Dự án bất động sản xanh giữ giá tốt trên thị trường thứ cấp

Các chuyên gia nhận định, các dự án bất động sản đạt tiêu chuẩn xanh có khả năng giữ giá tốt hơn trên thị trường thứ cấp.

Cụ thể là những dự án nhà ở đạt chứng chỉ xanh ghi nhận mức tăng giá ổn định và khả năng giữ giá tốt hơn trong giai đoạn thị trường biến động. Theo Hội đồng Công trình Xanh Thế giới (WorldGBC), các công trình xanh có thể giúp tăng giá trị tài sản tổng thể lên đến 7% trong vòng 5 năm.

Dự án bất động sản xanh giữ giá tốt trên thị trường thứ cấp. Ảnh: TTXVN

Dự án bất động sản xanh giữ giá tốt trên thị trường thứ cấp. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, việc đầu tư vào công trình xanh còn đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt với thời gian thu hồi vốn nhanh, chi phí vận hành thấp. Dữ liệu từ hệ thống chứng chỉ công trình xanh phổ biến hiện nay cho thấy, mức chi phí tăng thêm cho một dự án xanh thường dao động trong ngưỡng hợp lý và có thể được thu hồi trong thời gian ngắn.

Theo Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) – đơn vị phát triển hệ thống chứng nhận EDGE (tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh), chi phí đầu tư tăng thêm cho công trình đạt chứng chỉ EDGE chỉ dao động khoảng 2–3%, thời gian thu hồi vốn trung bình là 3 năm, với mức tiết kiệm tối thiểu 20% năng lượng và nước trong quá trình vận hành. Tương tự, chứng chỉ LEED - giấy chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh do Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) vận hành ghi nhận chi phí tăng thêm từ 1,5 đến 8%, thời gian hoàn vốn từ 1,5 đến 6 năm, cùng mức tiết kiệm năng lượng lên đến 30%–40%.

Việt Nam đang phấn đấu mạnh mẽ để hiện thức hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2025. Chiếm tới khoảng 39% tổng lượng phát thải khí nhà kính (bao gồm xây dựng và vận hành công trình, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc), lĩnh vực bất động sản cũng đang có những chuyển dịch tích cực nhằm đóng góp vào mục tiêu quốc gia. Thị trường bất động sản xanh với các công trình “carbon-neutral” và chứng chỉ LEED, EDGE... nổi lên như một xu hướng tất yếu, vừa đáp ứng yêu cầu bền vững, vừa mang lại giá trị kinh tế thiết thực cho chủ đầu tư – các chuyên gia phân tích.

Theo đó, số lượng công trình xanh ở Việt Nam đã có sự tăng trưởng đột phá trong những năm gần đây. Báo cáo tổng quan thị trường công trình xanh Việt Nam năm 2024 của hệ thống chứng nhận EDGE và Tổ chức Tài chính quốc tế, thành viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, Việt Nam hiện có 559 công trình với 13,6 triệu m2 diện tích sàn đạt chứng chỉ công trình xanh và 31.384 căn hộ, 3.234 nhà ở riêng lẻ đạt chứng nhận xanh.

Riêng năm 2024, Việt Nam có 163 công trình đạt chứng nhận xanh, gấp hơn 2 lần so với năm 2023 và gấp 3 lần so với năm 2022 (có 54 công trình) và hơn 27 lần so với năm 2014 (6 công trình). Việc phát triển các công trình xanh không chỉ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường mà còn là chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho các chủ đầu tư khi nhu cầu mua bất động sản xanh của người mua và nhà đầu tư gia tăng.

Theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, bất động sản xanh không chỉ gói gọn trong chứng chỉ xanh và Net Zero mà còn có tác động tích cực dài hạn bởi lẽ “tuổi thọ” của bất động sản có thể kéo dài hàng trăm năm. Hiện 80% nguồn cung tòa nhà hiện hữu trên toàn cầu sẽ tiếp tục được sử dụng đến năm 2050. Vì vậy, nhu cầu cải thiện chỉ số xanh cho các tòa nhà đang vận hành sẽ tăng cao trong thời gian tới

Trong bối cảnh ô nhiễm tại các thành phố lớn ngày càng gia tăng, nhóm người trẻ ngày càng quan tâm đến không gian sống xanh và tiêu chuẩn môi trường khi lựa chọn nhà ở. Họ ưu tiên trải nghiệm sống trong môi trường không khí trong lành, ánh sáng tự nhiên...

Kết quả khảo sát của Batdongsan.com.vn về tâm lý khách hàng cuối năm 2024 cũng cho thấy, 86% người tham gia khảo sát quan tâm đến việc mua một ngôi nhà xanh và 88% người sẵn sàng trả thêm tiền cho ngôi nhà xanh. Không chỉ người tiêu dùng trong nước, các nhà đầu tư quốc tế – đặc biệt từ châu Âu và Singapore cũng đặt tiêu chí ESG (môi trường – xã hội – quản trị) lên hàng đầu trong các quyết định rót vốn. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các chủ đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Các chuyên gia dự báo, việc tiên phong phát triển các dự án xanh, trung hòa carbon, không chỉ để đón đầu xu hướng thị trường mà còn để thu hút nguồn vốn quốc tế.

So với việc phát triển các dự án bất động sản thông thường, việc phát triển dự án xanh còn giúp chủ đầu tư hưởng lợi về mặt chính sách khi Nhà nước đã và đang có nhiều hành động đồng bộ để thúc đẩy phát triển công trình xanh. Cụ thể, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định “phát triển đô thị xanh, thông minh, phát thải thấp” là một trong các định hướng chủ đạo.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà thông tin, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển các công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Bộ Xây dựng cũng đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về công trình xanh thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật mới và cập nhật quy chuẩn xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội đã đưa tiêu chí công trình xanh vào điều kiện xét duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng đối với các dự án nhà ở xã hội, khu đô thị mới, và trung tâm thương mại.

Mặt khác, chủ đầu tư thực hiện dự án xanh có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua các chương trình tài chính khí hậu, trái phiếu xanh hoặc gói hỗ trợ kỹ thuật từ một số tổ chức quốc tế như IFC (World Bank), GIZ (Đức), AFD (Pháp). Điều này không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các quỹ đầu tư ESG.

Tuy nhiên, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, phát triển bất động sản xanh vẫn còn nhiều thách thức như: chi phí đầu tư ban đầu cao; thiếu chuyên gia, tư vấn và nhà thầu đủ năng lực; nhận thức còn hạn chế; chính sách ưu đãi chưa rõ ràng, thiếu chiến lược dài hạn bền vững...

Để vượt qua những thách thức này, VARS kiến nghị doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản cần tích cực cập nhật các tiêu chuẩn xanh quốc tế như EDGE, LEED, LOTUS (hệ thống tiêu chí công trình xanh đầu tiên được phát triển dành riêng cho thị trường xây dựng tại Việt Nam). Từ đó, lồng ghép các yêu cầu tiết kiệm năng lượng, vật liệu bền vững và giải pháp công nghệ ngay từ giai đoạn thiết kế, quy hoạch. Đồng thời, chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế như IFC, GIZ, UNDP… để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và tư vấn kỹ thuật cho phát triển công trình xanh; xây dựng chiến lược truyền thông rõ ràng về giá trị "xanh" để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút khách hàng thế hệ mới và nhà đầu tư ESG (môi trường - xã hội và quản trị).

Bên cạnh đó, VARS kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và hành lang pháp lý liên quan đến công trình xanh, phát triển đô thị carbon thấp và trung hòa khí thải. Đồng thời, thiết kế các chính sách ưu đãi cụ thể cho dự án đạt chứng chỉ xanh như ưu tiên phê duyệt quy hoạch, giảm thuế sử dụng đất, ưu đãi tín dụng hoặc khuyến khích qua chỉ tiêu đấu thầu sử dụng đất. Cùng đó, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn, nhà thầu, cán bộ quản lý quy hoạch và thanh tra xây dựng để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khi triển khai trên thực tế.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-an-bat-dong-san-xanh-giu-gia-tot-tren-thi-truong-thu-cap/372152.html
Zalo