Giành lại sự sống từ tình yêu và niềm vui con chữ

Trong lực lượng nhà lý luận phê bình trẻ những năm gần đây, Hoàng Thụy Anh (Quảng Bình) thể hiện một tiếng nói cá tính với lối khai thác, chắt lọc hành trình tác giả, tác phẩm. Nhân tập 'Tiểu luận - Phê bình' của chị ra mắt sau những ngày giành giật sự sống cùng căn bệnh ác tính, PV Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với Hoàng Thụy Anh.

 Nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh

Nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh

+ Là con gái của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, năng lượng và tình yêu với văn chương có lẽ đã đến với chị từ rất sớm?

Tôi còn nhớ một kỷ niệm với nhà thơ Phùng Quán. Lúc đó, nhà tôi ở Huế, trong một căn phòng không đủ to nhưng bạn bè trong giới văn nghệ sỹ của ba tôi hay ghé chơi và ở lại. Những năm sáp nhập tỉnh Bình Trị Thiên, tôi học trường Thống Nhất (lúc bấy giờ cả cấp 1 và cấp 2) ngay sau khu tập thể 33 Nguyễn Chí Diễu.

Tôi được ba đưa đi chơi nhiều nơi, được nghe các bác, các chú, các cô, các dì nói chuyện văn thơ. Nhà thơ Phùng Quán thỉnh thoảng ghé nhà tôi. Có lần, ông đọc tôi nghe bài thơ Chán chộ, mà đến bây giờ tôi vẫn thuộc: "Mới bước chân ra/ Anh đà quay lại/ Mặt em anh chộ cả ngày/ Anh không chán răng anh? Nói chi mà lạ rứa em/ Có khi mô con chim bay chán trời xanh/ Con cá lội chán nước/ Ngọn lửa chán củi cành?…".

Một hôm ông nói với tôi: "Cháu tập làm thơ nhé!". Tôi lúc đó cũng hồn nhiên trả lời: "Sáng mai ông ngủ dậy, cháu sẽ gửi ông bài thơ cháu làm ạ!". Đêm đó, tôi nằm mà cứ suy nghĩ về bài thơ. Sáng sớm, tôi lật đật dậy viết một bài thơ gửi ông.

Giờ tôi không nhớ tôi đã viết gì, chỉ nhớ ông xoa đầu bảo: "Sau này cháu theo nghề của ba cháu nhé!". Đây là kỷ niệm đầu tiên của tôi. Sau này lên cấp 3, tuổi mộng mơ, tôi cũng tập làm thơ và tự chép trong cuốn sổ tay của mình.

Tình yêu văn chương đã đưa đẩy tôi trở thành cô giáo dạy Văn ở một trường cấp 3, rồi dần dần, tôi về làm biên tập viên ở tạp chí Nhật Lệ. Thế đó, cái gì cũng có cú hích. Với tôi, đây là cú hích mà tôi nhớ mãi, dẫu lúc đó chỉ là một đứa bé học lớp 3, lớp 4.

Tác phẩm mới của Hoàng Thụy Anh

Tác phẩm mới của Hoàng Thụy Anh

+ Sáng tác và đọc sách là một sở thích nhưng viết lý luận phê bình văn học chưa bao giờ là dễ dàng. Từ bao giờ và vì đâu chị đến và gắn bó với công việc này?

Duyên với thơ đến sớm. Nhưng duyên với phê bình lại đến muộn hơn. Tôi đi dạy vài năm rồi học tiếp thạc sĩ chuyên ngành lý luận phê bình. Trong quá trình học, tôi đã viết nhiều bài phê bình đăng tại một số tờ như Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Tạp chí Ngôn ngữ, báo Văn nghệ… và một số tờ báo địa phương.

Cô giáo Trần Huyền Sâm đã hướng dẫn tôi làm luận văn, điều quá đỗi thú vị và bất ngờ, cô bảo tôi viết về ba tôi. Thế là tôi tập trung viết về hành trình sáng tác thơ của ba. Con gái viết về ba, hẳn ai cũng nghĩ dễ, vì kiểu gì ba cũng gợi ý cho con. Nhưng quả thực, trong quá trình viết, tôi không trao đổi hay hỏi vì sao ba viết thế này thế kia.

Thỉnh thoảng, tôi có hỏi ba về những cuốn sách, những bài ba viết, những bài họ viết về ba, nói ngắn hơn, là tôi hỏi ba về tư liệu. Bởi lẽ, ý tưởng giữa người sáng tác và người phê bình đâu phải lúc nào cũng trên cùng một đường. Tôi muốn hiểu ba qua góc nhìn của tôi. Thường viết xong chương nào tôi đưa ba đọc chương đó.

Vì với tôi, lúc này, ba như người bạn văn của tôi. Có lần ba xúc động nói, ba không ngờ con lại phát hiện, diễn giải những điều mà ba không hề nghĩ đến khi viết. Hai năm học, nhờ sự động viên của cô Trần Huyền Sâm, tôi đã in cuốn chuyên luận đầu tay "Thơ Hoàng Vũ Thuật - nhìn từ thi pháp học Roman Jakobson".

Có thể nói, nếu không có cô Huyền Sâm, chắc gì tôi đã dấn thân vào viết phê bình. Sau cuốn sách này, tôi hăng say miệt mài với phê bình. Lâu dần cũng bị nghiện. Dẫu nhiều nhọc nhằn của cuộc sống, tôi vẫn dành thời gian cho viết. Tôi thức đêm nhiều hơn. Tất nhiên, về sau, cái giá của sự tự đày ải trên "cánh đồng" chữ nghĩa đối với tôi quá nghiệt ngã.

+ Dường như chính vì viết như để tự sự, như một nhu cầu tự thân, sáng tác thơ của Hoàng Thụy Anh không lệ thuộc vào bất cứ một thể thức nào?

Tôi thường làm thơ tự do. Những nơi nào đến và đi, tôi đều viết. Tôi viết cho nỗi lòng của mình. Bởi, không viết ra được lại có cảm giác như bị đè nén. May thay, những khi "đau đầu" với phê bình, tôi thư giãn bằng thơ. Có khi tôi viết ngay trên đường đi công tác.

Trong lực lượng nhà lý luận phê bình trẻ những năm gần đây, Hoàng Thụy Anh thể hiện một tiếng nói cá tính với lối khai thác, chắt lọc hành trình tác giả, tác phẩm

Trong lực lượng nhà lý luận phê bình trẻ những năm gần đây, Hoàng Thụy Anh thể hiện một tiếng nói cá tính với lối khai thác, chắt lọc hành trình tác giả, tác phẩm

Có khi đang chạy xe cũng dừng lại gõ trên điện thoại kẻo sợ quên. Nếu bạn thấy tôi dừng nơi nào đó, mặt chăm chú vào điện thoại, tay bấm liên tục, ấy là lúc cảm xúc đang dâng trào. Còn đêm đang ngủ mà bật dậy viết thì cũng không lạ gì với giới văn nghệ sỹ, bệnh trời đày mà, biết sao được! Tôi cũng không ngoại lệ.

+ Được biết vài năm trước, chị trải qua biến cố lớn, giữa lằn ranh sinh tử, và khi trở lại, điều đó không bứt chị khỏi sáng tác và phê bình văn học. Đâu là động lực quan trọng cho chị những ngày tháng khó khăn ấy?

Bạn đang trả lời giùm tôi rồi đó. Nhờ thơ và kể cả phê bình, tôi đã tự đứng dậy. Ơn giời, giời lấy đi phần nào đó sự sống của tôi nhưng cũng cho tôi chìa khóa để lấy lại sự sống ấy. Và tôi đã lấy lại sự sống bằng tình yêu và niềm vui con chữ.

Còn nhớ những ngày ở bệnh viện, nhìn mọi người đi qua đi lại trò chuyện, lòng thèm được như họ đến lạ! Khao khát lắm! Cứ lẩm nhẩm giá như, giá như…

Rồi nước mắt lăn dài. Lăn dài. Nhưng buồn chán rồi thì phải biết lấy lại tinh thần, chứ sao có thể nằm đó mà buồn lê thê. Lòng tự nhủ vậy. Và tôi đã tạo niềm vui cho mình bằng sự trở lại của những con chữ. Nghĩ ra ý tưởng gì thì gõ ngay trên điện thoại.

Lúc đi lại được, tôi đọc và chỉnh sửa bản thảo chuyên luận "Nhã nhặn của phi lý - nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê". Bác sĩ nhìn thấy tôi cười, bệnh nhân còn nhiệt huyết thế này thì sẽ nhanh lành bệnh thôi! Và tất nhiên, tôi cũng nhâm nhi một số cuốn để tự cứu rỗi cõi lòng mình, trong đó có cuốn "Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi" của thầy Thích Nhất Hạnh.

+ Là một thành viên của Ban Nhà văn Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam, chị còn giàu nhiệt tâm với sáng tác của các tác giả mới, tác giả trẻ. Chị đánh giá như thế nào về các nữ tác giả triển vọng những năm gần đây?

Hiền Trang, Trang Thụy, Nguyễn Khắc Ngân Vi, Minh Anh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Hương Giang, Phùng Thị Hương Ly, Thảo Nguyên, Lệ Hằng, Lâm Phương Lan, Thảo Trang, Đặng Thùy Tiên… là những cây bút tôi quan tâm và theo dõi.

Theo góc nhìn của tôi, họ ít nhiều định hình được tiếng nói, giọng điệu riêng. Họ thực sự chuyên tâm, dành mọi tâm huyết, trí tuệ và cảm xúc cho sáng tạo.

Lấy dẫn chứng từ Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tại thành phố Đà Nẵng, có thể thấy không ít cây bút nữ đã tăng tốc và đang nỗ lực minh chứng con đường đi của mình. Ví như Lệ Hằng, lúc đó đã viết nhiều thể loại như thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu luận phê bình.

Sau Hội nghị, chị liên tục ra nhiều sách và giành không ít giải thưởng. Hiền Trang, Nguyễn Khắc Ngân Vi viết khá chắc chắn, mấy tập sách gần đây được nhiều bạn đọc yêu thích, tin tưởng. Tôi đặc biệt ấn tượng với giọng điệu và lối tư duy già dặn của Nguyễn Khắc Ngân Vi.

Trang Thụy mới ra tập truyện đầu tay cũng tạo được dấu ấn về giọng điệu sắc lẻm. Phùng Thị Hương Ly vừa đoạt Giải thưởng Tác giả Trẻ năm 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam ở lĩnh vực thơ. Đây là tác giả nữ thứ hai giành được giải thưởng này, trước đó là Vũ Thị Trang với một cuốn chuyên khảo, dù từng vướng không ít lùm xùm liên quan đến bản quyền.

Hay như Minh Anh, 17 tuổi, cô đã giành giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023 với tập thơ song ngữ. Điểm xuyết như vậy cũng đủ thấy họ là những cây bút bản lĩnh, dấn thân và đầy trách nhiệm. Và tôi tin họ sẽ tiếp tục đi, đi vững chắc trên con đường sáng tạo.

+ Cảm ơn nhà phê bình Hoàng Thụy Anh với những chia sẻ rất chân tình và thẳng thắn! Chúc chị một chặng đường mới với nhiều điều bình an, tốt lành!

Hoàng Thụy Anh, sinh năm 1979, Ủy viên Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam, hiện làm việc tại Tạp chí Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Chị vốn là một cây bút chắc tay cả mảng lý luận phê bình và sáng tác thơ. Chị có 8 tác phẩm đã được xuất bản, gần đây nhất là chuyên luận "Nhã nhặn của phi lý - nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê". Hoàng Thụy Anh đã được trao các giải thưởng: Giải A và Giải B tặng thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư lần thứ V và thứ VI, Giải C của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2016, một số tặng thưởng của các Tạp chí Văn nghệ địa phương, gần đây nhất là Giải Ba cuộc thi "Thơ Huế 2023" do Tạp chí sông Hương tổ chức.

Yên Hà (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gianh-lai-su-song-tu-tinh-yeu-va-niem-vui-con-chu-20250521114915815.htm
Zalo