Hỏi - đáp pháp luật: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí nào?
* Bạn đọc Nguyễn Hùng Khương ở phường 5, quận 3, TP Hồ Chí Minh, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể như sau:
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
a) Bên trái đường một chiều;
b) Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc mà tầm nhìn bị che khuất;
c) Trên cầu, trừ những trường hợp tổ chức giao thông cho phép;
d) Gầm cầu vượt, trừ những nơi cho phép dừng xe, đỗ xe;
đ) Song song cùng chiều với một xe khác đang dừng, đỗ trên đường;
e) Cách xe ô tô đang đỗ ngược chiều dưới 20 mét trên đường phố hẹp, dưới 40 mét trên đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường;
g) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
h) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;
i) Điểm đón, trả khách;
k) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ra, vào;
l) Tại nơi phần đường có chiều rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới;
m) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
n) Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông;
o) Trên đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, vỉa hè trái quy định của pháp luật.
* Bạn đọc Phạm Tùng Dương ở xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng cần đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn gì thì mới được áp dụng chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 179/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:
Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng đáp ứng một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên tại cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật Thanh niên (thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi) tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển;
b) Sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật Thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và thuộc một trong các trường hợp đạt thành tích cá nhân sau:
Đoạt giải ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đoạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học) và khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ) trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông;
Đoạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học-kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông hoặc bậc đại học;
Đoạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Cơ học, Tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
c) Người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học tại cơ sở giáo dục trong nước, trong độ tuổi theo quy định của Chính phủ về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển.