Giảm cơ hội trúng tuyển khi trường đại học bớt phương thức tuyển sinh?

Tuyển sinh năm 2025, một số cơ sở giáo dục đại học dự kiến giảm phương thức xét tuyển hoặc giảm tổ hợp xét tuyển. Thí sinh buộc phải thích ứng để tìm cơ hội trúng tuyển.

Theo thông tin từ Đại học Quốc gia TPHCM, năm 2025, đại học này dự kiến bỏ ưu tiên xét tuyển và các phương thức riêng của trường thành viên; thống nhất 3 phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển thẳng; xét điểm thi đánh giá năng lực do đại học này tổ chức; xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Như vậy, 2 phương thức được giảm bớt so với năm 2024 là ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TPHCM. Trong kì tuyển sinh 2024, các trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM đều tuyển sinh theo 5 - 9 phương thức (tùy trường).

Trong đó, các trường thành viên được khuyến khích xét tuyển kết hợp. Đại học này cũng dự kiến đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) chung.

Năm 2025, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT độc lập. Nhà trường sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (Đại học Quốc gia TPHCM) hoặc đánh giá tư duy, chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi.

Trường Đại học Sư phạm TPHCM dự kiến bỏ xét tuyển học bạ để đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.

Ở khu vực phía Bắc, cơ sở giáo dục đầu tiên công bố đề án tuyển sinh năm 2025 là Đại học Kinh tế Quốc dân. Đại học này giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển như năm 2024. Trong đó, với phương thức xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Đại học Kinh tế quốc dân sử dụng 4 tổ hợp, gồm A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), A01 (Toán, Vật lí, tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, tiếng Anh) và không có chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp xét tuyển.

Như vậy năm 2025, Trường đại học Kinh tế quốc dân dừng 5 tổ hợp xét tuyển so với năm 2024, gồm B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử), C04 (Ngữ văn, Toán, Địa lí), D09 (Toán, Lịch sử, tiếng Anh), D10 (Toán, Địa lí, tiếng Anh).

Một xu hướng nữa của tuyển sinh năm 2025 là giảm phương thức xét tuyển sớm, đưa một số phương thức vào đợt 1 xét tuyển của Bộ GD&ĐT (đợt lọc ảo).

Ví dụ năm 2025, Trường Đại học Sư phạm TPHCM dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển. Cụ thể, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên: xét tuyển dựa trên kì thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiến áp dụng cho khoảng hơn 30 ngành; xét tuyển dựa trên kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Nhà trường dự kiến xét tuyển sớm phương thức ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên. Các phương thức tuyển sinh khác dự kiến thực hiện theo lịch chung của Bộ.

Như vậy, so với năm 2024 trở về trước, phương thức xét dựa vào điểm kì thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường đại học này được chuyển từ giai đoạn xét tuyển sớm sang xét tuyển chung.

Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng dự kiến giữ ổn định các phương thức tuyển sinh cho năm 2025. Tuy nhiên, trường dự kiến chỉ xét tuyển sớm với phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (tối đa 20% chỉ tiêu). Hai phương thức xét tuyển dựa vào học bạ và điểm kì thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM, sẽ chuyển từ giai đoạn xét tuyển sớm sang xét tuyển chung đợt với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Một số thí sinh bày tỏ băn khoăn lo lắng về việc các trường giảm phương thức xét tuyển, giảm tổ hợp xét tuyển và điều chỉnh một số phương thức từ xét tuyển sớm sang xét tuyển đợt 1.

Thí sinh Nguyễn Đức Anh Quân, Trường THPT May, Định Công, Hà Nội cho hay, năm nay chỉ được thi 4 môn nên tổ hợp xét tuyển của mỗi thí sinh bị giảm. Quân lo lắng không có nhiều cơ hội trúng tuyển năm nay, nhất là ở đợt xét tuyển sớm.

PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định, thí sinh không cần lo lắng, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, các em vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị.

Từ 2 năm nay, Bộ GD&ĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT (học bạ) và hỗ trợ các trường tổ chức kì thi riêng (như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…), đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Do đó, dự thảo không hạn chế bất kì phương thức xét tuyển nào của các trường.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giam-co-hoi-trung-tuyen-khi-truong-dai-hoc-bot-phuong-thuc-tuyen-sinh-post1706906.tpo
Zalo