Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về giáo dục

Phát triển giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phát triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới… Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc…

Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng chào đón các nhà giáo tiêu biểu năm 2024 tại trụ sở Chính phủ. (Ảnh: MOET)

Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng chào đón các nhà giáo tiêu biểu năm 2024 tại trụ sở Chính phủ. (Ảnh: MOET)

Năm quan điểm về giáo dục

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục quán triệt các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kết luận số 91-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Trong đó, nhấn mạnh, tập trung các quan điểm chỉ đạo.

Cụ thể, phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò động lực then chốt để phát triển đất nước. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển, cần được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực khác, tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia, đóng góp cho phát triển giáo dục.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, đặc biệt là năng lực đổi mới và sáng tạo của người học. Thực hiện tốt nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội.

Giáo dục và đào tạo là vì con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập và học thường xuyên, học suốt đời. Phát triển giáo dục bảo đảm cân đối về số lượng, chất lượng; hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề.

Chủ động hội nhập quốc tế và tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để hiện đại hóa giáo dục. Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là: Phát triển giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phát triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, chủ động tham gia và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ; chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Phát triển hệ thống giáo dục mở, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

Hoàn thành phổ cập cho trẻ mầm non

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 với giáo dục mầm non là tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 38% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo.

Phấn đấu có 99,5% trẻ em mầm non đến trường được học 2 buổi/ngày. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục được nâng cao, đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị vào học lớp 1.

Phấn đấu tỷ lệ trường mầm non dân lập, tư thục đạt 30%, số trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đạt 35%. Phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 100%; có trên 65% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2

Giáo dục phổ thông duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; 75% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 60% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở đạt 97%; tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,7%, trung học cơ sở đạt 99% và hoàn thành cấp trung học phổ thông đạt 95%; tỷ lệ chuyển cấp từ tiểu học lên trung học cơ sở đạt 99,5%, từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông và các trình độ khác đạt 95%; 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Phấn đấu số cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5% và số học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5,5%.

Phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông đạt 100%; có 70% trường tiểu học, 75% trường trung học cơ sở và 55% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Giáo dục đại học, số sinh viên đại học/vạn dân đạt ít nhất là 260, tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm độ tuổi 18 - 22 đạt ít nhất 33%, tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam đạt 1,5%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%. Dịch chuyển cơ cấu trình độ và ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%.

Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn. Phấn đấu 100% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các chu kỳ kiểm định phù hợp.

Số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm. Có ít nhất 05 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 05 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á; Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.

Đối với giáo dục thường xuyên, phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt 99,15%; trong đó tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 - 60 ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 98,85%. Có 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Triển khai mô hình thành phố học tập trên toàn quốc; có ít nhất 50% huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận danh hiệu huyện/thành phố học tập và 35% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận danh hiệu tỉnh, thành phố học tập. Phấn đấu có 10 đơn vị hành chính tham gia vào Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030...

Bộ Giáo dục và Đào tạo được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các địa phương cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, nhiệm vụ 5 năm, hằng năm; xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án về phát triển giáo dục theo phân cấp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá việc triển khai Chiến lược. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết 10 năm về tình hình thực hiện Chiến lược, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các cấp học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân; triển khai các quy định của Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục đại học; tổ chức thực hiện tham chiếu các trình độ giáo dục đại học trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) và các khung trình độ quốc gia khác.

10 nhiệm vụ, giải pháp

10 nhiệm vụ, giải pháp được đề cập trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm: Hoàn thiện thể chế; Đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; Thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; Tăng cường hội nhập quốc tế.

Phương Uyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chien-luoc-phat-trien-giao-duc-den-nam-2030-tam-nhin-den-2045-day-manh-hoan-thien-the-che-ve-giao-duc-post537435.html
Zalo