Giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ đối với trẻ em

Đến tháng 12/2024, có hơn 3.000 vị trí trường học trên toàn hệ thống quốc lộ được rà soát, khắc phục các bất cập, tồn tại về hạ tầng giao thông như bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ, sơn gờ giảm tốc, gồ giảm tốc, 'Vạch đi bộ qua đường', đèn tín hiệu sang đường… với tổng kinh phí thực hiện gần 80 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức AIP Foundation tổ chức Hội thảo công tác an toàn giao thông khu vực trường học, ngày 17/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức AIP Foundation tổ chức Hội thảo công tác an toàn giao thông khu vực trường học, ngày 17/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả này được Bộ Giao thông vận tải cho hay, tại Hội thảo về công tác bảo đảm an toàn giao thông khu vực trường học, do Bộ Giao thông phối hợp với Tổ chức AIP Foundation tổ chức ngày 17/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan chính phủ như Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam cùng đại diện Sở Giao thông vận tải và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, trong 10 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em xảy ra 2.326 vụ làm chết 878 người, bị thương 2.266 người.

Mặc dù đã giảm so với cùng kì năm 2023 nhưng tỉ lệ nạn nhân tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh, sinh viên vẫn còn cao, đặc biệt còn xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến học sinh.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ đối với trẻ em, ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải: “Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức tổng rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến quốc lộ có trường học trên toàn quốc; trường hợp có bất cập, thì ưu tiên xử lý, khắc phục, trong đó làm rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành”.

Thực hiện Chỉ thị số 31, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-BGTVT ngày 22/1/2024 chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện đánh giá và xây dựng kế hoạch hành động nâng cao an toàn giao thông khu vực trường học tại địa phương.

Mô hình An toàn giao thông tại trường học ở một trường tiểu học trên địa bàn quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Mô hình An toàn giao thông tại trường học ở một trường tiểu học trên địa bàn quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ tại Hội thảo, Tổ chức AIP Foundation cho biết, AIP đã tiếp tục huy động nguồn lực để hỗ trợ các địa phương nhân rộng mô hình Khu vực trường học an toàn theo mô hình Số tay Khu vực trường học an toàn đã được Bộ Giao thông vận tải ban hành, đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu ban hành quy định mang tính pháp lý về khu vực trường học an toàn, đặc biệt liên quan đến quy định tốc độ (30-40km/h) và vỉa hè cho khu vực trường học.

Bộ Giao thông vận tải thẳng thắn nhìn nhận, dù kết quả về công tác bảo đảm an toàn giao thông khu vực trường học mang lại kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: sự phối hợp khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông của một số đơn vị còn rời rạc, thiếu thống nhất, tiến độ giải quyết khắc phục còn chậm, chưa hiệu quả; việc tổ chức giao thông ở các cổng trường học còn bất cập, ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường vào giờ đến trường, tan học diễn ra thường xuyên, một số trường học chưa bố trí được khu đưa, đón học sinh riêng.

Đặc biệt nhiều trường học ở vị trí mặt đường các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với mật độ phương tiện giao thông đông đúc, tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao đối với các học sinh. Hiện nay, chưa có quy định, quy chuẩn chặt chẽ về việc sản xuất xe điện, hướng dẫn kỹ năng điều khiển phương tiện đối với học sinh.

Tai nạn giao thông luôn là vấn đề mang tính toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 1,35 triệu người và làm cho hơn 50 triệu người khác lâm vào cảnh thương tật vĩnh viễn suốt đời. Mục tiêu kéo giảm con số thương vong do tai nạn giao thông đường bộ vào năm 2030 xuống còn bằng 50% con số của năm 2020 theo Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc là thách thức và đồng thời là trách nhiệm của các Chính phủ, mọi cơ quan, tổ chức và của mỗi công dân trên toàn thế giới.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giam-thieu-tai-nan-giao-thong-duong-bo-doi-voi-tre-em-post850927.html
Zalo