Phó Thủ tướng: Đưa công nghiệp công nghệ số thành ngành kinh tế quan trọng
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết cần phát triển ngành công nghiệp, công nghệ số trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp xứng đáng vào nền kinh tế.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số vào chiều nay (9/5).
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UB KHCN&MT) Lê Quang Huy trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Góp ý vào dự thảo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, dự thảo đã cơ bản hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý và cơ chế ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số, có nhiều chính sách mới có tính đột phá, chưa từng được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật trước đây.
Tuy nhiên, bà Hương kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc có thêm những chính sách ưu đãi vượt trội trong trong luật. Chẳng hạn, có cơ chế phù hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo trong hoạt động đào tạo công nghệ số, tăng cường hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số…

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương. Ảnh: Quốc hội
Đồng thời bổ sung thêm chính sách vượt trội để hạn chế những tác động đến môi trường, song song với đó là những chế tài phù hợp; khuyến khích đầu tư, phát triển xanh, tiết kiệm năng lượng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số trong nước và cả các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
“Đặc biệt, dự thảo cần quy định rõ ràng chính sách thu hồi, xử lý sản phẩm công nghệ sau khi hết hạn sử dụng, nhất là với các thiết bị, vật liệu có thể tái chế từ công nghệ bán dẫn”, ông Hòa nhấn mạnh.
Ông đề xuất có thêm các chính sách ưu đãi cụ thể về thuế cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển công nghệ cao, hướng tới mục tiêu Việt Nam làm chủ công nghệ bán dẫn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quốc hội
Trong khi đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) kiến nghị cần làm rõ thêm quy định về tài sản số, đặc biệt là các tiêu chí để phân loại 3 loại tài sản: tài sản ảo, tài sản mã hóa và tài sản số khác.
“Việc lấy tiêu chí có thể được dùng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư để phân biệt với các tài sản số khác là không thuyết phục, không thể lấy tiêu chí về vấn đề mục đích trao đổi hay mục đích đầu tư để phân loại các tài sản số”, ông Ba cho biết.
Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng với mong muốn tạo cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.
Phó Thủ tướng kỳ vọng ngành công nghiệp công nghệ số sẽ đóng góp xứng đáng vào kinh tế đất nước, trong đó hình thành và phát triển được hệ sinh thái về doanh nghiệp công nghệ số, tiến dần làm chủ công nghệ lõi, phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số hiện đại, có đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành…
Phó Thủ tướng cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật trình Quốc hội biểu quyết thông qua ngay tại kỳ họp thứ 9.