Vì sao cơ sở nông, lâm, thủy sản khó tiếp cận gói vay 100.000 tỷ đồng?

Các mô hình nông, lâm, thủy sản ở Hà Tĩnh chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết để tiếp cận chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất quy mô 100.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 8 tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn căn cứ vào hướng dẫn của hội sở chính để triển khai chương trình tín dụng nông, lâm, thủy sản quy mô 100.000 tỷ đồng.

Ngân hàng đã đẩy mạnh truyền thông chính sách; chủ động phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh rà soát, nắm danh sách và nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở để cho vay kịp thời, đúng đối tượng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà Hà Tĩnh vẫn chưa phát sinh dư nợ chương trình này.

Agribank Cẩm Xuyên (thuộc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II) đã chú trọng tuyên truyền gói tín dụng này, song đơn vị vẫn chưa tiếp nhận đề nghị vay vốn nào của khách hàng.

 Agribank Cẩm Xuyên chưa tiếp nhận đề nghị vay vốn nào của khách hàng với gói tín dụng nông, lâm, thủy sản 100.000 tỷ đồng.

Agribank Cẩm Xuyên chưa tiếp nhận đề nghị vay vốn nào của khách hàng với gói tín dụng nông, lâm, thủy sản 100.000 tỷ đồng.

Ông Trần Hậu Long – Phó Giám đốc Agribank Cẩm Xuyên cho biết: “Chương trình tín dụng nông, lâm, thủy sản 100.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, yêu cầu chặt chẽ về các thủ tục, hồ sơ. Khách hàng vay vốn phải chứng minh đầy đủ hóa đơn, chứng từ, việc quản lý dòng tiền…; trong khi đó các chủ mô hình ở Hà Tĩnh thường không đáp ứng được điều kiện này. Ngoài ra, hiện nay lãi suất các gói tín dụng thông thường của Agribank thấp (lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh chỉ từ 4,5%/năm) nên khách hàng lựa chọn vay vốn nhiều. Tính đến 30/4/2025, dư nợ của Agribank Cẩm Xuyên đạt 3.866 tỷ đồng, tăng 340 tỷ đồng so với đầu năm và đạt 80% kế hoạch năm; trong đó dư nợ nông, lâm, thủy sản 1.395 tỷ đồng”.

Tương tự, SHB Hà Tĩnh cũng chưa giải ngân được gói tín dụng ưu đãi này. Ông Bùi Lê Huy – Phó Giám đốc SHB Hà Tĩnh cho hay: “Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được đề xuất nào của khách hàng liên quan nội dung này. Theo tìm hiểu, các mô hình nông, lâm, thủy sản của Hà Tĩnh chủ yếu nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, vay vốn đầu tư với số tiền không lớn nên họ thường chọn các gói tín dụng thông thường; nhiều chủ mô hình không đáp ứng được các điều kiện của gói tín dụng hỗ trợ. Ngoài ra, qua theo dõi, những tháng đầu năm nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn hạn chế”.

 SHB Hà Tĩnh chưa giải ngân được gói tín dụng nông, lâm, thủy sản 100.000 tỷ đồng.

SHB Hà Tĩnh chưa giải ngân được gói tín dụng nông, lâm, thủy sản 100.000 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Bình - Giám đốc HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ – Nghi Xuân) chia sẻ: "Chúng tôi nuôi 2.500 con lợn, 30.000 con gà thương phẩm/lứa và trồng gần 8.000 m2 dưa lưới, nho trong nhà màng, doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. HTX chưa có nhu cầu tiếp cận gói tín dụng ưu đãi nông, lâm, thủy sản 100.000 tỷ đồng do khó đáp ứng các yêu cầu về hóa đơn, chứng từ, quản lý dòng tiền mà chương trình đề ra. Hơn nữa, hiện nay lãi suất ngân hàng thương mại cũng thấp nên HTX đã vay gần 10 tỷ đồng các chương trình tín dụng thông thường để đầu tư sản xuất – kinh doanh".

Còn ông Nguyễn Ngọc Mưu (xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) cho hay: "Gia đình chuyên nuôi tôm thương phẩm quy mô nhỏ, chỉ vay trên dưới 300 triệu đồng mỗi vụ nuôi nên chúng tôi chọn vay gói tín dụng thông thường. Chúng tôi cũng chưa tính đến vay gói hỗ trợ lãi suất nông, lâm, thủy sản bởi khó đáp ứng yêu cầu cũng như "ngại" quy trình kiểm tra sau vay vốn".

 Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Hà Tĩnh có sự hậu thuẫn của ngành ngân hàng.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Hà Tĩnh có sự hậu thuẫn của ngành ngân hàng.

Theo các ngân hàng, hiện nay chương trình tín dụng nông, lâm, thủy sản đang gặp một số khó khăn như: Không ít doanh nghiệp, HTX, cơ sở trong ngành lâm sản và thủy sản gặp khó trong duy trì sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thậm chí có đơn vị phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm quy mô sản xuất do thiếu đơn hàng và thị trường tiêu thụ hạn chế. Từ đó, dẫn đến nhu cầu vay vốn thấp và khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở chưa đáp ứng đủ các yêu cầu vay vốn hoặc không có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để tiếp cận gói tín dụng.

Số liệu từ NHNN Khu vực 8, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của ngành ngân hàng Hà Tĩnh hiện đạt khoảng 15.145 tỷ đồng, tăng khoảng 29% so với cuối năm 2024, chiếm khoảng 14% tổng dư nợ tín dụng trong tỉnh.

Để gói tín dụng nông, lâm, thủy sản 100.000 tỷ đồng phát huy hiệu quả, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành ngân hàng, chính quyền địa phương các cấp và các ban, ngành liên quan để nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về chính sách. Cùng đó, có các giải pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở trong việc nâng cao năng lực hoạt động, xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh gắn với việc hoàn thiện về hồ sơ, chứng từ hoạt động theo quy định; xây dựng phương án vay vốn khả thi…

 Hiện có 15 ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng nông, lâm, thủy sản 100.000 tỷ đồng.

Hiện có 15 ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng nông, lâm, thủy sản 100.000 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 8/3/2025 về việc nâng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên khoảng trên 100.000 tỷ đồng và mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia thành chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ngày 15/4/2025, NHNN Việt Nam đã có công văn đề nghị các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Theo đó, mở rộng phạm vi, đối tượng của chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 của NHNN Việt Nam thành chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Chương trình được triển khai đến khi doanh số cho vay đạt 100.000 tỷ đồng (theo mức đăng ký của các ngân hàng thương mại).

Hiện có 15 ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng này gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam Á, OCB, Eximbank, Bản Việt, SHB, VietBank, HDBank.

Thu Phương

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/vi-sao-co-so-nong-lam-thuy-san-kho-tiep-can-goi-vay-100000-ty-dong-post287469.html
Zalo