Giảm gánh nặng điều trị bệnh tim mạch
Những năm gần đây, nhiều bệnh lý tim mạch đã được chẩn đoán và điều trị ngay trong nước, mang lại cho bệnh nhân cơ hội tiếp cận với những thành tựu khoa học hiện đại ngay tại Việt Nam mà không cần phải ra nước ngoài.
Mới đây, bệnh nhi N.V.V. (16 tuổi, Bắc Giang) được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh chuyển gốc động mạch, bị thông liên nhĩ từ 22 ngày tuổi. Suốt nhiều năm qua, gia đình đã nỗ lực đưa con đi chữa bệnh ở nhiều nơi nhưng đều nhận được câu trả lời rằng tình trạng của trẻ quá phức tạp, không thể can thiệp phẫu thuật, tỷ lệ tử vong rất cao. Vì vậy, trẻ chỉ được khám định kỳ và chỉ có thể phó mặc hoàn toàn vào may mắn, sự sống kéo dài được ngày nào hay ngày đó. Suốt 16 năm, chất lượng cuộc sống của trẻ rất thấp khi thường xuyên mệt mỏi, khó thở, tím môi, tím tay chân, hoạt động thể lực rất hạn chế và có nguy cơ đột tử bất cứ thời điểm nào.
Tháng 6/2024, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã có buổi khám sàng lọc miễn phí bệnh tim cho trẻ em dưới 18 tuổi tại Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Giang. Bệnh nhi N.V.V. được mẹ đưa đến tham gia và được thăm khám trực tiếp với PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương).
Ngay sau khi thăm khám, nhận thấy tình trạng bệnh tim bẩm sinh của trẻ rất nặng, PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường cùng các đồng nghiệp đã bàn bạc và quyết định sẽ đưa trẻ về Bệnh viện Nhi Trung ương để phẫu thuật. Sau khi hội chẩn, bệnh nhi được siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính, thông tim để đánh giá toàn trạng và được chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất trước khi bước vào cuộc mổ.
“Chúng tôi phải vá lỗ thông liên nhĩ, tạo hình van động mạch phổi và động mạch chủ, đồng thời chuyển các đại động mạch về vị trí bình thường. Đây là ca mổ rất khó khăn, mọi thao tác đều cần độ chính xác cao, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh gây hẹp các đường vào và đường thoát của tim, đồng thời giảm tối đa nguy cơ loạn nhịp sau phẫu thuật, tránh ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ” - PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường cho biết. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo của cả ekip, sau 6 giờ đồng hồ, ca mổ thành công tốt đẹp đúng như dự kiến, trái tim của bệnh nhi đã có thể hoạt động giống như người bình thường.
Hiện mỗi năm Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương) phẫu thuật cho khoảng 50 – 60 trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh chuyển gốc động mạch, với tỷ lệ thành công ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Trẻ sau phẫu thuật được cải thiện chất lượng cuộc sống rất nhiều, học tập, sinh hoạt như trẻ bình thường và không cần đến bệnh viện khám liên tục.
Tại Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore (Singlive) 2024 - một trong ba hội nghị chuyên về Tim mạch can thiệp lớn và ra đời sớm nhất trên thế giới, Viện Tim mạch Việt Nam đã nhận được lời mời thực hiện một ca can thiệp động mạch vành phức tạp cho bệnh nhân nữ 80 tuổi, có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, tổn thương thân chung động mạch vành trái, nhiều chỗ hẹp, và vôi hóa toàn bộ 3 nhánh động mạch vành. Sau khoảng 1 giờ, với kiến thức chắc chắn, kinh nghiệm thực chiến lâm sàng phong phú, các bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam đã thực hiện ca can thiệp vô cùng thành công dưới sự chỉ đạo của GS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam.
Điều này cho thấy chuyên ngành tim mạch can thiệp của Việt Nam đã phát triển vượt bậc sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới. Vì vậy, bệnh nhân Việt Nam không còn phải ra nước ngoài chữa bệnh, dù là các ca bệnh khó và phức tạp nhất.
GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam cho hay, nếu như trước đây, nhiều bệnh nhân tim mạch ở nước ta phải ra nước ngoài điều trị với chi phí cao thì hiện nay, thầy thuốc tim mạch Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về bệnh lý tim mạch tương đương các nước trong khu vực và thế giới. Ông Việt dẫn chứng thêm, trong lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh, các thầy thuốc của chúng ta được mời tới nhiều quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm. Tỷ lệ bệnh nhân mắc tim mạch phải ra nước ngoài gần như không còn, rất ít. Đối với bệnh tim bẩm sinh, hiện nay ở nước ta, có tới 80% bệnh nhân không phải can thiệp mổ.
Thực tế, tại nước ta hiện nay, nhều bệnh tim mạch nguy hiểm đã được điều trị có hiệu quả. Nhiều phương thức tiên tiến đã được áp dụng không chỉ ở tuyến bệnh viện trung ương mà còn được phổ biến đến các bệnh viện tuyến dưới.
Đánh giá về sự phát triển của ngành tim mạch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, chuyên ngành tim mạch Việt Nam cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm qua. Công tác khám và chữa các bệnh lý tim mạch có nhiều kết quả đáng tự hào. Các kỹ thuật cao luôn được triển khai, cập nhật rất nhanh ở Việt Nam như can thiệp bệnh lý động mạch vành phức tạp. Người bệnh tim mạch Việt Nam đã được hưởng lợi ích của các tiến bộ khoa học và không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh. Bộ Y tế đánh giá cao sự phát triển của chuyên ngành tim mạch và coi đây là một trong những điểm sáng của y tế nước nhà.