Tuyển dụng giáo viên hợp đồng lâu năm: 'Neo' lại với nghề
Sau nhiều năm gắn bó với nghề, giáo viên hợp đồng tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã thở phào nhẹ nhõm khi được tuyển dụng vào biên chế.
Đây là tin vui không chỉ đối với cá nhân mà còn là động lực lớn cho nhiều đồng nghiệp đang trong diện hợp đồng ở các trường học vùng khó.
Vui trong gian khó
Tính đến đầu năm 2024, huyện Quỳnh Lưu có hơn 20 giáo viên và nhân viên hợp đồng tại các nhà trường. Trong đó, người ít tuổi nhất sinh năm 1991; người nhiều tuổi nhất sinh năm 1973, làm lao động hợp đồng nhà trường từ tháng 1/2000.
Ông Mai Xuân Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, những giáo viên đã có thời gian dạy hợp đồng hưởng lương từ ngân sách, khi tham gia thi tuyển viên chức thì được ưu tiên hơn so với người tham gia thi tuyển lần đầu. Theo đó, giáo viên thuộc diện hợp đồng hưởng lương từ ngân sách, nếu dự thi mà đủ 50 điểm trở lên (thang điểm 100) sẽ được xét trúng tuyển. Những trường hợp khác thì xét từ cao xuống thấp để lựa chọn. Hiện nay, đối với giáo viên thuộc diện hợp đồng theo Nghị định 111/2022 của Chính phủ, thì không được ưu tiên, mà phải tham gia thi công bằng như những ứng viên khác.
Những năm qua, chế độ, chính sách cho các trường hợp này rất thiệt thòi do lương thấp, không có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp. Hầu hết giáo viên, nhân viên phải làm thêm nghề phụ mới có thể đảm bảo cuộc sống. Việc chi trả lương có thời điểm bị gián đoạn vì liên quan đến việc rà soát giáo viên hợp đồng.
Thầy Hoàng Văn Thiệu - Hiệu trưởng Trường THCS Bá Ngọc, xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) cho biết, trong đợt tuyển dụng viên chức tháng 8/2024, nhà trường có 1 giáo viên và 1 nhân viên kế toán hợp đồng lâu năm trúng tuyển. Đây không chỉ là niềm vui của 2 cá nhân mà còn là động lực chung của toàn trường.
Trong đó, cô Nguyễn Thị Linh (sinh năm 1983) - giáo viên dạy môn Ngữ văn tại Trường THCS Bá Ngọc là 1 trong những giáo viên vững chuyên môn của giáo dục Quỳnh Lưu. Vào nghề hơn 15 năm, trải qua 2 đơn vị nhưng cô Linh vẫn là giáo viên hợp đồng trường, với mức thu nhập chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng.
Để góp phần tăng thu nhập cho giáo viên hợp đồng, nhà trường tạo điều kiện cho thầy cô được tăng giờ, tăng tiết hoặc phụ đạo buổi chiều. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình nên cô Linh không thể sắp xếp để nhận các tiết dạy phụ đạo. Hằng ngày, di chuyển với quãng đường hơn 100km để dạy học, cô Linh chia sẻ không ít lần muốn bỏ cuộc. Thậm chí, cô Linh đã học thêm chuyên ngành Mầm non để có cơ hội chuyển công tác. Nhưng rồi vì yêu môn Ngữ văn, gắn bó với học sinh cô Linh quyết định ở lại Trường THCS Bá Ngọc.
Chị Đinh Thị Lê - nhân viên kế toán Trường THCS Bá Ngọc cũng chung niềm vui khi trúng tuyển vào biên chế. Trước đây, dù công tác nhiều năm trong ngành nhưng mức lương của chị chỉ được trả bằng mức lương tối thiểu vùng, với thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này, nếu không có thêm thu nhập thì không đủ để trang trải cuộc sống.
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức, cô Ông Thị Lan xin dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Quảng Nham 2 (Quảng Xương, Thanh Hóa). Gần 20 năm theo đuổi nghiệp “trồng người”, dù đồng lương giáo viên dạy hợp đồng ít ỏi, nhưng ngày ngày cô Lan không quản ngại nắng, mưa đến trường với quãng đường xấp xỉ 20 cây số.
Cô Lan chia sẻ, những năm tháng dạy hợp đồng, đồng lương thấp, con cái nhỏ, có những khoảng thời gian bản thân thấy nản lòng. “Thế nhưng, tôi chỉ nghĩ một điều rằng, mình bỏ cuộc thì nhiều đứa trẻ nơi đây sẽ mất đi cơ hội học tập. Vì vậy, vợ chồng bảo nhau cùng vượt qua mọi khó khăn, theo đuổi nghề mình đã chọn và chờ cơ hội để thi vào viên chức ngành Giáo dục”, cô Lan tâm sự.
Năm 2018, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) có đợt tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục, cô Lan làm hồ sơ đăng ký dự tuyển. Khi trúng tuyển viên chức, cô Lan được phân công về dạy ở Trường Tiểu học Trung Lý 1. Quãng đường từ nhà đến trường hơn 200km, nên chiều thứ 6 hằng tuần, cô lại lên xe khách về với gia đình ở TP Sầm Sơn và trở lại trường vào chiều Chủ nhật.
“Nhiều hôm tôi phải đi chuyến xe khách cuối cùng từ TP Thanh Hóa lên Mường Lát vào lúc 20 giờ tối và tới trường lúc gần 1 giờ sáng. Biết là vất vả vì đường xa, nhưng đã chọn nghề rồi thì phải gắn bó. Hơn nữa, khi lên nhận công tác ở ngôi trường này, mới thấy thương học sinh. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn và đáng thương. Vì thế, tôi quyết tâm bám trụ với ngành, để cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho nghề mình đã lựa chọn”, cô Lan bộc bạch.
Yêu nghề để được làm nghề
Năm 2013, sinh viên Bùi Thị Châm, quê ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) tốt nghiệp sư phạm Địa lý (Trường Đại học Vinh) nhưng không xin được việc làm. Thời gian sau, cô Châm lập gia đình rồi làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh như bán bánh, công nhân may..., và đều không ổn định.
Tháng 10/2022, cô Châm làm hồ sơ xin dạy hợp đồng tại Trường THCS Quang Chiểu (Mường Lát, Thanh Hóa) rồi chuyển sang Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trung Lý. Tháng 5/2024, cô Châm được UBND huyện Mường Lát ký hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 11/2024, cô Châm thi đỗ viên chức ngành Giáo dục huyện Mường Lát.
“Sau khi biết tin trúng tuyển viên chức, tôi không cầm nổi nước mắt vì vui mừng, hạnh phúc và vinh dự. Bởi lẽ, những cố gắng vượt qua khó khăn, kiên trì theo đuổi nghề đã nhận được thành quả xứng đáng. Trước mắt, tôi chưa có ý định xin chuyển công tác về quê, vì cảm thấy yêu quý những tình cảm và con người nơi đây dành cho mình. Tôi muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này”, cô Châm chia sẻ.
Trong năm 2024, huyện Quỳnh Lưu tuyển dụng 273 giáo viên, nhân viên ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Trong đợt tuyển dụng vừa qua, huyện Quỳnh Lưu tuyển dụng đặc cách viên chức giáo viên cấp THCS. Người dự tuyển là giáo viên đang hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS, THPT huyện Quỳnh Lưu và có thời gian ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội trước ngày 31/12/2015.
Ông Trần Xuân Nhương - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu cho biết, các trường học trên địa bàn huyện luôn trong tình trạng thiếu giáo viên, tuy nhiên chỉ tiêu tuyển dụng biên chế lại rất ít. Đặc biệt, cấp THCS những năm vừa qua không có chỉ tiêu tuyển dụng mới. Chính vì thế, những giáo viên hợp đồng, công tác lâu năm được tuyển dụng vừa qua là điều đáng vui mừng với ngành Giáo dục, mặc dù hơi muộn.
“Đây là những giáo viên tâm huyết, chịu khó, bám đuổi với nghề hàng chục năm. Trong đó, có những người là Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh nhiều năm liền. Ngành Giáo dục huyện cũng tạo điều kiện để những giáo viên này phát huy năng lực, thể hiện cái tâm với học sinh. Khi những giáo viên hợp đồng được tuyển dụng, chúng tôi ai cũng vui mừng”, ông Nhương chia sẻ.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu mong muốn, trong tương lai, Nhà nước có thêm chế độ, chính sách để động viện đội ngũ giáo viên an tâm công tác; đồng thời có chính sách tăng thêm nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục.
Trong khi đó, tại huyện Yên Thành (Nghệ An), trong năm 2023, địa phương này tuyển dụng biên chế đối với hơn 60 giáo viên, nhân viên hợp đồng công tác lâu năm trong ngành Giáo dục tại các cấp học; chỉ còn duy nhất giáo viên hợp đồng chưa đủ tiêu chuẩn tuyển dụng.
Tự nâng chuẩn để đáp ứng nghề nghiệp
Ông Lê Đình Cẩn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành cho biết, trong số giáo viên hợp đồng có nhiều thầy cô đoạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện. Dù mức lương hợp đồng thấp nhưng suốt nhiều năm liền các thầy, cô vẫn cố gắng theo đuổi nghề, vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Theo ông Cẩn, tuyển dụng giáo viên hợp đồng vào biên chế là điều đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và địa phương đối với đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, để giữ chân và thu hút nhân sự giỏi, cần có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo điều kiện để nhà giáo phát triển nghề nghiệp.
Thầy Nguyễn Văn Nhân - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) chia sẻ: “Những đợt thi tuyển viên chức trước đây, chúng tôi chưa đủ điều kiện về trình độ đào tạo nên phải vừa dạy học vừa học thêm bằng đại học sư phạm theo đúng yêu cầu. Tôi đang tập trung ôn tập với kỳ vọng đợt thi tuyển tới đây, khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo vị trí việc làm, bản thân đủ điểm để trúng tuyển”.
Những ngày qua, câu chuyện về việc xét biên chế cho nhiều giáo viên hợp đồng tại Nghệ An, sau 18 năm gắn bó với nghề đã khiến nhiều đồng nghiệp ở Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Đối với nhiều giáo viên hợp đồng ở Hà Tĩnh, tin tức này không chỉ là niềm vui cho đồng nghiệp tỉnh bạn, mà còn khơi dậy hy vọng về những đóng góp của mình cho ngành Giáo dục.
Cô L.T.X.N. giáo viên hợp đồng ở một trường THCS huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi làm giáo viên hợp đồng được 9 năm, mỗi tháng nhận lương chỉ đủ trang trải chi phí cơ bản. Thấy các đồng nghiệp ở Nghệ An được xét biên chế, tôi hy vọng Hà Tĩnh sẽ có chính sách tương tự. Điều này không chỉ là công bằng mà còn là động lực để chúng tôi gắn bó với nghề”.
Cũng như cô N., nhiều giáo viên hợp đồng ở Hà Tĩnh cho biết, trước mắt vẫn tiếp tục công việc của mình với tinh thần tận tụy, hy vọng một ngày nào đó, những nỗ lực của họ sẽ được ghi nhận xứng đáng.
Những giáo viên tại Nghệ An được biên chế sau nhiều năm hợp đồng đã mở ra tiền lệ tích cực, tạo động lực cho nhiều địa phương khác trong việc chăm lo đời sống và quyền lợi của đội ngũ giáo viên. Với sự quyết tâm từ các cơ quan chức năng và ủng hộ từ cộng đồng, hy vọng Hà Tĩnh sớm có những chính sách đổi mới, mang lại niềm tin và cơ hội công bằng cho tất cả giáo viên hợp đồng.
Ông Lê Hoài Nam - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, sở GD&ĐT và UBND các huyện đang tiến hành tuyển dụng. Nếu tuyển đủ số chỉ tiêu được phê duyệt (tuyển dụng 321 giáo viên: Mầm non 161; tiểu học 144; THCS 8; THPT 8. Hợp đồng (Nghị định 111/2022) 29 giáo viên: Tiểu học 16, THCS 13 thì chỉ còn thiếu 88 biên chế giáo viên.
Đội ngũ cơ bản đủ về số lượng, chất lượng, đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định. Tuy nhiên, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng còn bất cập về thừa thiếu cục bộ giữa các đơn vị, địa phương, bộ môn. Thực hiện Chương trình GDPT 2018 sẽ có nhiều thay đổi về cơ cấu bộ môn nên càng thừa thiếu cục bộ và không ổn định theo năm.
Tháng nào, thầy Phạm Văn Tiến, dạy học tại điểm trường Ông Vanh, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn, xã Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) cũng mất khoảng 400 nghìn đồng chi phí sửa xe, không thay nhông, sên, đĩa thì thay lốp. Đường đến trường của thầy Tiến, thầy Hồ Văn Xuân (điểm trường Ông Thái) hay thầy Nguyễn Văn Nhân (điểm trường Ông Bình) mùa mưa này đều trơn trượt, nhão nhoẹt bùn đất.
Các thầy đều là giáo viên hợp đồng từ 3 - 5 năm và hầu như năm nào cũng dạy học ở các điểm trường lẻ “nhiều không”, không điện, không nước sạch…, nằm sâu trong núi, dưới tán rừng già Ngọc Linh. Lương hợp đồng của các thầy những năm trước chỉ ở 4,65 triệu/tháng nay đã tăng lên được 6 triệu/tháng nhờ tăng lương cơ sở.