Giáo dục truyền thống qua bảo tàng
Những năm qua, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế rất chú trọng đến chức năng giáo dục khoa học, tập trung vào các nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng và truyền thống yêu nước. Những di tích thuộc sự quản lý của Bảo tàng trở thành điểm đến thú vị, tạo được cảm hứng và học hỏi được rất nhiều điều hay.
Cảm nhận tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc
Hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế luôn đặt công tác giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước làm nhiệm vụ hàng đầu. Thông qua hệ thống trưng bày với hàng ngàn tư liệu, hiện vật gốc, cùng hệ thống di tích lịch sử, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế đã và đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình, trở thành trường học lịch sử cách mạng cho mọi thế hệ, đặc biệt là thanh niên.
Trong hơn 32.000 hiện vật hiện có, việc trưng bày của Bảo tàng đã tạo sự đồng bộ, kết nối. Giải pháp mỹ thuật và hình thức trưng bày tạo sự hấp dẫn thu hút khách tham quan; phục vụ tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của Nhân dân. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử cho các đối tượng học sinh, sinh viên và khách tham quan trong và ngoài nước. Trong các hình thức giáo dục công chúng của Bảo tàng, hướng dẫn tham quan trưng bày, triển lãm luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là hoạt động có mục đích rõ ràng về mặt chính trị, có hướng dẫn thuyết minh về nội dung, giá trị của hệ thống bộ sưu tập được trưng bày, nhờ đó đã “làm sống lại” các sự kiện, tăng sức hấp dẫn và những nội dung lịch sử.
ThS. Lê Thị Mai An, thuyết minh viên Bảo tàng Lịch sử TP. Huế cho hay, những hiện vật, di vật, bảo vật, tư liệu lịch sử được trưng bày trong Bảo tàng chứa đựng những giá trị tinh thần, yếu tố nội sinh lớn lao, có tác dụng hướng con người theo nhân cách chuẩn mực chung của xã hội. Việc giáo dục thế hệ thanh niên thông qua các hiện vật ở Bảo tàng những năm qua đã có tác động trực tiếp tới việc hình thành nhân cách, tới sự phát triển toàn diện của con người. Đây là động lực để giúp thế hệ thanh niên chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành công dân tốt, làm tròn trách nhiệm là những chủ nhân tương lai của đất nước, luôn trung thành với dân tộc, để không phụ sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh đã làm trong quá khứ.
Ngoài ra, theo chị Mai An, hiện Bảo tàng đang quản lý 14 di tích và mọi người đến tham quan các di tích lịch sử này sẽ cảm nhận được tình yêu với quê hương, lòng tự hào dân tộc. Di tích lịch sử là nơi “trưng bày” cụ thể, sinh động về quá khứ, truyền thống dân tộc, không chỉ giúp thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về lịch sử, mà còn là phương tiện để giáo dục tình yêu quê hương tha thiết, niềm tự hào chính đáng về nơi “chôn nhau cắt rốn”.
“Ví như khi tìm về Khu di tích lịch sử Chín Hầm sẽ giúp thế hệ thanh niên hiểu hơn về cốt cách, bản lĩnh, ý chí khát vọng giành độc lập và tự do của các chiến sĩ cách mạng nói riêng và các thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung. Nơi đây từng chứng kiến biết bao hy sinh, mất mát của các chiến sĩ và đồng bào yêu nước, tinh thần cách mạng, ý chí kiên định, không khuất phục khi đối mặt với bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn và bè lũ tay sai”, chị An chia sẻ.
Tạo được sự kết nối sâu sắc
Hàng năm, Bảo tàng tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm lưu động từ trong ra ngoài tỉnh (nay là thành phố) hay như tuyên truyền, giáo dục thông qua bài viết, trang website, fanpage…
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP. Huế cho biết, thời gian qua, các chương trình giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ thanh niên, đặc biệt là thế hệ học đường được Bảo tàng đặc biệt chú trọng. Thông qua các hoạt động nêu trên đã thu hút được sự hứng thú và quan tâm của đông đảo đoàn viên, thanh niên. Thời gian tới, Bảo tàng từng bước chuyển hướng hoạt động các chương trình giáo dục sang hình thức mới với sự hỗ trợ của khoa học – công nghệ.
Theo ông Lộc, sau khi chuyển về địa chỉ mới số 268 đường Điện Biên Phủ, Q. Thuận Hóa, đơn vị nghiên cứu biên soạn nội dung đề cương trưng bày cùng với đó xây dựng mô hình bảo tàng thông minh với sự hỗ trợ của khoa học - công nghệ. Trong đó thiết lập và lắp đặt hệ thống camera kết nối với các nền tảng trực tuyến như Zoom, Google Meet, và các ứng dụng tương tự để tổ chức các chương trình tham quan trực tuyến đối với những di tích lịch sử có vị trí xa, hay giới thiệu các chuyên đề, các cuộc triển lãm với các ứng dụng như trưng bày 3D, công nghệ thực tế ảo VR, công nghệ thực tế tăng cường AR.
“Việc tích hợp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ thực tế ảo VR và thực tế tăng cường AR không chỉ mang lại lợi ích về mặt giáo dục mà còn tạo ra những trải nghiệm thú vị và đầy cảm hứng. Đây là một hướng đi mà Bảo tàng đang hướng đến, giúp nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra sự kết nối sâu sắc giữa du khách, đặc biệt là đối tượng đoàn viên, thanh niên với lịch sử và văn hóa, đồng thời khuyến khích sự ham học và khám phá của các em”, ông Lộc nhận định.