Giảm lãi suất, cho vay tín chấp với doanh nghiệp tư nhân: Minh bạch để tạo niềm tin

Trong Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đã đặt ra nhiệm vụ về cắt bỏ rào cản tiếp cận đất đai, tín dụng, dữ liệu, nhân lực chất lượng cao… với doanh nghiệp tư nhân. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân khi tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay.

Lâu nay, doanh nghiệp tư nhân là đối tượng phục vụ được các ngân ngân hàng thương mại nhắm đến

Lâu nay, doanh nghiệp tư nhân là đối tượng phục vụ được các ngân ngân hàng thương mại nhắm đến

Khuyến khích ngân hàng cho vay tín chấp để gỡ thế kẹt về tài sản đảm bảo

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, lâu nay, nhiều ngân hàng tập trung cho vay doanh nghiệp lớn, ngại cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đặt ra nhiệm vụ về cắt bỏ rào cản tiếp cận đất đai, tín dụng, dữ liệu, nhân lực chất lượng cao… với doanh nghiệp tư nhân. Điều này mở ra cơ hộ tiếp cận vốn nhiều hơn với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp tư nhân vốn là đối tượng phục vụ được các ngân hàng thương mại nhắm đến. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú cho biết, dư nợ tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân tính đến cuối năm 2024 đạt khoảng 7 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023, chiếm 44% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong đó, 100 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tổng dư nợ 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023, chiếm 17,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Hiện có 208.992 doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như là kinh tế tư nhân có dư nợ vay vốn ngân hàng.

“Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, NHNN xác định là đối tượng ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi, khi lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường, hiện là 4%/năm”, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank nhận định, đóng góp của kinh tế tư nhân là rất lớn cho nền kinh tế. Đối với Agribank, tổng dư nợ hiện là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, thì có tới 65% là cho vay nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó phần lớn là cho vay các hộ kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, Agribank có gần 500.000 tỷ đồng dư nợ cho vay pháp nhân, trong đó 90% là doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù quy mô dư nợ tín dụng với khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng, song thực tế, 70% doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thể tiếp cận vốn ngân hàng. Trong đó, rào cản lớn nhất là tài sản đảm bảo. Các doanh nghiệp kỳ vọng, tới đây, ngành ngân hàng sẽ có những chính sách cụ thể để triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW, từ đó khai thông dòng tín dụng với doanh nghiệp tư nhân.

Nghị quyết 68-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng cho kinh tế tư nhân. Có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tín dụng xuất khẩu, tín dụng theo chuỗi cung ứng.

Khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất - kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp.

Đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh; Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Minh bạch để tạo niềm tin

Tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW khiến nhiều doanh nghiệp hết sức phấn khởi vì đã nhắm vào những vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay. Đối với vấn đề tiếp cận vốn, theo ông Lương Quốc Toản, Phó tổng giám đốc Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang (Bắc Ninh), hiện các ngân hàng chỉ ưu tiên nhận tài sản thế chấp là bất động sản, mà không muốn nhận tài sản thế chấp là máy móc thiết bị, hàng tồn kho. Điều này khiến doanh nghiệp khó khăn trong nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận vốn kịp thời.

Nhiều doanh nghiệp cũng than phiền rằng, dù họ có “tuổi đời” nửa thế kỷ, hàng hóa xuất khẩu đi hàng chục nước trên thế giới, được bạn hàng tin tưởng, song ngân hàng vẫn không dám cho vay tín chấp.

Tuy vậy, nhìn từ góc độ ngân hàng, họ cũng có thế khó riêng. Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn cho hay, các ngân hàng khi cho vay phải tuân thủ quy trình chặt chẽ để đảm bảo không bị mất vốn. Một khi xảy ra nợ xấu có khả năng mất vốn, không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng, mà cán bộ tín dụng còn có nguy cơ bị xử lý hình sự.

“Chưa kể, tình trạng một doanh nghiệp có hai báo cáo tài chính - một báo cáo lãi để làm hồ sơ vay vốn ngân hàng và một báo cáo lỗ để gửi cơ quan thuế - đã trở thành phổ biến. Với tình trạng này, ngân hàng rất khó để tin tưởng cho vay thế chấp. Nếu được liên thông dữ liệu với ngành thuế, được tiếp cận báo cáo tài chính thực của doanh nghiệp, việc cho vay tín chấp không còn quá khó khăn”, vị Phó tổng giám đốc cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thân thừa nhận, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, kinh doanh phải có lãi, phải đảm bảo an toàn vốn. Vì vậy, để ngân hàng yên tâm cho vay, doanh nghiệp phải thật sự minh bạch và phải chứng minh cho ngân hàng thấy được tiềm năng phát triển của mình.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tín dụng ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, doanh nghiệp nên mở rộng kênh tiếp cận vốn, không nên quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân

Ngoài tín dụng ngân hàng, Nghị quyết 68-NQ/TW cũng đưa ra nhiều giải pháp để đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân như hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp; sửa đổi khung pháp lý về hoạt động của công ty cho thuê tài chính.

Nghị quyết cũng yêu cầu khẩn trương nâng hạng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán, phát triển thị trường bảo hiểm, hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp để nâng cao chất lượng và mở rộng kênh huy động vốn ổn định, chi phí thấp cho kinh tế tư nhân; nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về chứng khoán hóa các khoản nợ…

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giam-lai-suat-cho-vay-tin-chap-voi-doanh-nghiep-tu-nhan-minh-bach-de-tao-niem-tin-d280270.html
Zalo