Bản tin trưa 13/5: Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh kỷ cương tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp

Tin tức đáng chú ý trưa 13/5: Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh kỷ cương tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp; Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch đàm phán, ký kết FTA năm 2025; VinFast ra mắt xe điện chở hàng cỡ nhỏ giá từ 285 triệu đồng; Lộ diện quỹ đầu tư đến từ Mỹ vừa cam kết 'rót' 80 triệu USD cho Meey Group; TP.HCM phấn đấu giải ngân hết 84.400 tỷ đồng đầu tư công.

Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh kỷ cương tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 63/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Công điện gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu rõ:

Để tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 68/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao nghiên cứu các kết quả về môi trường kinh doanh và cải thiện chất lượng quản trị môi trường tại Báo cáo Chỉ số PCI 2024 (do VCCI công bố ngày 6/5/2025) để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế; chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, giải quyết dứt điểm các phản ánh, kiến nghị nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng điều hành, phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý về tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp; phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

Triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng nội địa bền vững; đồng thời đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt tập trung vào các vị trí kỹ thuật chuyên môn và quản lý giám sát thông qua hợp tác với các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề và chương trình thực tập thực tế tại doanh nghiệp...

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với VCCI và các bộ, cơ quan liên quan đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025.

Đồng thời, đề nghị VCCI tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan của Chính phủ; chủ động nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các nghiên cứu độc lập, khách quan về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các vấn đề về pháp luật, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của kinh tế tư nhân.

Văn phòng Chính phủ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền theo quy định.

Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch đàm phán, ký kết FTA năm 2025

Bộ Công Thương được giao xây dựng kế hoạch đàm phán, ký kết FTA trong năm 2025 với một số quốc gia tiềm năng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2025. Đây là một trong các nhiệm vụ được đưa ra tại Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 của Chính phủ.

Nghị quyết nêu, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có những biến động lớn, phức tạp và khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn; xung đột quân sự tại một số khu vực vẫn tiếp diễn; căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng...

Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỉ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quyết liệt các giải pháp tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu và chuỗi cung ứng, đẩy mạnh kết nối cung - cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp.

Cùng đó, có chính sách khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh và năng lực, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, tăng cường các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP.

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động, tích cực hoàn thiện và triển khai các phương án đàm phán với Mỹ; thúc đẩy tiến hành thủ tục tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng (ITA2), mở cửa thị trường đối với sản phẩm công nghệ của Mỹ.

Tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ quan thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài, các chương trình triển lãm, hội chợ quốc tế lớn để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, giàu tiềm năng đối với các sản phẩm có thế mạnh, nhất là các thị trường Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ La tinh, Ấn Độ, Ai Cập, Pakistan...

Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch đàm phán, ký kết các FTA trong năm 2025 với một số quốc gia tiềm năng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5.

VinFast ra mắt xe điện chở hàng cỡ nhỏ giá từ 285 triệu đồng

VinFast vừa công bố ra mắt dòng xe điện chở hàng cỡ nhỏ EC Van, hướng đến cuộc cách mạng xanh trong vận tải hàng hóa.

Xe tải chở hàng cỡ nhỏ EC Van (E-City Van - xe tải điện đô thị) của VinFast là dòng xe điện đầu tiên gia nhập phân khúc xe tải chở hàng tại Việt Nam. Xe có thiết kế nhỏ gọn, kích thước dài, rộng, cao lần lượt là 3.767 - 1.680 - 1.790 mm, chiều dài cơ sở 2.520 mm, phù hợp với mọi không gian và điều kiện đường sá từ thành thị đến nông thôn. Xe có thiết kế khoang lái 2 chỗ ngồi cùng khoang hành lý phía sau với dung tích chứa hàng lên tới 2.600 lít, tải trọng trên 600kg.

Xe được trang bị một động cơ điện có công suất tối đa 30kW, mô-men xoắn cực đại 110Nm, tốc độ tối đa 75km/h. Dung lượng pin khả dụng 17kWh cho phép xe di chuyển quãng đường 150km sau mỗi lần sạc đầy. Xe hỗ trợ sạc nhanh DC tối đa 19,4kW, thời gian sạc từ 10% lên 70% pin trong vòng 42 phút. Khách hàng cũng có thể mua bộ sạc di động 3kW để sạc pin cho xe qua đêm tại nhà.

VinFast EC Van được trang bị hệ thống phanh đĩa trước, phanh tang trống sau cùng các công nghệ như chống bó cứng phanh (ABS), phân phối lực phanh điện tử (EBD), kiểm soát lực kéo (TCS), đèn báo nguy hiểm khi phanh khẩn cấp (ESS)…

VinFast EC Van có giá bán 285 triệu đồng (kèm pin), được bảo hành chính hãng 5 năm hoặc 130.000km cho xe, 7 năm hoặc 160.000km cho pin (tùy điều kiện nào đến trước). Bên cạnh phiên bản tiêu chuẩn, VinFast cũng sẽ cung cấp cho khách hàng một gói trang bị tùy chọn trị giá 20 triệu đồng để nâng cấp thêm một số tiện nghi theo nhu cầu.

Lộ diện quỹ đầu tư đến từ Mỹ vừa cam kết “rót” 80 triệu USD cho Meey Group

Ngày 13/5/2025, tại New York (Mỹ) đã diễn ra lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa Global Emerging Markets (GEM) với Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land (Meey Group). Theo đó, Quỹ GEM đã cam kết dành 80 triệu USD để “rót” vào các dự án trong hệ sinh thái của Meey Group.

Tại buổi lễ ký kết, ông Chris F. Brown - Giám đốc Quỹ GEM cũng đánh giá cao tiềm năng của Meey Group và cho biết có thể xem xét bổ sung nguồn vốn để giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu trong thời gian tới.

“Sự cam kết của GEM có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Meey Group trên hành trình chinh phục thị trường quốc tế. Tất nhiên, để được “giải ngân” tài chính, chúng tôi cũng phải đáp ứng một số điều kiện ràng buộc kèm theo của phía đối tác. Về điều này, chúng tôi đã lường trước và đã có các chiến lược cụ thể để thực hiện...”, ông Hoàng Mai Chung - Chủ tịch HĐQT của Meey Group chia sẻ.

Global Emerging Markets (GEM) là một tập đoàn đầu tư tài chính của Mỹ, với quy mô lên tới 3,4 tỷ USD, có văn phòng đặt tại Paris, New York và Nassau (Bahamas) được thành lập từ năm 1991.

Với hệ thống trải rộng khắp thế giới, danh mục đầu tư đa dạng, GEM chuyên “nhắm” đến các công ty vừa và nhỏ có tiềm năng thuộc nhiều lĩnh vực từ công nghệ cao đến năng lượng tái tạo, y tế và khai khoáng… tại những thị trường mới nổi.

Các quỹ do GEM thành lập phải kể đến như CITIC/GEM Fund, VC Bank/GEM Mena Fund, Kinderhook, GEM Global Yield Fund, GEM India Advisors, Brazil PE Fund…

TP.HCM phấn đấu giải ngân hết 84.400 tỷ đồng đầu tư công

UBND TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công được giao năm nay, tương đương hơn 84.400 tỷ đồng.

Cụ thể, UBND Thành phố vừa đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Theo đó, địa phương này đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% vốn theo kế hoạch được Thủ tướng giao, khoảng 84.400 tỷ đồng.

Đầu năm nay, Thành phố từng đặt mục tiêu tiến độ giải ngân quý I là 15%, quý II từ 35%, quý III từ 70% và quý IV đạt 95%. Tuy nhiên, đến ngày 25/4, TP.HCM mới giải ngân được 5.828,4 tỷ đồng, đạt 6,9% so với kế hoạch, theo Chi cục Thống kê TP.HCM. Điều này đồng nghĩa trung bình mỗi tháng tới, Thành phố phải giải ngân hơn 9.800 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai linh hoạt, kịp thời các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình liên vùng, cao tốc. Việc giải ngân vẫn phải gắn với bảo đảm chất lượng.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, quận, huyện và giám đốc các ban quản lý dự án nâng cao trách nhiệm. Riêng phần vốn chưa được phân bổ chi tiết trước ngày 15/3, Thành phố yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm trễ.

Cập nhật tiến độ các dự án trọng điểm, Chi cục Thống kê TP.HCM cho biết, địa phương đã khánh thành hàng loạt công trình trong 4 tháng đầu năm như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đoạn nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, thông xe cao tốc Bến Lức - Long Thành, khởi công dự án khép kín Vành đai 2, nạo vét rạch Xuyên Tâm.

Với các hạ tầng đang triển khai, Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đạt 46,5% tiến độ, dự kiến hoàn thành năm 2026. Rạch Xuyên Tâm tăng vốn lên 17.230 tỷ đồng, một số gói thầu khởi công từ cuối tháng 4 và trước 2/9.

Tuyến Metro số 2 cơ bản hoàn tất bồi thường sẽ giao mặt bằng sạch quý III và khởi công cuối năm. Vành đai 3 đã nhận 99,8% mặt bằng, tiến độ đạt hơn 32%. Nút giao An Phú đạt 53% khối lượng. Dự án khép kín Vành đai 2 gần 5.240 tỷ đồng đang thiết kế và lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công tháng 9, hoàn thành vào 30/4/2027.

Thanh An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-trua-13-5-thu-tuong-chi-dao-chan-chinh-ky-cuong-tao-moi-truong-kinh-doanh-cho-doanh-nghiep-317791.html
Zalo