (thay thế bến phà Năng Gù trên sông Hậu), mở mới đoạn tuyến Quốc lộ 80C qua địa bàn huyện Phú Tân; phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp đầu tư tuyến Quốc lộ 30C để kết nối tuyến Đường tỉnh 945 với cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh (đoạn Cao Lãnh đến Cửa khẩu Dinh Bà). Như vậy, trong tương lai sẽ hình thành tuyến trục ngang liên vùng, kết nối với các tuyến trục dọc, gồm: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, kết nối Quốc lộ 80.

Tuyến trục ngang thứ 3 - khu vực TP. Long Xuyên, huyện Chợ Mới: Định hướng đến năm 2030, đầu tư cầu Tôn Đức Thắng vượt sông Hậu và tuyến đường kết nối 944B. Theo Quyết định 1369/QĐ-TTg quy hoạch tỉnh, sẽ hình thành tuyến trục ngang kết nối Quốc lộ 91, cao tốc Châu Đốc - Cần thơ - Sóc Trăng (nút giao Km38 - Đường tỉnh 956), Đường tỉnh 944, Quốc lộ 80B, cầu Cao Lãnh đi TP. Hồ Chí Minh. Tuyến trục ngang này có ý nghĩa quan trọng kết nối hệ thống đường bộ đến quê hương và khu lưu niệm Bác Tôn.

Nếu được sự quan tâm, tiếp tục dành nhiều nguồn lực đầu tư, trong giai đoạn tiếp theo, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh sẽ hình thành 3 tuyến trục ngang, hệ thống giao thông đường bộ đối ngoại của tỉnh, có kết nối “dọc ngang thông suốt”. Từ đó, khắc phục tình trạng chia cắt về địa hình, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo nền tảng cho kinh tế An Giang vươn mình phát triển, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Tới đây, sẽ thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, quy mô dân số của tỉnh An Giang và Kiên Giang. Tỉnh An Giang sau sáp nhập giáp tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ và Vương quốc Campuchia. Tỉnh mới có quy mô kinh tế lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, với sự kết hợp giữa kinh tế biển, thương mại biên giới, nông nghiệp và du lịch; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, quỹ đất gắn với lợi thế về giao thương biên giới, cảng biển và du lịch.

Đặc biệt, tạo điều kiện quy hoạch tốt hơn về hạ tầng, giao thông, tăng nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư. Từ đó, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển vươn tầm

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/giao-thong-but-pha-phat-trien-kinh-te-vung-a420035.html
Zalo