Hải Dương: Đề xuất đầu tư hơn 804 tỷ đồng cho 17 trường THPT giai đoạn 2026-2030
Đối với các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương bố trí phân bổ nguồn vốn cho 26 dự án xây dựng, cải tạo các hạng mục.
Tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Theo đó, Hải Dương xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, về giáo dục và đào tạo, phấn đấu xây dựng và hoàn thiện mạng lưới giáo dục và đào tạo, gắn với thực hiện tốt mục tiêu xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng xây dựng dự thảo lần 3 Báo cáo chính trị trình đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Dự kiến đầu tư 804,883 tỷ đồng cho 17 trường trung học phổ thông giai đoạn 2026-2030
Theo Dự thảo lần 3 Báo cáo chính trị trình đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030 của tỉnh Hải Dương cho thấy, về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, gần một nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Dương đã có những bước chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả từ giáo dục mầm non đến đại học.
Tính trong nhiệm kỳ, các chính sách về giáo dục và đào tạo đã được ban hành, gồm: chế độ chính sách đối với giáo viên, học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi; chính sách hỗ trợ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Mạng lưới trường lớp được rà soát, sắp xếp ngày càng hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 845 trường mầm non, phổ thông. Trong đó, mầm non có 289 trường; tiểu học có 245 trường; trung học cơ sở (bao gồm liên cấp tiểu học và trung học cơ sở có 251 trường; trung học phổ thông (bao gồm liên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; liên cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) có 60 trường.
Các trung tâm có: 1 trung tâm Giáo dục thường xuyên - Ngoại ngữ - Tin học tỉnh và 12 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng, phối hợp cùng mạng lưới các trường phổ thông thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của nhân dân.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ước đạt 85,86% (tăng 14% so với năm 2020, đạt chỉ tiêu Đại hội đề ra).
Lập danh mục bảo trì, sửa chữa từ nguồn chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cho 35 trường trung học phổ thông trên toàn tỉnh với tổng số kinh phí gần 152 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023 là 48 tỷ, năm 2024 là 50 tỷ và năm 2025 là 54 tỷ.
Đối với các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, ủy ban nhân dân tỉnh bố trí phân bổ nguồn vốn cho 26 dự án xây dựng, cải tạo các hạng mục từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn gồm 623,1 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2021-2023 đã phân bổ 247,3 tỷ đồng, giai đoạn 2023 - 2025 tiếp tục phân bổ 375,8 tỷ đồng). Danh mục đầu tư công giai đoạn 2026-2030 đề xuất mức đầu tư 804,883 tỷ đồng dành cho 17 trường trung học phổ thông.
Số người làm việc (thời điểm báo cáo) tại các cơ sở giáo dục mầm non là 9.186, tiểu học là 8.689, trung học cơ sở là 6.821, trung học phổ thông là 2.508. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về chất và lượng, cơ cấu ngày càng hợp lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, đào tạo.
Kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được duy trì, giữ vững, nâng cao; chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều tiêu chí về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tiếp tục đạt cao, vượt trội so với cả nước; thứ hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn nằm trong tốp 15 tỉnh có kết quả tốt nhất; thành tích học sinh giỏi quốc gia, Hải Dương luôn duy trì vị trí tốp đầu trên bảng xếp hạng toàn quốc.
Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tuyển mới giáo dục nghề nghiệp được 170.985 học sinh, sinh viên, tỷ lệ người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo đạt từ 80-90%.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng góp phần giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Nhiều giải pháp về phát triển giáo dục và đào tạo
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Dương vẫn còn tồn tại một số bất cập. Theo đó, công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp và văn hóa, kỷ luật trong lao động chưa cao.
Cũng trong dự thảo lần 3 Báo cáo chính trị trình đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030, Hải Dương đã đề cập đến những chủ trương và giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo; tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể:
Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới giáo dục và đào tạo phù hợp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu người học, gắn với thực hiện tốt mục tiêu xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết, thích ứng chủ động với nền giáo dục mở, tiên tiến; hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và đồng bộ.
Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, văn minh, thân thiện, trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; phát triển phẩm chất, năng lực người học theo chuẩn đầu ra của từng cấp học; phát triển năng khiếu sở trường, kỹ năng sống, bản sắc văn hóa, truyền thống hiếu học của mảnh đất Xứ Đông. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, bất cập, những “điểm nghẽn”, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục duy trì, giữ vững, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học, phương thức thi, kiểm tra, đánh giá. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, công tác giáo dục thể chất, quốc phòng an ninh, công tác y tế trường học.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính. Thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo. Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học.
Cơ cấu lại, củng cố và nâng cao chất lượng mạng lưới các đại học, trường nghề trên địa bàn. Bảo đảm chất lượng đào tạo nghề, nhất là kỹ năng, kiến thức nền tảng để tham gia thị trường lao động. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư, chăm lo cho giáo dục và đào tạo.
Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Xây dựng cơ sở dữ liệu lao động việc làm đảm bảo an sinh xã hội, phân tích tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời có chính sách để thu hút và giữ lao động làm việc trên địa bàn tỉnh; phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước.
Thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tiếp tục phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về lao động.
Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thu hút xã hội hóa vào giáo dục nghề nghiệp.
Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp; tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm.