Giáo sư Lâm Nghị Phu và lời khuyên cho Việt Nam
Việt Nam có 100 triệu dân, nhiều nhân tài nên cần tận dụng nguồn nhân lực đó để đóng góp vào các ngành nhảy vọt, từ đó bứt phá trên bản đồ kinh tế thế giới.
Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu phần tiếp theo ý kiến của Giáo sư Lâm Nghị Phu - Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại buổi Tọa đàm học thuật “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới” do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 15/4 vừa qua.
Lý thuyết Kinh tế học Cấu trúc Mới
Kinh tế học cấu trúc mới, được Giáo sư Lâm Nghị Phu sáng lập và đề xuất, là một khung lý thuyết để áp dụng cho các quốc gia đang phát triển mong muốn nâng cấp công nghiệp và chuyển đổi cấu trúc kinh tế một cách toàn diện.
Lý thuyết này cho rằng, mỗi một quốc gia đều có thế mạnh về nguồn vốn, con người hay tài nguyên thiên nhiên khác nhau, và vì vậy lợi thế so sánh các ngành công nghiệp của mỗi nước tại một thời điểm cũng sẽ khác.
Chìa khóa để tăng trưởng bền vững là luôn luôn tận dụng và nâng cấp những lợi thế sẵn có, và từ đó biến các ngành công nghiệp tiềm năng sang những ngành có khả năng cạnh tranh thực tế, giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước liên tục học hỏi, làm chủ các công nghệ tiên tiến trên thế giới và lớn mạnh.
Lợi thế so sánh là khi một ngành có chi phí sản xuất thấp hơn và hiệu quả hơn so với các quốc gia khác. Cải thiện cơ sở hạ tầng cứng và mềm, sử dụng các chính sách ngành hiệu quả sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, giúp nền kinh tế đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nhà nước cần đóng vai trò đồng hành và hỗ trợ chiến lược cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp họ nâng cao năng lực sản xuất và khả năng học hỏi, ứng dụng công nghệ tiên tiến và dần chiếm lĩnh những ngành hoặc phân khúc có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc này sẽ giúp thay đổi cấu trúc kinh tế từ một nền sản xuất dựa vào tài nguyên thô sơ hay nhân công giá rẻ sang dựa trên khoa học, công nghệ cao và tổ chức sản xuất hiện đại.

Giáo sư Lâm Nghị Phu (ảnh trái): Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân tham gia vào ngành chiến lược nào và gỡ bỏ các rào cản.
“Nếu muốn tăng trưởng cao, thì bắt buộc phải liên tục tăng cường nâng cấp công nghiệp và công nghệ. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cơ cấu kinh tế”, ông nói.
“Một nền kinh tế đang thâm dụng cả vốn và lao động giá rẻ, nếu muốn chuyển sang nền kinh tế có thu nhập cao hơn thì phải tối đa hóa năng lực nội sinh để có thể cạnh tranh trên thị trường”, ông nói thêm.
Con đường của Trung Quốc
Giáo sư Lâm nhận xét, giai đoạn 1978–1980 tại Trung Quốc, và cuối thập niên 1980 đến 1990 ở Việt Nam, hai quốc gia đã có những cải cách phù hợp, tái cơ cấu nền kinh tế. Khi Nhà nước tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của thị trường, nhưng vẫn chủ động hỗ trợ nền kinh tế biến lợi thế so sánh tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh, thì lúc đó doanh nghiệp nội địa sẽ cất cánh.
Với Trung Quốc, đó là phát triển công nghệ. Trung Quốc vượt lên vì đã có những chính sách để du nhập, học hỏi và chuyển giao công nghệ, dần chiếm lĩnh năng lực sản xuất công nghệ lõi.
Trong khi đó, nhiều quốc gia rơi vào bẫy thu nhập trung bình vì họ không có bước chuyển kịp thời trong cơ cấu kinh tế. Họ không thay đổi phù hợp với tốc độ phát triển. Các nền kinh tế có thu nhập trung bình vẫn duy trì các ngành thâm dụng lao động, trong khi lẽ ra phải chuyển sang các ngành có lợi thế so sánh cao hơn.
Vậy chiến lược phát triển kinh tế theo lợi thế so sánh là gì? Giáo sư đặt câu hỏi và trả lời: Lợi thế tiềm năng nằm ở cơ sở hạ tầng cứng và mềm. Một nền kinh tế cạnh tranh cao nhất là khi sản xuất có hiệu suất cao nhất, có cấu trúc sở hữu tối ưu nhất.
Một quốc gia phát triển phải tận dụng được lợi thế của người đi sau – đó là khả năng học hỏi và phát triển công nghệ từ các quốc gia có thu nhập cao. Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, giữa các cơ quan hoạch định chính sách và các doanh nghiệp là rất quan trọng.
Yếu tố về giá cả, thị trường cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm – tất cả đều cần có vai trò hỗ trợ của nhà nước. Các doanh nghiệp tiên phong cần có sự phối hợp từ nhà nước để cải thiện cơ sở hạ tầng cứng và mềm. Vì vậy, vai trò của nhà nước là hỗ trợ doanh nghiệp đi đầu – hỗ trợ về pháp lý, cơ sở hạ tầng – đồng thời tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Cần thay đổi hành lang pháp lý để doanh nghiệp phát triển. Các quốc gia thành công không chỉ có kinh tế thị trường mà còn có vai trò tích cực và năng động của nhà nước để tạo điều kiện phát triển. Nhà nước phải là “kiến trúc sư” cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Nguồn lực là rất hạn chế, nên cần tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng – giúp những ngành đó phát triển thành ngành có lợi thế so sánh. Từ đó, những nguồn lực ít ỏi sẽ được sử dụng một cách hiệu quả, tạo ra lợi thế cạnh tranh thực chất.
“Tại sao tôi nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc nâng cao lợi thế cạnh tranh?”, ông đặt câu hỏi và giải thích: Vào thập niên 1970–1980, khi tôi trao đổi với các nhà kinh tế Trung Quốc, họ nói: “Tại sao nhà nước lại đầu tư vào các lĩnh vực mà họ không có lợi thế, không đủ nguồn lực tài chính, nhưng vẫn muốn phát triển các ngành đó?”. Chính vì vậy, họ không thành công. Còn các quốc gia phát triển thì thất bại là do quy mô dân số nhỏ, không tận dụng được quy mô thị trường.
Hậu quả của chính sách phát triển công nghiệp sai hướng là các doanh nghiệp trong nước không có sức sống thật sự trong nền kinh tế thị trường. Chi phí sản xuất tăng cao. Các công ty chỉ phát triển ở giai đoạn đầu nhờ sự bảo trợ của nhà nước, nhưng sau đó không thể trụ vững, không thể phát triển bền vững.
Lời khuyên cho Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đi sau, vì vậy có thể chọn những ngành có lợi thế cạnh tranh để tận dụng được công nghệ từ thế giới.
Có 5 nhóm ngành công nghiệp chính là ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, những ngành dẫn đầu thế giới, ngành đang mất dần lợi thế so sánh như nhân công rẻ, thâm dụng lao động, ngành “nhảy vọt” như AI, dữ liệu lớn.

Chìa khóa để Việt Nam đuổi kịp các quốc gia đi trước là tập trung phát triển doanh nghiệp tư nhân, đổi mới công nghệ, nâng cấp ngành nghề, cải cách thể chế. Ảnh: Nguyễn Huế
Ông cho rằng, Việt Nam có 100 triệu dân, nhiều nhân tài nên cần tận dụng nguồn nhân lực đó để đóng góp vào các ngành nhảy vọt, từ đó bứt phá trên bản đồ kinh tế thế giới.
Do vậy, Việt Nam cần xác định vai trò của khối tư nhân trong phát triển là cực kỳ quan trọng. Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân tham gia vào ngành chiến lược nào và gỡ bỏ các rào cản này.
Trong những ngành mà doanh nghiệp trong nước chưa làm được, Việt Nam nên thu hút FDI từ các quốc gia đã phát triển. Từ đó, ươm mầm cho doanh nghiệp trong nước phát triển theo hướng đó. Nhà nước cũng cần xác định quá trình phát triển của khối tư nhân, khuyến khích họ tự phát triển.
Trong những ngành chưa phát triển, cần có sự chuyển giao vốn và công nghệ từ FDI, thì mới tạo đà bứt phá. Nhà nước cần đóng vai trò trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, hướng đầu tư trong nước vào những ngành ưu tiên.
Chính phủ cũng nên xem xét cấp tín dụng cho các hoạt động đầu tư vào những ngành chiến lược.
Tất nhiên, ông nói, Việt Nam cần các chính sách giúp doanh nghiệp rút khỏi các ngành có ít lợi thế so sánh, ví dụ những ngành thâm dụng lao động.
Nhà nước cần hỗ trợ chuyển đổi sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, ví dụ như đào tạo lại người lao động ở Hà Nội hoặc TP.HCM để chuyển sang làm trong các ngành khác.
Hiện nay có một số ngành công nghệ mới mà Việt Nam có lợi thế, nhờ dân số đông và hệ thống đào tạo chuyên ngành đa dạng. Đây chính là lợi thế cạnh tranh để tham gia các ngành nhảy vọt. Đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ thông qua giáo dục là chiến lược quan trọng.
Giáo dục ở Việt Nam đang tiệm cận với các quốc gia phát triển. Lực lượng nhân sự được đào tạo tốt sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia trong tương lai.
Một số chính sách đối với các ngành chiến lược liên quan đến an ninh quốc gia và nội địa hóa có thể được hỗ trợ tài chính bởi nhà nước.
Tóm lại, Giáo sư cho rằng, Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí lao động. Chìa khóa để đuổi kịp các quốc gia đi trước là tập trung phát triển doanh nghiệp tư nhân, đổi mới công nghệ, nâng cấp ngành nghề, cải cách thể chế. Để thu hẹp khoảng cách và bứt phá tăng trưởng nhanh hơn cần nhập khẩu, mua các sáng chế, công nghệ để bắt kịp và vượt qua các quốc gia đi trước.
Ông nói: “Nếu Việt Nam tận dụng được lợi thế này thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn nhiều, từ đó vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia thu nhập cao. Đó là cách các quốc gia khác đã phát triển thành công”.
Xem lại kì 1: Giáo sư kinh tế Trung Quốc: Bẫy thu nhập trung bình không phải là ‘định mệnh’