Trường ĐH xét điểm rèn luyện 'có thưởng, có phạt' để công bằng và khích lệ SV
Bên cạnh việc đánh giá sinh viên qua điểm học phần, nhiều trường đại học còn áp dụng điểm rèn luyện để làm thang đo mức độ chuyên cần của sinh viên.
Muốn đạt mục tiêu trên 90 trong thang điểm rèn luyện, sinh viên nếu không là cán bộ lớp, phải tham gia đủ loại hoạt động, từ tập văn nghệ, làm tình nguyện, hiến máu, quyên góp đến dự hội thảo, sự kiện,...
Trên thực tế, chỉ cần đạt từ 65 điểm, sinh viên đã được đánh giá ở mức khá. Vốn dĩ điểm rèn luyện được sử dụng để đánh giá ý thức, thái độ của người học trong việc học tập, chấp hành nội quy và các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa khác,... Tuy nhiên, không ít sinh viên vẫn cho rằng, những đầu mục trên đang trở thành nỗi “áp lực” vô hình trong quá trình học tập tại trường.
Xét điểm rèn luyện "có thưởng, có phạt"
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Hoàng Thế Minh - Chuyên viên phòng Công tác sinh viên, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, Học viện Phụ nữ Việt Nam đang áp dụng đánh giá điểm rèn luyện theo quy định tại Thông tư số 16/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của người học được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy.
Hiện nội dung này được nhà trường cụ thể hóa thành Quyết định số 594/QĐ-HVPNVN, ngày 13/11/2017 của Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, ban hành Quy định đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên hệ đại học chính quy Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Theo thầy Minh, hình thức sử dụng phiếu đánh giá theo từng học kỳ được căn cứ theo thang điểm quy định (tối đa 100 điểm).
“Hiện tại, nhà trường đang khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ, phục vụ cộng đồng, nghiên cứu khoa học, các cuộc thi ngoài nhà trường để được cộng điểm rèn luyện.
Sau đó, quy trình xét điểm rèn luyện sẽ qua các bước như sau: Sinh viên cùng ban cán sự lớp tự chấm điểm; Cố vấn học tập tổ chức họp lớp để xem xét; Hội đồng cấp khoa họp đánh giá thông qua kết quả trước khi trình Hội đồng cấp Học viện công nhận”, Thạc sĩ Hoàng Thế Minh chia sẻ.
Ngoài ra, Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng áp dụng trừ điểm rèn luyện trong các trường hợp như: Sinh viên vi phạm quy chế thi; Ý thức thái độ học tập không tốt, bị phản ánh; Không hoàn thành chương trình Tuần sinh hoạt công dân; Không hoàn thành nghĩa vụ tài chính (bao gồm cả học phí và bảo hiểm y tế); Không tham gia các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng khi được triệu tập; Vi phạm nội quy khu nội trú, giảng đường, thư viện; Gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.
Thạc sĩ Hoàng Thế Minh nhận định, các hình thức trừ điểm trên đã góp phần vào việc đánh giá khách quan, công bằng với sinh viên; có tính răn đe để sinh viên hạn chế sai phạm.
Nhằm tránh tình trạng sinh viên chống đối, tham gia các buổi hội thảo, sự kiện chỉ để “cho có mặt”, thầy Minh cho biết, Học viện có cơ chế theo dõi để cộng điểm rèn luyện cho sinh viên tham gia các hội thảo, hội nghị. Nhiều hoạt động triển khai linh hoạt theo hướng luân phiên các sinh viên trong lớp, không để tình trạng có nhóm tham gia rất nhiều chương trình, nhưng có nhóm lại không tham gia hoạt động nào.
“Đa số sinh viên rất tích cực tham gia các buổi sinh hoạt hay chương trình nhà trường tổ chức; tuy nhiên, vẫn còn bộ phận nhỏ chưa tuân thủ. Các trường hợp này đã bị nhắc nhở, chấn chỉnh ngay sau khi kết thúc hoạt động.
Bên cạnh việc nhắc nhở, kiểm điểm sinh viên về ý thức, Học viện Phụ nữ Việt Nam thường xuyên trao đổi với sinh viên, để các em hiểu rằng, hoạt động ngoài giờ không chỉ để cộng điểm mà còn là cơ hội để sinh viên mở mang tư duy, trải nghiệm, tăng cường vốn sống, cải thiện khả năng giao tiếp, kết nối với mọi người,… từ đó, giúp ích cho việc học tập cũng như ra trường sau này”, thầy Minh nhấn mạnh.
Tại Trường Đại học Quảng Bình, hình thức cộng - trừ điểm rèn luyện cũng được áp dụng linh hoạt để đánh giá sinh viên toàn diện.
Tiến sĩ Trương Thị Tư - Trưởng phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên, Trường Đại học Quảng Bình cho biết, nhà trường có nhiều hoạt động ý nghĩa, khi sinh viên tham gia, sẽ được cộng điểm như hiến máu, tham gia các hội nghị, sự kiện của trường.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trương Thị Tư cũng cho rằng, việc trừ điểm rèn luyện đang đem lại hiệu quả tốt.
“Tại Trường Đại học Quảng Bình, sinh viên sẽ bị trừ điểm rèn luyện nếu mặc sai trang phục, không đeo thẻ sinh viên, không giữ gìn vệ sinh giảng đường,... Sau khi áp dụng mức trừ điểm rèn luyện vào các hành vi vi phạm này, tình trạng sinh viên ăn uống, vứt rác bừa bãi trong giảng đường gần như không có. Các ngày thứ Hai, thứ Sáu, sinh viên đều tuân thủ mặc áo sơ mi trắng, áo Đoàn, giúp hình ảnh học đường đẹp đẽ hơn”, cô Tư cho biết thêm.
Áp lực điểm rèn luyện đến từ tâm lý “sợ thua kém” của sinh viên
Dù điểm rèn luyện có thể đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc sinh viên chấp hành nội quy cũng như tham gia các sự kiện, tuy nhiên, điều này cũng dần trở thành “gánh nặng” vô hình trong mắt sinh viên.
Lý giải về điều này, Thạc sĩ Nguyễn Thành Đông - Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Tài chính - Marketing chia sẻ: “Hiện tại, toàn bộ hoạt động của sinh viên đều thể hiện trên trang thông tin dành riêng cho người học. Khi tham gia các sự kiện của trường, thực hiện điểm danh xong, sinh viên sẽ được cộng điểm rèn luyện và cập nhật ngay trên hệ thống.
Do đó, sinh viên luôn nắm bắt được điểm rèn luyện của mình là bao nhiêu, để có thể chủ động phấn đấu. Tuy nhiên, theo đánh giá, sinh viên thường có hội chứng Fomo (hội chứng tâm lý sợ bỏ lỡ những điều mà người khác có được). Vì vậy, sinh viên luôn muốn đạt được điểm rèn luyện ở mức cao, để bằng các bạn khác, thành ra tự gây áp lực cho chính mình”.
Theo thầy Đông, hiện nay, sinh viên chỉ cần chấp hành tốt nội quy trường, học tập đầy đủ, đã có thể đạt được mức điểm khá. Theo quy định tại Thông tư số 16/2015/TT-BGDĐT, từ 65 điểm đến 80 điểm được xếp loại khá, từ 80 điểm đến 90 điểm là loại tốt và từ 90 trở lên được xếp loại xuất sắc.
“Nhà trường quy định sinh viên trên 50 điểm rèn luyện là đạt và mong muốn các bạn chạm mức điểm tốt (80-90 điểm); tuy nhiên, hiện nay, nhiều sinh viên đã và đang hướng tới mức điểm xuất sắc (từ 90 điểm trở lên).
Bên cạnh đó, một lý do khác khiến nhiều sinh viên đặt ra mục tiêu điểm rèn luyện cao là vì muốn thi đua với bạn bè để nhận học bổng. Với trường hợp này, sinh viên buộc phải dành nhiều thời gian hơn để đạt được mức điểm rèn luyện như nguyện vọng”, thầy Đông chia sẻ.
Nhằm phát huy tối đa vai trò của điểm rèn luyện trong việc đánh giá sinh viên, Thạc sĩ Hoàng Thế Minh nhận định, các cơ sở giáo dục đại học nên tạo điều kiện cho sinh viên đăng ký tham gia các buổi ngoại khóa, hội thảo, sự kiện trên tinh thần tự nguyện, đồng thời phải đảm bảo không trùng với lịch học.
“Khi đó, việc cộng điểm rèn luyện sẽ đánh giá chính xác hơn về ý thức, tinh thần của sinh viên tham gia và hạn chế được tình trạng người học đến các hội thảo, hội nghị với tâm thế “đối phó”, tham gia chỉ để có mặt, có tên”, thầy Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thạc sĩ Hoàng Thế Minh nhắn nhủ thêm, song song với các hoạt động trong nhà trường, sinh viên có thể tranh thủ thời gian để tham gia các hoạt động sinh hoạt, hội họp tại nơi cư trú hoặc các câu lạc bộ liên trường. Như vậy, sinh viên sẽ vừa có trải nghiệm thú vị, vừa có cơ hội cải thiện điểm rèn luyện (nếu có xác nhận/chứng nhận để làm minh chứng).
Ngoài ra, thầy Minh cũng cho biết: “Có rất nhiều hoạt động khác nhau để sinh viên nâng cao điểm rèn luyện. Tuy nhiên, nếu sinh viên được nhà trường yêu cầu tải các ứng dụng bên ngoài hoặc liên kết với các đơn vị doanh nghiệp, chỉ để lấy điểm rèn luyện, thì nên cảnh giác trước khi tiến hành. Với trường hợp này, sinh viên cần làm trao đổi lại với nhà trường về mục đích của hoạt động trên và thống nhất hướng thực hiện".