Eurasianet: Trung Quốc thay đổi chiến lược viện trợ, lấp khoảng trống do USAID để lại ở Trung Á

Khi Mỹ rút lui, Trung Quốc nhanh chóng tận dụng cơ hội bằng chiến lược viện trợ mới, kết hợp dự án cơ sở hạ tầng lớn và các sáng kiến nhân đạo, mở rộng ảnh hưởng sâu rộng tại Trung Á.

Các đại biểu chụp ảnh khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc-Trung Á lần thứ 6 được tổ chức tại Almaty, Kazakhstan ngày 26/4/2025. Ảnh: THX

Các đại biểu chụp ảnh khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc-Trung Á lần thứ 6 được tổ chức tại Almaty, Kazakhstan ngày 26/4/2025. Ảnh: THX

Khi Mỹ giảm bớt sự hiện diện ở Trung Á, Trung Quốc đang nhanh chóng nắm bắt cơ hội để củng cố dấu ấn của mình. Theo mạng tin Âu-Á (Eurasianet.org) mới đây, bên cạnh các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn quen thuộc, Bắc Kinh đang chuyển hướng sang các chương trình viện trợ nhỏ hơn nhằm xây dựng thiện chí và mở rộng ảnh hưởng sâu rộng hơn trong khu vực chiến lược này.

Cụ thể, trong bối cảnh chính quyền Trump giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và cắt giảm viện trợ nước ngoài, một khoảng trống đáng kể đã xuất hiện ở Trung Á. Trung Quốc, vốn đã có Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, nay đang điều chỉnh chiến lược của mình để lấp đầy khoảng trống trên. Thay vì chỉ tập trung vào các dự án lớn, Trung Quốc đang triển khai các chương trình hạn chế hơn, tiếp cận trực tiếp cấp cơ sở và hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Sáng kiến tiêu biểu nhất vừa được triển khai vào ngày 16/5 là một dự án chung giữa Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc (CIDCA) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc. Dự án này nhằm mục tiêu cung cấp bữa ăn tại trường cho hơn 100.000 học sinh ở miền Nam Kyrgyzstan. Đây được WFP mô tả là "sáng kiến đa phương đầu tiên" của CIDCA tại Trung Á dưới sự bảo trợ của Quỹ Phát triển Toàn cầu và Hợp tác Nam-Nam.

Ông Kojiro Nakai, đại diện WFP và Giám đốc quốc gia, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự đóng góp này của Chính phủ Trung Quốc tại sự kiện ra mắt ở Osh, thủ đô phía Nam Kyrgyzstan. Ông nhấn mạnh sự hỗ trợ này "sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến trẻ em tiểu học". Theo kế hoạch, vào cuối năm nay, Trung Quốc dự kiến sẽ cung cấp khoảng 1.700 tấn bột mì tăng cường dinh dưỡng, dầu thực vật, gạo và đậu cho 300 trường học tại ba tỉnh phía Nam Kyrgyzstan là Osh, Jalal-Abad và Batken.

Giai đoạn mới của BRI

Dự án tại Kyrgyzstan là một trong những minh chứng rõ ràng cho cách tiếp cận mới của CIDCA, được gọi là các dự án “nhỏ và ý nghĩa” (S&B). Đây là những sáng kiến mà Bắc Kinh hy vọng sẽ thúc đẩy thiện chí giữa người dân "Nam toàn cầu". Một báo cáo gần đây của CIDCA đã coi S&B là giai đoạn thứ hai của BRI, được thiết kế để "thể hiện sự nhân văn của viện trợ nước ngoài và hợp tác phát triển quốc tế của Trung Quốc".

Tài liệu của CIDCA cũng chỉ rõ rằng Trung Quốc sẽ "mở rộng" các sáng kiến S&B này trong những tháng tới. Điều đáng chú ý là các dự án này sẽ được phối hợp chặt chẽ với hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến BRI đang diễn ra. Mục tiêu là "giúp các nước tiếp nhận củng cố nền tảng phát triển đồng thời giải quyết hiệu quả các vấn đề sinh kế".

Sự thay đổi trong chiến lược viện trợ của Trung Quốc cho thấy một cách tiếp cận toàn diện và tinh tế hơn nhằm mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á. Thay vì chỉ tập trung vào các khoản đầu tư lớn có thể gây ra lo ngại về nợ nần hoặc sự phụ thuộc, Trung Quốc đang tìm cách xây dựng mối quan hệ bền vững hơn thông qua các chương trình trực tiếp hỗ trợ cộng đồng.

Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế như WFP cũng giúp Trung Quốc nâng cao hình ảnh quốc tế và giảm bớt những chỉ trích về "ngoại giao bẫy nợ" thường gắn liền với BRI. Bằng cách kết hợp các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn với các sáng kiến nhân đạo "nhỏ và ý nghĩa", Bắc Kinh đang đặt nền móng cho một sự hiện diện lâu dài và đa chiều hơn tại khu vực Trung Á. Điều này không chỉ củng cố vị thế kinh tế mà còn tăng cường ảnh hưởng chính trị và văn hóa của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh các cường quốc khác đang giảm bớt sự can dự.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/eurasianet-trung-quoc-thay-doi-chien-luoc-vien-tro-lap-khoang-trong-do-usaid-de-lai-o-trung-a-20250521165344560.htm
Zalo