Ông Trump trao đòn bẩy chiến lược cho Nga, EU chốt hạ lệnh trừng phạt
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấm dứt nỗ lực gây sức ép buộc Nga phải ngừng bắn ngay lập tức, khiến Ukraine và các đối tác châu Âu của nước này thất vọng. Châu Âu ngay lập tức áp lệnh trừng phạt mới với Moscow.
Ông Trump trao đòn bẩy chiến lược cho Nga
Việc Tổng thống Trump không sẵn sàng gây áp lực buộc Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn, cho thấy ông có thể đang có ý định từ bỏ tiến trình đàm phán hòa bình mà ông đóng vai trò trung gian hòa giải. Đây là điều mà các quan chức dưới quyền ông cảnh báo trong nhiều tuần.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Nhà Trắng
Tổng thống Trump ngày 20/5 cho biết, điều kiện cho lệnh ngừng bắn chỉ có thể do các bên tham chiến quyết định "vì họ nắm rõ chi tiết về một cuộc đàm phán mà không một ai khác biết". Đến thời điểm hiện tại, ông Trump vẫn chưa gặt hái được nhiều kết quả dù nỗ lực tìm giải pháp cho một thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong nhiều tháng qua.
Trong cuộc điện đàm hồi đầu tuần, Tổng thống Nga Putin đã dường như đã thêm một yếu tố gia tăng thử thách đối với quá trình đàm phán khi ông yêu cầu mỗi bên phải soạn thảo một "bản ghi nhớ" về các điều khoản của một hiệp ước hòa bình trong tương lai, động thái có thể khiến Ukraine bị bất lợi trong khi các cuộc đàm phán kéo dài.
Phát biểu với báo chí hôm 20/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Không có khung thời gian cụ thể và chi tiết. Các dự thảo sẽ được cả phía Nga và phía Ukraine soạn thảo và sau đó sẽ có những cuộc tiếp xúc khó khăn để xây dựng một văn bản duy nhất”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga “cố gắng kéo dài thời gian”, đồng thời kêu gọi phương Tây phối hợp gây sức ép để buộc Nga chấm dứt xung đột. Ông Zelensky viết trên Telegram: “Các lệnh trừng phạt rất quan trọng và tôi biết ơn tất cả những ai khiến chúng trở nên hữu hình hơn đối với Nga”. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho rằng, điều cần thiết là Mỹ không được xa rời các cuộc đàm phán.
EU phản ứng bằng lệnh trừng phạt
Trước lời kêu gọi của Ukraine, Liên minh châu Âu và Anh đã chính thức thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Nga vào ngày 21/5, chủ yếu nhắm vào các tàu lách lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga. Các quan chức châu Âu cũng cho biết họ sẽ chuẩn bị một vòng trừng phạt mới cứng rắn hơn nhắm vào lĩnh vực năng lượng và ngân hàng Nga. Nhưng điều này có thể sẽ mất nhiều thời gian và khó đạt được sự đồng thuận rộng rãi cũng như khó nhận được sự ủng hộ của Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, cuộc điện đàm thứ ba của ông Trump với ông Putin đã bộc lộ nhiều khác biệt trong quan điểm của các nhà lãnh đạo: ông Trump đưa ra yêu cầu đối với Nga để chứng tỏ Moscow thực sự quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình, trong khi ông Putin phản bác với lập luận rằng sự phức tạp của một thỏa thuận hòa bình rộng lớn hơn khiến lệnh ngừng bắn ngay lập tức rất khó thực thi.
Bà Tatiana Stanovaya, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia, cho rằng, Tổng thống Putin dường như đang tìm cách để "cho ông Trump thấy một kết quả tạm thời, hữu hình nhằm trấn an Washington, nhưng lại không đưa ra bất kỳ nhượng bộ thực sự nào".
Nga đã đặt ra các điều kiện khó khăn đối với lệnh ngừng bắn, trong đó có việc buộc Ukraine dừng hoạt động tuyển quân và dừng tiếp nhận vũ khí phương Tây. Nhưng Kiev không chấp nhận các điều khoản này vì cho rằng chúng sẽ cho phép Moscow đơn phương tái vũ trang.
Việc ông Trump tuyên bố, Nga và Ukraine sẽ tự đàm phán về lệnh ngừng bắn giữa hai bên cho thấy sự tham gia của Mỹ trong quá trình này đã giảm đi, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu các bên có thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay hay không. Tổng thống Putin tin rằng Nga đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến và có thể giành được nhiều lãnh thổ hơn trong thời gian tới.
Washington Post dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, trong cuộc điện đàm tiếp theo với các nhà lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Trump dường như cũng gửi đi tín hiệu cho thấy ông không muốn gây áp lực đối với Nga trong thời gian tới và thậm chí có thể sẵn sàng giảm bớt sự tham gia của Mỹ vào hoạt động hòa giải.
Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Âu tin rằng ở một mức độ nào đó, họ có thể nhận được sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Trump, sau khi nhận thấy sự thiếu kiên nhẫn của Washington đối với Moscow. Nhưng động thái mới nhất của ông Trump đã khiến châu Âu thất vọng. Một số quan chức châu Âu ngày 20/5 đã kêu gọi gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Nga đồng thời vẫn hy vọng Mỹ có thể tham gia nỗ lực này.
Đại diện cấp cao EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas cho biết các quan chức của khối sẽ tiếp tục thảo luận về gói trừng phạt mới đối với Nga - gói trừng phạt thứ 18, nhưng thừa nhận rằng "điều này ngày càng khó khăn hơn”. “Tôi không nghĩ chúng ta có lựa chọn nào khác; chúng ta cần gây thêm áp lực cho Nga”, bà Kaja Kallas nhấn mạnh.
Phát biểu với báo chí tại cuộc họp của các bộ trưởng EU ngày 20/5, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng mặc dù Nga "sẵn sàng thảo luận về một bản ghi nhớ" nhưng vẫn "chưa có dấu hiệu" nào cho thấy các bên sẽ nhất trí về lệnh ngừng bắn. “Tôi tin rằng điều mà Liên minh châu Âu có thể và phải làm là thắt chặt lệnh trừng phạt”.
Tại Nga, nhiều quan chức đã đưa ra những đánh giá tích cực về cuộc điện đàm Trump – Putin, cho rằng, các cuộc trò chuyện sẽ đưa Mỹ đến gần hơn với Nga và coi Nga là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của họ.
Trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov nói: “Hai tổng thống đã thảo luận rất chi tiết về tương lai quan hệ của hai nước trong cuộc điện đàm. Ông Trump đã nói rất chân thành về triển vọng của quan hệ này. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông ủng hộ mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, xét đến vai trò và vị thế kinh tế của các bên”.
Konstantin Kosachev, Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga, cho rằng, Nga và Mỹ đã nổi lên như những đối tác đàm phán trái ngược với châu Âu và Ukraine.