'Bảo tàng mở' bên suối Hội Phú

Dự kiến vào giữa tháng 8-2025, 14 tác phẩm đặc sắc của Trại sáng tác điêu khắc 'Đất và người Gia Lai' sẽ ra mắt công chúng tại Khu đô thị suối Hội Phú, TP. Pleiku. Không chỉ làm đẹp cho không gian thơ mộng, cụm tác phẩm trưng bày tại 'bảo tàng mở' này còn cất lên tiếng nói của bản sắc đô thị.

 Phác thảo tác phẩm “Thượng nguồn” của tác giả Phan Thanh Tú.

Phác thảo tác phẩm “Thượng nguồn” của tác giả Phan Thanh Tú.

Ý tưởng về một vườn tượng nghệ thuật giữa lòng phố núi đã được nhà điêu khắc Nguyễn Vinh-Phó Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai ấp ủ từ nhiều năm qua. Khi đó, anh khẳng định có thể vận động các điêu khắc gia có tiếng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước gửi tác phẩm hưởng ứng nếu có quy hoạch bài bản cho “bảo tàng mở” này.

Không nhiều người nghĩ rằng ý tưởng đó của anh sẽ thành hiện thực cho đến sáng 17-5, khi Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức Hội đồng xét chọn mẫu phác thảo của Trại sáng tác điêu khắc “Đất và người Gia Lai” mà Nguyễn Vinh là một thành viên.

Nhiệm vụ của Hội đồng là chọn ra 14 mẫu phác thảo đảm bảo các yếu tố văn hóa, mỹ thuật, hài hòa với không gian đô thị... để thi công, trưng bày tại Khu đô thị suối Hội Phú (đoạn từ cầu Nguyễn Tri Phương đến chùa Minh Thành). Việc thi công tác phẩm sẽ diễn ra từ ngày 20-5 đến 15-8 từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Chủ tịch Hội đồng xét chọn-cho biết: Bằng uy tín cá nhân, nhà điêu khắc Nguyễn Vinh cùng với Hội kết nối, vận động nhiều nhà điêu khắc tại khu vực miền Trung và miền Nam tham gia trại sáng tác. Số tác giả hưởng ứng tăng từ 25 lên 34; số lượng phác thảo cũng tăng từ 30 lên 54. Chính vì vậy, Hội đồng xét chọn phải hết sức cân nhắc để chọn ra được những tác phẩm xuất sắc, thể hiện đặc trưng của đất và người Gia Lai cũng như đặc trưng của một đô thị cao nguyên.

 Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh (phải) cùng các thành viên Hội đồng xét duyệt chọn ra những phác thảo xuất sắc nhất. Ảnh: P.D

Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh (phải) cùng các thành viên Hội đồng xét duyệt chọn ra những phác thảo xuất sắc nhất. Ảnh: P.D

Đáng chú ý, tham gia trại sáng tác có những tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam như: Trần Việt Hà-người vừa đạt giải nhất giải thưởng mỹ thuật “50 năm thống nhất-Xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh”; Châu Trâm Anh-giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi và triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc…

Tại buổi xét chọn, phác thảo “Hoàng hôn trên Biển Hồ” của nhà điêu khắc Trần Việt Hà được Hội đồng đánh giá cao bởi khái quát tài tình vẻ đẹp của “đôi mắt Pleiku” bằng hình khối nhịp nhàng, bay bổng như một áng mây. Phác thảo “Qua miền sử thi” của nhà điêu khắc Châu Trâm Anh cũng dùng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình dẫn dắt người xem đến với thế giới huyền sử qua những lời kể khan của già làng bên bếp lửa, hay tiếng âm vang cồng chiêng.

Đặc trưng đất và người Gia Lai cũng được khai thác sâu qua các phác thảo tác phẩm: Bóng cây kơ nia (Nguyễn Văn Huy), Mặt trời trên lưng mẹ (Đoàn Xuân Hùng), Mẹ Bahnar (Trần Thiện Nhứt), Huyền sử Tây Nguyên (Nguyễn Thế Trường), Thiếu nữ bên chim Chơ rao (Võ Ngọc Lân), Mắt Biển Hồ (Lê Trọng Nghĩa), Sơn nữ (Hà Văn Sáu)…

Riêng nhà điêu khắc Nguyễn Vinh góp mặt với phác thảo “Mái nhà Tây Nguyên” lấy ý tưởng từ văn hóa cồng chiêng. Vừa dùng mảng khối hiện đại kết hợp điêu khắc truyền thống, anh gửi gắm niềm tin về sự gắn kết, chung tay xây dựng Tây Nguyên giàu bản sắc với không gian xanh hấp dẫn du khách.

 Phác thảo tác phẩm "Hoàng hôn trên Biển Hồ" của nhà điêu khắc Trần Việt Hà.

Phác thảo tác phẩm "Hoàng hôn trên Biển Hồ" của nhà điêu khắc Trần Việt Hà.

Bằng tình yêu dành cho quê hương, nhiều tác giả từng sinh ra, lớn lên tại Gia Lai cũng gửi phác thảo tham gia trại sáng tác. Trò chuyện với P.V, nhà điêu khắc Phan Thanh Tú (xã Ia Sao, huyện Ia Grai; hiện làm việc tại Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh) cho hay: Phác thảo “Thượng nguồn” lấy ý tưởng từ những dòng suối mát len qua những cánh rừng bạt ngàn của Tây Nguyên để rồi tụ lại thành dòng thác lớn với sức mạnh và nguồn năng lượng vô tận, thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực. “Thượng nguồn” còn thể hiện tính cách, tinh thần và ý chí của con người Gia Lai, như dòng chảy của nước, hài hòa thuần khiết nhưng cũng rất đỗi mạnh mẽ, nhiệt huyết.

Tác giả từng có một số tác phẩm được chọn trang trí tại các không gian đô thị nhận xét: “Gia Lai là mảnh đất rất thơ. Sự xuất hiện của cụm tượng tại Khu đô thị suối Hội Phú sẽ tạo thêm điểm nhấn về cảnh quan, tác động tích cực trong việc nâng cao gu thưởng thức thẩm mỹ của người dân và góp phần phát triển du lịch”. Ngoài kinh phí được hỗ trợ, anh Phan Thanh Tú sẵn lòng bỏ thêm tiền túi để hoàn thiện tác phẩm đúng với quy mô, chất liệu như trong phác thảo.

Không chỉ xoay quanh “mảng miếng” Tây Nguyên, sức hấp dẫn của các phác thảo còn nằm ở sự phong phú về chủ đề tình yêu, tình gia đình… với ngôn ngữ điêu khắc đương đại. Có thể kể đến phác thảo “Xòe ô che nắng” của Lê Lang Biên cách điệu hình tượng cha mẹ dang tay che chở cho con; “Duyên” của Phan Vương nói về sự giao hòa trong tình yêu; “Kết nối” của Phạm Đình Tiến với ý tưởng về sự gắn kết để cùng nhau bước những bước dài…

Tại buổi xét chọn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Võ Hồng Nhân cũng như các thành viên Hội đồng đặc biệt lưu ý việc bố trí tác phẩm sau khi hoàn thiện tại những vị trí phù hợp, sao cho có sự cộng hưởng, gắn kết hài hòa giữa tác phẩm và không gian, cây xanh, ánh sáng, mặt nước… Một công viên điêu khắc ngoài trời phong phú về chủ đề, đa dạng về phong cách đang dần thành hình trong sự đón đợi của những người yêu văn hóa, mỹ thuật Gia Lai.

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/bao-tang-mo-ben-suoi-hoi-phu-post324430.html
Zalo