Điện lưới quốc gia mang tri thức đến với người dân thôn Vàng On

Sau hơn 30 năm chờ đợi, hơn 100 hộ đồng bào người dân tộc Mông, Dao ở thôn Vàng On (xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã được hưởng ánh sáng từ điện lưới quốc gia. Điện lưới hứa hẹn sẽ mang đến cơ hội để người dân thôn Vàng On vượt lên đói nghèo, lạc hậu.

 Lễ đóng điện công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho thôn Vàng On.

Lễ đóng điện công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho thôn Vàng On.

Hơn 30 năm chờ điện

Vàng On một trong những thôn bản xa xôi, khó khăn nhất của xã 135 Trung Minh. Chia sẻ với Báo PNVN, Trưởng thôn Vàng On Giàng Seo Sính cho biết, thôn Vàng On được thành lập năm 1993 và hiện có 105 hộ đồng bào người dân tộc Mông, Dao sinh sống. Trong đó, dân tộc Mông là đa số với tỷ lệ khoảng 80% dân số toàn thôn.

"Thôn nằm ở cách xa trung tâm huyện, địa hình chủ yếu là đồi, núi, cơ sở hạ tầng, giao thông vẫn chưa được đồng bộ nên việc đi lại, giao thương với bên ngoài rất khó khăn. Đặc biệt, cũng vì cách trở đường xa nên từ khi thành lập đến nay, người dân thôn Vàng On vẫn chưa biết đến điện lưới quốc gia", ông Sính chia sẻ.

Cũng theo ông Sính, do điện lưới chưa về đến Vàng On nên để có điện sinh hoạt, những gia đình ở trung tâm thôn phải dự dựng cột tre, mua dây kéo điện từ trung tâm xã về. Những gia đình ở sâu trong thôn, không còn cách nào khác là phải dùng máy phát đặt dưới suối hoặc dùng pin năng lượng mặt trời để có điện.

Tuy nhiên, nguồn điện nhỏ này chỉ thắp sáng được những bóng đèn nhỏ chứ chẳng thể xua tan đêm đen tồn tại hàng chục năm của người dân thôn Vàng On. Việc tự dựng cột tre, mua dây tự kéo điện về các hộ dân cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mỗi khi có mưa gió, thiên tai.

Không có điện cũng đồng nghĩa với việc người dân ở thôn Vàng On hầu như không được tiếp cận đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật để phục vụ công cuộc sản xuất, phát triển kinh tế.

"Có lẽ chính bởi thế nên Vàng On hiện là thôn đặc biệt khó khăn của xã Trung Minh với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 75% (cao nhất toàn xã). Đời sống người dân cơ cực, trẻ nhỏ không được học hành đầy đủ", ông Sính thông tin thêm.

Cuối tháng 1/2025, người dân thôn Vàng On lần đầu tiên được sử dụng điện lưới quốc gia.

Cuối tháng 1/2025, người dân thôn Vàng On lần đầu tiên được sử dụng điện lưới quốc gia.

Điện lưới mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân

Đối với xã Trung Minh là như thế, còn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, thôn Vàng On cũng là địa điểm cuối cùng chưa có điện lưới quốc gia. Chính vì thế, việc đưa điện về thôn Vàng On để hoàn thành mục tiêu 100% thôn trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia được các cấp, ngành của tỉnh Tuyên Quang rất quan tâm.

Và vào thời điểm cuối tháng 1/2025, Lễ đóng điện công trình đường dây và trmaj biến áp cấp điện cho thôn Vàng On thành công đã mở ra một dấu mốc quan trọng đối với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi đây.

Công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho thôn Vàng On thuộc dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013 - 2020 được khởi công xây dựng ngày 28/5/2024.

Công trình với quy mô xây dựng hơn 5 km đường dây 35kV; lắp đặt 2 trạm biến áp, tổng công suất 175kVA-35/0,4kV; xây dựng hơn 11km đường dây 0,4kV và lắp đặt 145 công tơ cấp điện cho các hộ dân và trường học, nhà văn hóa có tổng mức đầu tư 13,5 tỷ đồng do Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư.

Ông Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong quá trình thi công xây dựng công trình, mặc dù gặp nhiều khó khăn về địa hình và giao thông, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn, công trình đã hoàn thành trong thời gian nhanh nhất.

"Công trình hoàn thành trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 mang rất nhiều ý nghĩa, từ đây nhân dân thôn Vàng On được sử dụng điện lưới quốc gia để sản xuất, phục vụ đời sống, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng một cách bền vững; đồng thời thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn", ông Tiến cho biết.

Hơn 4 tháng sống dưới ánh sáng của điện lưới quốc gia, ông Tráng Trưởng Lương (người dân tộc Mông ở thôn Vàng On) chia sẻ bản thân như được tiếp cận thêm nhiều tri thức mới.

"Trước đây không có điện, việc phát triển kinh tế cũng như tiếp nhận thông tin gặp rất nhiều khó khăn, những vật dụng như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện… thật xa lạ với bà con. Từ ngày có điện lưới, cuộc sống của bà con đã đổi thay, tiện nghi hơn, trẻ con học hành cũng tiến bộ hơn. Được tiếp cận những thông tin qua ti vi, mạng internet…, người dân được mở mang kiến thức, thay đổi tư duy xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hơn", ông Lương cho biết.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 58,876 km đường dây 35kV, 24 trạm biến áp, 86,7 km đường dây hạ thế cấp điện cho trên 4.000 hộ dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, với tổng mức đầu tư gần 114 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Những công trình này gồm: Công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho các xã: Đạo Viện, Tiến Bộ, Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn); Trung Hà, Xuân Quang, Tri Phú, Tân Mỹ (Chiêm Hóa); Sơn Phú (Na Hang); Yên Phú, Yên Thuận (Hàm Yên).

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% các thôn, bản trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Ngọc Ánh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dien-luoi-quoc-gia-mang-tri-thuc-den-voi-nguoi-dan-thon-vang-on-20250524230359929.htm
Zalo