Băn khoăn về nguồn kinh phí chi trả cho GV dạy thêm trong nhà trường

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước khiến nhiều giáo viên băn khoăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. So với dự thảo, thông tư đã thay đổi, điều chỉnh, cắt bỏ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo nhiều giáo viên và phụ huynh, Thông tư này đã giải quyết được những vướng mắc liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm thời gian qua. Tuy nhiên, một số điểm trong thông tư vẫn khiến nhiều giáo viên băn khoăn.

Cần làm rõ về kinh phí cấp cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường

Điều 7, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm cũng nêu rõ quy định về việc thu và quản lý tiền học thêm. Cụ thể, kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm.

Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một hiệu trưởng trường trung học cơ sở tại Hải Phòng thông tin: “Hiện nay có không ít học sinh trong nhà trường có kết quả học tập (học lực) Đạt và Khá có nhu cầu, nguyện vọng được phụ đạo thêm ngoài giờ học nhưng không thể tham gia các lớp học thêm trong nhà trường hoặc các lớp ngoài nhà trường do giáo viên của mình trực tiếp dạy.

Chi phí học thêm tại các trung tâm thường cao hơn so với chi phí ở trường.

Mặt khác chất lượng giảng dạy chưa chắc đạt hiệu quả và thành tích học tập của học sinh khó được cải thiện bởi lẽ giáo viên bên ngoài không có ràng buộc và áp lực về chất lượng giáo dục như giáo viên đang được phân công giảng dạy chính khóa trên lớp”.

Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng bày tỏ băn khoăn đối với học sinh có kết quả học tập chưa Đạt được đăng ký học phụ đạo trong nhà trường theo Thông tư 29 quy định bằng nguồn kinh phí từ ngân sách.

Tuy nhiên, cần làm rõ việc sử dụng kinh phí từ ngân sách thì chính sách chi trả cho giáo viên dạy cụ thể như thế nào? Kinh phí này được cấp hàng tháng hay theo học kỳ hay theo năm học?

 Nhiều giáo viên băn khoăn về mức kinh phí thực hiện dạy thêm, học thêm trong nhà trường nếu lấy từ ngân sách thì được phân bổ như thế nào? (Ảnh minh họa: LT)

Nhiều giáo viên băn khoăn về mức kinh phí thực hiện dạy thêm, học thêm trong nhà trường nếu lấy từ ngân sách thì được phân bổ như thế nào? (Ảnh minh họa: LT)

Trong khi đó, một cán bộ quản lý trung học phổ thông tại Hải Phòng cũng bày tỏ quan điểm: “Hiện nay các nhà trường đang nộp thuế 2% từ hoạt động dạy thêm học thêm. Nếu dạy thêm mà không thu tiền thì có phải là dạy thêm, học thêm?.

Thông tư 29 nêu kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Nhưng thực tế ngân sách không cấp cho việc dạy thêm học thêm và không có nguồn kinh phí hợp pháp khác nào phục vụ cho việc này. Cần có quy định cụ thể hơn về nội dung này”.

3 nhóm đối tượng được dạy thêm, học thêm ở trường có phù hợp?

Khoản 1, Điều 5, chương II, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có nêu, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau:

Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;

Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Bàn về nội dung này, một giáo viên dạy trung học phổ thông ở Hải Phòng nhận định: “Thông tư 29 cho phép được dạy thêm học thêm nhưng không được thu tiền đối với: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt (tức là học lực không đạt mức trung bình theo đánh giá cũ); học sinh được lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi (được hiểu là học sinh đội tuyển); học sinh ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hiện nay, ở nhiều địa phương ba đối tượng này các trường dạy và đều không thu tiền vì vậy nó không có trong danh mục dạy thêm học thêm. Vậy nhưng hiện tại thông tư này lại liệt kê các đối tượng học này vào danh mục dạy thêm, học thêm liệu có hợp lý?

Bên cạnh đó, các giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh yếu kém vốn là giúp các em nâng cao kiến thức để tham gia kỳ thi học sinh giỏi các cấp hoặc xếp loại đạt nên không hề thu tiền”.

Nữ giáo viên này cũng cho rằng nếu đã là dạy thêm, học thêm thì dù là thực hiện trong trường hay ngoài trường đều phải bình đẳng như nhau. Vì vậy cơ sở ngoài nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm được thu tiền thì trong nhà trường nếu là hoạt động dạy thêm học thêm thì cũng nên được thu tiền.

Cơ sở bên ngoài được thu học phí theo thỏa thuận thì học trong trường cũng nên được thu theo thỏa thuận. (hiện nay đang áp dụng mức thu mà không theo thỏa thuận).

 Một số giáo viên cho rằng 3 đối tượng được dạy thêm, học thêm trong nhà trường vốn dĩ vẫn được các giáo viên phụ đạo miễn phí từ trước tới nay. (Ảnh minh họa: LT)

Một số giáo viên cho rằng 3 đối tượng được dạy thêm, học thêm trong nhà trường vốn dĩ vẫn được các giáo viên phụ đạo miễn phí từ trước tới nay. (Ảnh minh họa: LT)

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ban-khoan-ve-nguon-kinh-phi-chi-tra-cho-gv-day-them-trong-nha-truong-post248352.gd
Zalo