Doanh nghiệp kỳ vọng tăng tốc chuyển đổi xanh từ Nghị quyết 68
Doanh nghiệp kỳ vọng sớm có chương trình hành động cụ thể, lộ trình rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể và cần cơ chế phản hồi chính sách hiệu quả từ cộng đồng doanh nghiệp.

Điện mặt trời áp mái nhà xưởng ở công ty nhựa DUYTAN. Ảnh. Vũ Phong
Theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình cấp thẩm quyền để trình Quốc hội ban hành nghị quyết về thực hiện các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68).
Thời gian thực hiện là ngay trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV hiện đang diễn ra, dự kiến bế mạc vào ngày 30/6 tới.
Những chuyển động nhanh chóng này được nhiều doanh nghiệp và giới chuyên gia kỳ vọng sẽ mở rộng cánh cửa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Để hiểu rõ hơn những mong mỏi từ phía doanh nghiệp sau Nghị quyết 68, TheLEADER đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phạm Đăng An, Giám đốc VP Carbon, Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và chuyển đổi xanh.
Ông đánh giá như thế nào về việc ban hành nghị quyết riêng cho kinh tế tư nhân ở thời điểm này? Theo ông, đâu là những điểm mới hoặc tín hiệu tích cực nhất mà doanh nghiệp kỳ vọng từ nghị quyết lần này?

Ông Phạm Đăng An, Giám đốc VP Carbon, Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group
Ông Phạm Đăng An: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vào thời điểm hiện nay là một quyết sách rất kịp thời và mang tính chiến lược. Nghị quyết này không chỉ khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân mà còn đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Điểm nổi bật của nghị quyết còn nằm ở chỗ minh bạch hóa, số hóa, tự động hóa thủ tục hành chính. Đơn cử, trong năm nay, cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục, 30% chi phí tuân thủ, 30% điều kiện kinh doanh; phấn đấu đến 2028, môi trường kinh doanh thuộc nhóm 3 ASEAN, nhóm 30 thế giới.
Đây là những tín hiệu tích cực mà cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hơn.
Nếu phải chọn một ưu tiên cấp thiết để thực hiện ngay sau nghị quyết, Vũ Phong mong muốn điều gì đối với lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động?
Ông Phạm Đăng An: Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hàng đầu nên là cụ thể hóa các định hướng của nghị quyết thành chính sách rõ ràng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế xanh.
Việc sớm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường carbon, cơ chế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ giúp khu vực tư nhân phát triển bền vững. Điều này còn đóng góp tích cực vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà Việt Nam đã cam kết cũng như đáp ứng được các yêu cầu từ các thị trường quốc tế.
Để Nghị quyết 68 đi vào thực tiễn hiệu quả, theo chúng tôi, cần sự đồng bộ trong hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là vai trò điều phối và giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.
Với sự quyết tâm của các cơ quan ban ngành trong thời gian vừa qua, nghị quyết chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân.
Với lĩnh vực chuyển đổi xanh, Vũ Phong kỳ vọng như thế nào về các hành động tiếp theo từ phía chính phủ nhằm tháo gỡ những thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải? Việc tháo gỡ đó sẽ mang lại cơ hội phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam như thế nào trong 5 năm tới?
Ông Phạm Đăng An: Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm xây dựng chương trình hành động cụ thể, có lộ trình rõ ràng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương; đồng thời, thiết lập cơ chế phản hồi chính sách hiệu quả từ cộng đồng doanh nghiệp.
Việc theo dõi, đánh giá, rút kinh nghiệm định kỳ cũng rất cần thiết để bảo đảm Nghị quyết được triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Về cơ hội phát triển, trong bối cảnh xu thế toàn cầu hướng đến phát triển xanh, bền vững và chuyển đổi số mạnh mẽ, chuyển đổi kép, xanh hóa dựa trên nền tảng số hóa, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao.
Nếu có thêm những chính sách phù hợp, tôi tin rằng trong 5 năm tới sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vươn lên mạnh mẽ cả về quy mô lẫn năng lực cạnh tranh.
Với lĩnh vực chuyển đổi xanh, từ thực tế triển khai các dự án năng lượng tái tạo mà Vũ Phong đã thực hiện suốt nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần giải quyết.
Trước hết, cần hoàn thiện nhanh chóng khung pháp lý cho thị trường carbon, bao gồm cả thị trường bắt buộc và tự nguyện, đồng thời xây dựng hệ thống đo đạc – báo cáo – thẩm định (MRV) đồng bộ.
Bên cạnh đó, có các cơ chế tài chính xanh rõ ràng, ưu đãi tín dụng xanh và các cơ chế hỗ trợ chuyển đổi xanh dành cho doanh nghiệp; tăng cường lồng ghép tiêu chí xanh vào các chính sách phát triển kinh tế, như đấu thầu công, ưu đãi đầu tư, và lựa chọn dự án trọng điểm.
Không chỉ vậy, cần đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ kinh tế xanh. Việc đào tạo lực lượng kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý am hiểu về phát triển bền vững, ESG, thị trường carbon và công nghệ xanh cần được chú trọng.
Những chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp tư nhân đóng góp hiệu quả hơn cho quá trình phát triển bền vững mà còn tạo nền tảng để Việt Nam thực hiện thành công cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cảm ơn ông!