Giám đốc sở, tỉnh ủy viên làm bí thư, chủ tịch xã phải biết 'xắn quần lội ruộng'

Giám đốc sở, tỉnh ủy viên về làm bí thư, chủ tịch xã phải 'xắn quần lội ruộng' cùng người dân thì mới có thể làm được việc.

Bộ Nội vụ mới đây đã thông tin một số nội dung về tiến độ thực hiện công việc để mô hình chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động cũng như phương án bố trí nhân sự cấp xã mới sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.

Dự kiến cả nước sẽ chỉ còn khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã, theo đúng định hướng của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm là giảm 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện tại.

Các địa phương có thể bố trí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hiện nay về làm bí thư xã, phường mới. Không chỉ giám đốc sở, tỉnh ủy viên hay thành ủy viên, thậm chí các địa bàn quan trọng có thể bố trí ủy viên ban thường vụ cấp tỉnh hiện nay làm người đứng đầu cấp ủy của địa phương. Còn lại tất cả nội dung liên quan đến bố trí nhân sự như ai làm bí thư, ai làm chủ tịch, phó chủ tịch, các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức ra sao thì địa phương sẽ quyết định và chịu trách nhiệm theo các quy định. Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn

Để đáp ứng yêu cầu công việc của cấp xã mới rộng hơn, nhiều thẩm quyền hơn, Bộ Nội vụ cho biết có thể luân chuyển một số giám đốc sở, tỉnh ủy viên về làm bí thư, chủ tịch xã tại các địa bàn quan trọng, phức tạp.

Liên quan vấn đề này, nhiều độc giả đã gửi ý kiến tới VietNamNet băn khoăn về trường hợp cán bộ tỉnh, thành về xã có thể không thạo việc địa bàn.

“Lâu nay, họ là những người quen với công tác tham mưu, chỉ đạo. Tới đây về xã, gần dân mà không quen thực hành, không hiểu địa bàn thì sẽ ra sao?”, anh Lê Mỹ bình luận.

Trong khi đó, độc giả Đặng Trí Dũng cho rằng, cán bộ về cơ sở sẽ không thể “suốt ngày ngồi phòng máy lạnh”, thay vào đó sẽ phải "xắn quần lội ruộng" cùng người dân thì mới có thể làm được việc.

Các cán bộ về làm lãnh đạo xã phải sẵn lòng thay đổi cách thức làm việc. Ảnh minh họa

Các cán bộ về làm lãnh đạo xã phải sẵn lòng thay đổi cách thức làm việc. Ảnh minh họa

Giám đốc Sở, tỉnh ủy viên chắc chắn trình độ bằng cấp hơn hẳn cán bộ xã đương nhiệm rồi, chỉ có điều về địa phương sẽ "khổ" hơn, chân lấm tay bùn đêm hôm đi gặp dân,… đòi hỏi các cán bộ về làm lãnh đạo xã phải sẵn lòng thay đổi cách thức làm việc - anh Trần Huy Sáng góp ý.

Cũng có ý kiến cho rằng cán bộ cấp tỉnh về xã sẽ “biết thế nào là gần dân, sát dân, chăm lo lợi ích cho dân”. Theo độc giả này, về địa phương các cán bộ tỉnh sẽ cảm nhận được những khó khăn của cấp dưới.

Công tâm khi lựa chọn cán bộ lãnh đạo xã

Theo bạn đọc Nguyễn Trung, sáp nhập tỉnh, xã và kết thúc cấp huyện nên sẽ dôi dư rất nhiều cán bộ, công chức. Do đó công tác bổ nhiệm, bố trí cán bộ về xã mới sau sáp nhập cần công tâm, đúng người, đúng việc.

Ngoài ra, khi các tỉnh thành chủ động sắp xếp, bố trí nhân sự cấp xã thì cũng cần tiêu chí chung, thống nhất để hạn chế sự chênh lệch giữa các địa phương và người dân thấy được sự minh bạch, rõ ràng.

Độc giả Xuân Mạnh cũng cho rằng, khi kết thúc cấp huyện đã dôi dư ra nhiều cán bộ, giờ lại thêm lãnh đạo sở, tỉnh ủy viên có thể về xã thì sự cạnh tranh vị trí ngày càng căng thẳng, càng cần có một sự sắp xếp thật công bằng.

Tuy nhiên, lại có bình luận cho biết việc nhiều lựa chọn cán bộ cho một số ít vị trí quản lý là một điều tốt trong công tác nhân sự.

“Đại hội Đảng cấp tỉnh phải xong trước 30/10 năm nay. Lúc này cấp xã đã xong và hoạt động ổn định ban đầu. Như vậy khi tiến hành Đại hội Đảng cấp tỉnh, công tác tổ chức là tìm trong các cán bộ xã phường mới một số đồng chí có thể tham gia Ban Chấp hành Tỉnh ủy để Đại hội bầu. Như vậy là một số lãnh đạo cấp xã sẽ trở thành tỉnh ủy viên”, anh Nguyễn Xuân Định phân tích.

Một số độc giả khác đề xuất thành lập đường dây nóng phản ánh tiêu cực ở cấp xã, phường, bên cạnh mục phản ánh kiến nghị trong dịch vụ công, để có thể dễ dàng “báo cáo” những trường hợp cán bộ quan liêu, cửa quyền, không sâu sát tại địa phương.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giam-doc-so-tinh-uy-vien-lam-bi-thu-chu-tich-xa-phai-biet-xan-quan-loi-ruong-2397118.html
Zalo