Giải pháp cho tương lai xanh
Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 1/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (FSC) để đánh giá chất lượng quản lý rừng bền vững, xây dựng những bộ tiêu chuẩn gồm các nguyên tắc, tiêu chí, chỉ số làm thước đo khi tiến hành đánh giá và cấp chứng chỉ cho những khu rừng. Theo đó, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các địa phương và cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; phối hợp triển khai khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch và tuyên truyền đến các chủ rừng tham gia cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Nhờ vậy rừng được bảo vệ tốt hơn và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Lâm nghiệp.

Xác định giống là yếu tố tiên quyết làm nên chất lượng rừng trồng, Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy sản xuất cây giống chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Kỳ 1: Khai mở kiến thức người trồng rừng
FSC là 3 chữ cái viết tắt Forest Stewardship Council - Hội đồng quản lý rừng quốc tế, được thành lập từ năm 1993 là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế thực hiện nhiệm vụ quản lý và kiểm soát việc khai thác rừng bền vững. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là chứng chỉ được cấp cho các chủ rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích xã hội và người dân địa phương, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng. Vì vậy, tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả chính sách; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để triển khai thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
Phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC
Khai thác tiềm năng, lợi thế là địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh với tổng diện tích trên 42.000ha, huyện Tân Sơn đang chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Tài nguyên cùng các địa phương rà soát thị trường tiêu thụ sản phẩm từ rừng trồng. Thị trường nào bắt buộc phải thực hiện theo hệ thống chứng chỉ Quốc tế thì mời các đơn vị tư vấn thực hiện nội dung rà soát, thẩm định hiện trường, đánh giá hồ sơ đủ điều kiện gửi tư vấn Quốc tế xem xét cấp chứng chỉ FSC theo quy định. Đồng thời chỉ đạo các địa phương tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp và người dân rà soát, lập hồ sơ quản lý rừng FSC, triển khai đánh giá hiện trường để cấp chứng chỉ rừng bền vững...
Với diện tích rừng trồng lớn như vậy, chứng chỉ FSC được coi như “tấm vé thông hành” cho sản phẩm gỗ rừng trồng của địa phương vươn ra thế giới. Hiện nay, việc cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn do doanh nghiệp chủ động đầu tư nguồn kinh phí, phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện từ khâu điều tra, khảo sát diện tích rừng; lựa chọn các hộ tham gia; tổ chức tập huấn cho các nhóm hộ liên kết; thuê đơn vị tư vấn đánh giá để cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC tại địa phương...
Khi người trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ mang lại lợi ích lâu dài, đảm bảo hệ sinh thái của rừng trồng, người trồng rừng được doanh nghiệp tư vấn về kỹ thuật, quá trình chăm sóc, theo dõi sự phát triển của rừng. Đặc biệt doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm gỗ cao hơn giá thị trường. Với những lợi ích mà chứng chỉ FSC mang lại, đa số các chủ rừng trên địa bàn huyện Tân Sơn đã đồng loạt hưởng ứng tham gia triển khai thực hiện đánh giá cấp chứng chỉ FSC, đến nay tổng diện tích được cấp chứng chỉ rừng bền vững FCS trên địa bàn huyện là gần 13.000ha.
Cùng với huyện Tân Sơn, với mục tiêu nâng tầm cho gỗ rừng trồng, hiện tại huyện Đoan Hùng đang phối hợp với các đơn vị có đủ tiêu chuẩn cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho các xã trên địa bàn đủ điều kiện. Việc cấp chứng chỉ FSC sẽ giúp cho gỗ rừng trồng của người dân được ký kết bao tiêu cao hơn giá thị trường, các sản phẩm từ gỗ sau khi chế biến sẽ được xuất khẩu sang nước ngoài.
Để quản lý rừng bền vững và có được chứng chỉ FSC, các công ty lâm nghiệp, chủ rừng cần phải xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt, khắt khe về quản lý, bảo vệ rừng từ việc xây dựng phương án, quy hoạch trồng rừng đến xây dựng hệ thống đường vận chuyển, cách khai thác gỗ, mở đường, bảo dưỡng đường khai thác, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác phát triển rừng bền vững... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7 chủ rừng là các doanh nghiệp, hợp tác xã với hơn 36.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Theo đó, các sản phẩm được chứng nhận đều được quản lý thống nhất qua hệ thống dữ liệu có tính chuỗi FSC và được nhận diện bằng logo, nhãn hiệu cụ thể.

Lực lượng kiểm lâm huyện Thanh Sơn khảo sát diện tích rừng cấp chứng chỉ FSC tại xã Võ Miếu.
Nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp
Thực tế cho thấy, chứng chỉ rừng FSC giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng từ 20-30% so với những sản phẩm cùng loại, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng. Cùng với đó, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC còn mang lại những lợi ích thiết thực về giá trị môi trường, tăng độ che phủ rừng, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững; tạo sức lan tỏa tích cực, hiệu ứng rộng khắp để cùng hướng tới một mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
Phú Thọ được đánh giá là có tiềm năng, lợi thế to lớn về phát triển kinh tế rừng. Đồng chí Trương Quang Đăng - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thời gian qua công tác bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành chức năng quan tâm thực hiện. Hàng năm, diện tích trồng rừng bình quân trên 9.000ha đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ngành Nông nghiệp và Môi trường đã hướng dẫn triển khai thực hiện đến các chủ rừng, doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Mục tiêu quản lý rừng bền vững là bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng, cũng như thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Từ đó, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Để thực hiện tốt mục tiêu, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững thông qua Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND (Nghị quyết 05), ngày 19/7/2019; Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND, ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh thay thế Nghị quyết 05 về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Nhờ đó, cùng với các công ty lâm nghiệp thành viên thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam, có 4 công ty và 2 HTX gồm: Công ty CP Gemmy Tân Sơn, Công ty CP Lâm nghiệp Ông Bụt, Công ty CP Lương Sơn, Công ty TNHH Hào Gia Phú Thọ, HTX lâm nghiệp bền vững và HTX phát triển rừng bền vững - vùng phía Bắc đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững với diện tích trên 40.000ha rừng sản xuất. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thấy được lợi ích từ việc trồng rừng, tiến tới liên kết các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, góp phần tăng tỷ lệ diện tích rừng có chứng chỉ, phù hợp với chiến lược phát triển, kế hoạch lâm nghiệp của tỉnh.
Về hiệu quả kinh tế của việc trồng rừng chứng chỉ FSC, theo đồng chí Nguyễn Đức Vinh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn, thông thường chu kỳ trồng rừng truyền thống khoảng từ 5-6 năm là thu hoạch, với giá trị khoảng 80 triệu đồng/ha nhưng với rừng chứng chỉ FSC từ 8-10 năm, giá trị thu được gần 200 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 2 lần so với giá rừng thông thường. Trong khi đó trồng rừng thông thường với thời gian 10 năm để đạt giá trị 160 triệu đồng/ha, phải mất 2 chu kỳ canh tác và chi phí đầu tư 2 lần. Như vậy có thể thấy, hiệu quả kinh tế khi trồng rừng chứng chỉ FSC cao hơn so với trồng rừng truyền thống. Về đầu ra sản phẩm gỗ rừng chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC giữa các chủ rừng với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ FSC với giá cao hơn với so với giá gỗ không có chứng chỉ từ 10-12%.
>>> Kỳ 2: Giải "bài toán" tăng diện tích rừng FSC