Giáo dục quốc tế: Học phí leo thang

Lạm phát khiến nhiều quốc gia phải điều chỉnh học phí đại học, từ Anh, Mỹ đến Nhật Bản, Trung Quốc.

Sinh viên Anh có nguy cơ không thể trả học phí.

Sinh viên Anh có nguy cơ không thể trả học phí.

Các quyết định này không chỉ tạo áp lực cho sinh viên, mà còn đặt ra bài toán về chất lượng và tính bền vững của giáo dục đại học.

Tăng học phí sau 8 năm

Từ năm 2025, Anh sẽ tăng học phí đại học trong bối cảnh nước này phải đối mặt với nhiều khó khăn tài chính. Theo đó, năm học 2025 - 2026, học phí với sinh viên trong nước sẽ tăng từ 9.250 lên 9.535 bảng Anh, mức tăng đầu tiên sau 8 năm Anh đóng băng học phí.

Ông Kohei Itoh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tư thục Keio (Nhật Bản) lo ngại nếu lĩnh vực giáo dục đại học không được cải tổ, Nhật Bản sẽ giảm khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, các trường đại học cần thay đổi để tạo nên một nền giáo dục chất lượng cao. Và để làm được điều đó, họ sẽ cần rất nhiều tiền. Quan điểm của ông Itoh là sinh viên nên chia sẻ một phần chi phí nhất định với các trường đại học trong bối cảnh lạm phát và trong tương lai là mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong 3 năm tới, học phí dự kiến vượt ngưỡng 10 nghìn bảng mỗi năm. Bộ trưởng Giáo dục Anh, bà Bridget Philipsons, nhấn mạnh phương án tăng học phí nhằm đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho các trường đại học trong bối cảnh lạm phát, từ đó, các trường có thể đẩy mạnh đầu tư vào chất lượng giáo dục và nghiên cứu.

Theo phân tích của tổ Các trường đại học Anh (UUK), việc tăng học phí dựa trên lạm phát là bước đi quan trọng nhằm bảo đảm ổn định tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học sau nhiều năm giữ nguyên chi phí. Việc tăng học phí đồng thời đòi hỏi các trường phải đổi mới để đáp ứng các yêu cầu từ chính phủ, bao gồm tăng khả năng tiếp cận giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đối với sinh viên khó khăn.

Quyết định tăng học phí được nhiều trường đại học ủng hộ vì họ đang đối mặt với vấn đề tài chính nghiêm trọng. Theo báo cáo từ Russell Group, nhóm 24 trường đại học có thế mạnh về nghiên cứu tại Anh, trung bình các trường bị lỗ hơn 2,5 nghìn bảng/sinh viên trong nước. Một số lĩnh vực đào tạo có nguy cơ bị xóa sổ vì không đủ ngân sách để duy trì hoạt động và không thể thu hút sinh viên quốc tế.

Việc tăng học phí không chỉ phản ánh nhu cầu tài chính, mà còn liên quan đến duy trì chất lượng giáo dục. Trong những năm qua, do học phí trong nước giữ nguyên, các trường đã tăng nguồn thu bằng cách tăng học phí sinh viên quốc tế và dần dần, phụ thuộc vào nhóm này.

Tuy nhiên, chính sách hạn chế thị thực áp dụng từ năm 2024 đã khiến số lượng sinh viên quốc tế đến Anh giảm. Một số trường chứng kiến mức giảm 30%. Do đó, việc phụ thuộc vào nhóm sinh viên này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đào tạo và nghiên cứu của các trường.

UUK dự đoán việc tăng học phí sẽ mang lại thêm 1,4 tỷ bảng cho ngành giáo dục vào năm 2029 – 2030 nhưng chính phủ sẽ phải tăng thêm nguồn vay sinh viên cho những người khó khăn nhất. Đây cũng là một trong những thách thức mà lĩnh vực giáo dục đại học phải đối mặt khi học phí tăng.

Các khoản vay dành cho sinh viên có thể giúp nhóm này trang trải chi phí học tập nhưng không theo kịp tốc độ lạm phát. Do đó, các em có nguy cơ không đủ khả năng chi trả học phí và chi phí sinh hoạt. Theo tổ chức Cứu trợ Sinh viên, mỗi tháng, sinh viên thiếu hụt trung bình 504 bảng Anh dù đã được vay học phí. Con số này tăng gấp đôi so với 4 năm trước.

Trong khi đó, tác động của việc tăng học phí đến nợ sinh viên cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Trung bình, một sinh viên tốt nghiệp tại Anh sẽ gánh khoản nợ khoảng 51 nghìn bảng, bao gồm học phí và các khoản vay bảo trì. Các chuyên gia tài chính cho rằng với ngưỡng hoàn trả thấp hơn và thời hạn trả nợ kéo dài đến 40 năm, việc tăng học phí có thể khiến nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bỏ học.

Dù vậy, tấm bằng đại học sẽ có giá trị cao hơn, giúp sinh viên kiếm được việc làm tốt hơn. Theo báo cáo từ Chính phủ Anh, giáo dục đại học không chỉ là động lực cho sự đổi mới, mà còn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, để đảm bảo giáo dục đại học tiếp tục phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, chính phủ cần đưa ra chính sách dài hạn và toàn diện hơn. Việc tăng học phí chỉ là bước khởi đầu và cần những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ chất lượng giáo dục lẫn tính bền vững tài chính cho các trường đại học.

 Anh tăng học phí sau 8 năm đóng băng.

Anh tăng học phí sau 8 năm đóng băng.

Cải thiện chất lượng giáo dục

Tương tự Vương quốc Anh, từ cuối năm 2024, nhiều trường đại học Nhật Bản đã “rục rịch” tăng học phí. Đơn cử, Đại học Tokyo, trường tốp đầu tại Nhật Bản, đang cân nhắc tăng học phí của sinh viên trong nước thêm 640 USD mỗi năm so với tiêu chuẩn.

Hiện nay, sinh viên đến từ gia đình có thu nhập dưới 25 nghìn USD mỗi năm đủ điều kiện được miễn hoàn toàn học phí. Nhưng theo kế hoạch mới, điều kiện thu nhập gia đình sẽ nâng lên thành 38 nghìn USD.

Sinh viên đến từ gia đình có thu nhập dưới 57.250 USD sẽ được miễn một phần học phí, tùy thuộc vào chương trình học. Nếu được thông qua, quy định mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2025, 20 năm kể từ lần cuối cùng nhà trường thay đổi học phí.

Trong cuộc họp của Hội đồng Giáo dục Trung ương Nhật Bản hồi tháng 5/2024, Hiệu trưởng Trường Đại học Tư thục Keio, ông Kohei Itoh, đã đề nghị tăng học phí tiêu chuẩn của các trường đại học quốc gia từ 3.400 USD lên 9.600 USD.

Ông đánh giá học phí của các trường công lập rẻ hơn so với các trường tư. Còn Đại học Nghệ thuật Musashino sẽ tăng học phí đối với sinh viên quốc tế từ năm 2025. Khoản học phí tăng thêm trị giá 2.500 USD trong khi trước đó, học phí quốc tế và trong nước ngang bằng nhau.

Bất kể tăng học phí đối với sinh viên trong hay ngoài nước, phương án của các trường đại học Nhật Bản cũng vấp phải phản đối mạnh mẽ. Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học phí trung bình hằng năm của các trường đại học quốc gia và đại học công lập tại Nhật Bản cao thứ 5 trong 35 quốc gia thành viên.

Anh đứng đầu danh sách với mức học phí hơn 12 nghìn USD, Mỹ hơn 9 nghìn USD, Hàn Quốc gần 5 nghìn USD, theo sau là Pháp với 230 USD. Ở một số quốc gia như Phần Lan, Thụy Điển, giáo dục đại học là miễn phí.

Tuy mức học phí chưa phải đắt đỏ, 51% hộ gia đình Nhật Bản phải chịu gánh nặng giáo dục đại học, theo sau là khu vực công 36% và khu vực tư nhân 13%. Con số này cao hơn gần 30 điểm phần trăm so mức trung bình 22% của các quốc gia thành viên OECD. Trong khi đó chi tiêu công của chính phủ dành cho giáo dục đại học thì nằm ở mức thấp.

Trước bối cảnh lạm phát gây khó khăn tài chính, nhiều hộ gia đình sẽ không thể trang trải học phí cao. Còn với sinh viên quốc tế, nhiều người chọn Nhật Bản vì chi phí học tập phải chăng khi so sánh với các quốc gia như Anh, Mỹ, Australia… Việc nước này tăng học phí sẽ khiến sinh viên quốc tế chuyển hướng học tập ở những quốc gia có chi phí rẻ hơn.

Bên cạnh Nhật Bản, Trung Quốc đã tăng học phí đối với sinh viên trong nước từ năm 2023 trong bối cảnh giáo dục đại học phát triển mạnh mẽ, chất lượng vươn tầm quốc tế. Nhiều trường đại học hàng đầu Trung Quốc hiện nằm trong top 10 trường đại học tốt nhất thế giới. Trung Quốc đang trở thành điểm đến du học hấp dẫn tại châu Á nên các học giả dự đoán, nước này có thể sẽ triển khai tăng học phí với sinh viên quốc tế.

Việc tăng học phí tại Trung Quốc phần lớn đến từ nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu. Hiện nay, mức học phí tại các trường đại học Trung Quốc dao động từ 2 - 11 nghìn USD/năm.

Cân bằng chi phí và giáo dục

Đi ngược lại với xu thế chung, từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một trong những trường tốt nhất thế giới, sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Điều này giúp nhiều sinh viên có cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao mà không lo lắng về chi phí. Chương trình tài trợ mới không chỉ miễn học phí, mà còn hỗ trợ chi trả các khoản khác như nhà ở, ăn uống, lệ phí và sách vở đối với các gia đình có thu nhập dưới 100 nghìn USD. Tiền tài trợ trích từ ngân sách của trường.

Việc tăng trưởng viện trợ tài chính đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược của MIT nhằm đảm bảo tất cả sinh viên đều có thể học tập mà không phải lo ngại về tài chính. Với khoản viện trợ tài chính trị giá 167,3 triệu USD trong năm nay, MIT đã tăng cường hỗ trợ khoảng 70% cho sinh viên so với một thập kỷ trước.

MIT cam kết tiếp tục cung cấp cơ hội giáo dục cho sinh viên giỏi nhất trên thế giới mà không phân biệt hoàn cảnh tài chính. Nhà trường hy vọng chính sách này sẽ giúp mọi người nhận thức rõ hơn về khả năng chi trả khi theo học tại trường.

Thông báo của MIT đã được các chuyên gia giáo dục ủng hộ. Trong bối cảnh lạm phát và tác động từ dịch Covid-19, một bộ phận thanh thiếu niên Mỹ không còn hứng thú với việc học đại học và họ cho rằng tấm bằng này có giá trị thấp hơn so với mức phí phải trả. Phương án của MIT sẽ giúp hỗ trợ tài chính cho những sinh viên xuất sắc dù ở bất kì hoàn cảnh nào.

Theo dữ liệu cuối năm 2024 của tổ chức Giáo dục CollegeBoard, Mỹ là quốc gia có chi phí giáo dục đại học thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Dù học phí đã giảm nhẹ trong những năm gần đây, sinh viên phải đối mặt với nhiều chi phí khác như sinh hoạt phí, đồ dùng học tập, di chuyển.

Chính phủ Anh nhấn mạnh việc tăng học phí phải đi đôi với các cải cách nhằm bảo đảm giá trị đồng tiền và sự bền vững tài chính. Điều này bao gồm việc tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các đổi mới trong giảng dạy và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các trường đại học với các cơ sở giáo dục thường xuyên. Các trường cũng được kì vọng nâng cao chất lượng giảng dạy và thúc đẩy các trường đại học hỗ trợ nhiều hơn cho các sáng kiến đổi mới.

Phạm Khánh (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-quoc-te-hoc-phi-leo-thang-post715429.html
Zalo