Giảm 3% nguồn thu học phí dành cho học bổng: Trường đại học nói gì?

Nhà nước nên hỗ trợ 3% còn lại để các trường duy trì tối thiểu 8% nguồn thu học phí làm học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Tại mục 2.5 của Dự thảo quy định sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 4, Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP về nguồn hình thành học bổng khuyến khích học tập đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập.

Một trong hai phương án được đưa ra là, đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí đối với trường công lập. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, Điểm b, Khoản 4, Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định: “Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: Học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí đối với trường công lập…”.

Như vậy, với nội dung của Dự thảo, học bổng khuyến khích học tập được bố trí từ 8% giảm xuống còn 5% nguồn thu học phí (tức giảm 3% so với quy định hiện hành theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP).

Theo ghi nhận của phóng viên, phương án này của dự thảo đang nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học.

Nhà nước cần có học bổng cho sinh viên

Trao đổi với phóng viên tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định hiện hành, học bổng khuyến khích học tập được trích lập tối thiểu 8% nguồn thu học phí. Tuy nhiên, đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được trích từ nguồn thu học phí thường cao hơn 8%.

“Học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên năm học 2023-2024 của nhà trường là 32,5 tỷ đồng; còn năm học 2024-2025, nhà trường cũng đã ký quyết định chi 48,5 tỷ đồng để làm học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên”, thầy Hoàn chia sẻ.

Nhìn tổng thể, đánh giá về mức chi cho học bổng khuyến khích học tập của nhà trường, thầy Hoàn cho rằng mức chi này là thấp vì sinh viên của nhà trường còn nhiều em hoàn cảnh rất khó khăn cần được hỗ trợ, tặng học bổng. Chưa kể, các hoạt động của sinh viên cũng cần được nhà trường hỗ trợ kinh phí.

 Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. (Ảnh: website nhà trường)

Cùng chia sẻ, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho biết, học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên là một động lực, sẻ chia đối với cá nhân sinh viên thụ hưởng. Quy định hiện hành nêu rõ, đối với trường công lập, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí. Tuy nhiên, con số này là không nhiều. Do đó, ngoài trích từ nguồn thu học phí, nhà trường còn kêu gọi các doanh nghiệp dành học bổng cho sinh viên. Có như vậy mới đáp ứng được thực tế về số lượng sinh viên cần được hỗ trợ.

Theo Dự thảo, học bổng khuyến khích học tập được bố trí 5% nguồn thu học phí, tức là đã giảm 3% so với quy định hiện hành (8% nguồn thu học phí). Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Lê Hồ Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) cho rằng, việc giảm tỷ lệ phần trăm trích từ nguồn thu học phí để làm học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên có thể sẽ làm tăng chất lượng hỗ trợ cho sinh viên. Bởi, ví dụ trước đây, học bổng khuyến khích học tập được trích tối thiểu 8% nguồn thu học phí sẽ có 10 sinh viên được nhận học bổng, thì nay giảm xuống 5% nguồn thu học phí sẽ có 8 sinh viên được nhận học bổng nhưng hiệu quả hỗ trợ sẽ thực chất hơn.

Trong khi đó, thầy Hoàn chia sẻ, nhà nước nên hỗ trợ 3% còn lại để các trường duy trì tối thiểu 8% nguồn thu học phí làm học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên.

“Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã quy định rõ về chính sách hỗ trợ chi phí học tập. Tuy nhiên, học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên cũng cần được nhà nước hỗ trợ. Bởi, thực tế ở các địa phương, trường đại học, trong quá trình vận hành mới bộc lộ những khó khăn vướng mắc khi thực hiện cơ chế chính sách, trong đó chưa bao trọn được hết những đối tượng hưởng học bổng khuyến khích học tập.

Tôi được biết, nhiều sinh viên có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng không xin được giấy xác nhận hộ nghèo, cận nghèo từ địa phương để hưởng chế độ chính sách. Các địa phương thực hiện giảm tỷ lệ gia đình hộ nghèo, cận nghèo nên không thực hiện chứng nhận hộ nghèo, cận nghèo cho gia đình thật sự khó khăn. Thực tế này đã và đang khiến cho rất nhiều gia đình của sinh viên vất vả khi phải chi trả các khoản kinh phí học đại học.

Do đó, nếu chỉ để các trường đại học lo trích lập học bổng khuyến khích học tập từ nguồn thu học phí cho sinh viên gia đình khó khăn thì không đủ để các em yên tâm theo học bởi số lượng sinh viên cần được hỗ trợ rất nhiều", thầy Hoàn bày tỏ.

Thầy Hoàn cũng cho rằng, cùng với việc cơ sở giáo dục đại học trích phần trăm nguồn thu học phí, nếu nhà nước cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên thì số lượng sinh viên được nhận học bổng sẽ tăng lên, không sinh viên nào bị bỏ lại phía sau.

Được biết, đối với Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, có những sinh viên học đến năm 3, 4 thì gia đình gặp biến cố (ví dụ như bố/mẹ mất,...), khó khăn đột xuất. Khi đó, nhà trường sẵn sàng hỗ trợ học phí, kinh phí để các em yên tâm hoàn thành khóa học. Tuy nhiên, bản thân các cơ sở giáo dục đại học cũng gặp nhiều khó khăn, do đó, thầy Hoàn đề xuất cần có sự chung tay của nhà nước trong việc hỗ trợ học bổng cho sinh viên để mở rộng đối tượng thụ hưởng.

“Được nhà nước hỗ trợ học bổng thì mới là chính sách tốt cho sinh viên. Một cơ sở giáo dục đại học có ít kinh phí thì chỉ có thể hỗ trợ sinh viên mồ côi cả bố và mẹ, nhưng nếu có học bổng của nhà nước thì có thể hỗ trợ cho cả những sinh viên mồ côi bố, hoặc mẹ”, thầy Hoàn chia sẻ.

Thu hút thí sinh giỏi theo học chương trình phục vụ phát triển ngành công nghiệp mới

Tại mục 2.6 của Dự thảo nêu rõ bổ sung về việc nhà nước cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Giáo dục đang học các chương trình đào tạo để thực hiện các Chương trình, Đề án phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp mới do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kinh phí cấp học bổng được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước của lĩnh vực giáo dục đào tạo hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

Một số ý kiến cho rằng, việc bổ sung học bổng cho các đối tượng sinh viên đang học các chương trình đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp mới có nhiều ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bàn về nội dung này, Tiến sĩ Lê Hồ Sơn cho biết, hiện nay, không ít các ngành học mới đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội được cơ sở giáo dục đại học đưa vào tuyển sinh và đào tạo. Nhưng để thuận lợi cho công tác tuyển sinh, nhất là thu hút được những sinh viên giỏi, cần thiết phải có học bổng cho người học các ngành phục vụ phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp mới.

“Xã hội, học sinh phổ thông nhiều khi cũng chưa biết đến những ngành học phục vụ phát triển ngành công nghiệp mới. Việc nhà nước có học bổng, hỗ trợ học phí cho sinh viên học các chương trình đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp mới sẽ là nguồn động lực lớn, thu hút người giỏi vào học, nhất là trong bối cảnh hội nhập, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ”, thầy Sơn chia sẻ.

Song, theo thầy Sơn, mặc dù là ngành đặc thù nhưng nếu nhà nước cấp học bổng cho sinh viên học các ngành phục vụ phát triển nhân lực ngành công nghiệp mới thì cũng cần quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để nhận học bổng (ví dụ như điểm rèn luyện, kết quả học tập, có những phát minh, sáng chế mới, nghiên cứu khoa học,...) tạo tính công bằng, cân đối giữa các lĩnh vực, tránh thiên vị.

Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực huy động được nguồn lực xã hội hóa rất hiệu quả nên thầy Sơn cho rằng, cùng với sự chung tay của nhà nước, nỗ lực của cơ sở giáo dục đại học, thì cần đẩy mạnh việc huy động xã hội hóa (từ các doanh nghiệp, cựu sinh viên thành đạt) để có học bổng cho sinh viên.

Còn theo thầy Tường, chủ trương là các cơ sở giáo dục đại học trích phần trăm từ nguồn thu học phí để làm học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên. Vậy nên, nếu nhà nước trích ngân sách để trao học bổng cho sinh viên của cơ sở giáo dục đại học thì cũng cần có hướng dẫn cụ thể.

Thầy Tường cũng cho rằng, việc cấp học bổng cho sinh viên học chương trình đào tạo để thực hiện phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp mới là rất cần thiết. Tuy nhiên, mỗi cơ sở giáo dục đại học thuộc bộ chủ quản khác nhau sẽ có những thuận lợi, khó khăn riêng trong việc nhận ngân sách để cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên. Trong đó, đối với không ít cơ sở giáo dục đại học rất khó khăn để được cấp ngân sách làm học bổng cho sinh viên.

Nêu quan điểm về nội dung này, Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình đào tạo phục vụ nhân lực phát triển ngành công nghiệp mới sẽ thu hút được nhiều người học nếu nhà nước có học bổng.

“Những ngành đào tạo mà xã hội đang cần, có tầm quan trọng đối với quốc gia (như các ngành đào tạo nghệ thuật) nhưng người học không tha thiết thì nhà nước cần có học bổng, hỗ trợ để thu hút các em vào học là điều nên làm. Còn với các ngành công nghiệp mới, vị trí công việc sau khi ra trường có thể chưa được rõ ràng như những ngành khác có lịch sử đào tạo lâu đời nên sẽ ít thí sinh đăng ký học. Chính vì thế, đối với các chương trình đào tạo phục vụ phát triển nhân lực ngành công nghiệp mới, nhà nước cần có học bổng, đầu tư trang thiết bị có trọng tâm, trọng điểm để tăng số lượng và chất lượng cho người học”, thầy Hoàn chia sẻ.

Liên quan đến Dự thảo thông tư, một số ý kiến cho rằng, bên cạnh việc bổ sung học bổng cho sinh viên học chương trình đào tạo phục vụ phát triển nhân lực ngành công nghiệp mới thì cũng cần có học bổng cho bậc sau đại học các ngành này. Lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học cho rằng, sẽ rất tốt nếu nhà nước có học bổng sau đại học đối với các ngành phục vụ phát triển ngành công nghiệp mới nhưng còn tùy thuộc vào ngân sách của nhà nước. Do đó, trước mắt, nên tập trung đầu tư học bổng cho sinh viên để nhằm tạo nền tảng tốt trong giáo dục và đào tạo bậc đại học.

Ngọc Đại

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giam-3-nguon-thu-hoc-phi-danh-cho-hoc-bong-truong-dai-hoc-noi-gi-post246936.gd
Zalo