Giai đoạn 2016-2024: Ghi dấu ấn 12 thành tựu nổi bật về lao động, người có công và xã hội

Trong giai đoạn 2016-2024, lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội đã ghi những dấu ấn nổi bật trong công tác xây dựng pháp luật và thực hiện chính sách an sinh xã hội với người dân. Xin giới thiệu 12 thành tựu nổi bật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của giai đoạn này.

Nhìn lại chặng đường gần 10 năm qua (giai đoạn 2016-2024), ngành lao động-thương binh và xã hội đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Hệ thống chính sách không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiến bộ, công bằng, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh đối với người dân theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm an sinh xã hội đã có bước chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh của công dân...

Dưới đây là 12 thành tựu nổi bật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2016-2024.

1. HOÀN THÀNH KHỐI LƯỢNG VĂN BẢN RẤT LỚN VỀ AN SINH XÃ HỘI VÀ LAO ĐỘNG-VIỆC LÀM

Các đại biểu Quốc hội bấm bút thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 29/6/2024. (Ảnh DUY LINH)

Các đại biểu Quốc hội bấm bút thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 29/6/2024. (Ảnh DUY LINH)

Trong giai đoạn 2016-2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thành một khối lượng văn bản rất lớn, trong đó đã trình Quốc hội ban hành 4 luật (Luật Trẻ em năm 2016, Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020, Luật Bảo hiểm xã hội).

Bộ luật Lao động năm 2019 với nhiều điểm mới và thay đổi nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế về lao động và lần đầu tiên tuổi nghỉ hưu được luật hóa.

Trong giai đoạn 2016-2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Quốc hội ban hành 4 luật (Luật Trẻ em năm 2016, Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020, Luật Bảo hiểm xã hội).

Đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã chủ trì tham mưu, trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; phối hợp với Bộ Nội vụ trình Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; đã tham mưu Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và trình Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Nhiều lĩnh vực của ngành đã có chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của ngành.

2. NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH, GIẢI PHÁP TẠO VIỆC LÀM ĐỒNG BỘ, TÍCH CỰC, HIỆU QUẢ

Chính sách lao động - việc làm đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, kể cả trong giai đoạn nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, đình trệ hay trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp cơ bản tạo việc làm bền vững.

Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. (Ảnh Colab/PHƯƠNG NAM)

Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. (Ảnh Colab/PHƯƠNG NAM)

Chính sách việc làm không chỉ hỗ trợ người lao động có việc làm, mà còn từng bước tác động vào chuyển dịch cơ cấu lao động theo địa bàn, theo ngành; đồng thời hỗ trợ người lao động yếu thế tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động; góp phần chuyển dịch lao động phi chính thức sang chính thức, hỗ trợ lao động phi chính thức, góp phần thích ứng với quá trình già hóa dân số, những xu hướng việc làm mới như việc làm xanh, việc làm công bằng...

Triển khai nhiều chương trình và giải pháp tạo việc làm đồng bộ, tích cực, hiệu quả; hằng năm giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%.

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhiều đột phá về mở rộng thị trường, quy mô và chất lượng nguồn lao động, giải quyết ổn định việc làm gắn với thu nhập cao.

Hiện nay, có hơn 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5-4 tỷ đô-la Mỹ/năm.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Bộ đã chỉ đạo và tham mưu Chính phủ, Quốc hội, Trung ương Đảng chỉ đạo duy trì hoạt động của các chuỗi cung ứng thị trường lao động, không để đứt gãy hoạt động của thị trường lao động; tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động quay trở về địa phương khi có dịch và quay trở lại địa bàn làm việc khi hết dịch.

Công tác quản lý lao động nước ngoài đã giúp cung ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường trong nước mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được; bảo đảm hài hòa giữa lao động trong nước và lao động nước ngoài trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

3. BẢO HIỂM XÃ HỘI PHÁT HUY VAI TRÒ LÀ MỘT TRỤ CỘT CHÍNH CỦA HỆ THỐNG AN SINH XÃ HỘI

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV in đậm dấu ấn với việc thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). (Ảnh DUY LINH)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV in đậm dấu ấn với việc thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). (Ảnh DUY LINH)

Với sự ra đời của Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Trung ương trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội đã giúp cải cách toàn diện lĩnh vực bảo hiểm xã hội để chính sách bảo hiểm xã hội thực sự đã phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Độ bao phủ không ngừng được mở rộng, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng đều hằng năm.

Dự kiến đến hết tháng 12/2024, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 20,1 triệu người chiếm 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi (gấp 1,78 lần so với năm 2017, trong 22 năm từ 1995 đến 2017 mới chỉ có 24% nhưng chỉ sau 7 năm từ 2018 đến 2024 đã phát triển thêm 18,7%).

Dự kiến đến hết tháng 12/2024, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 20,1 triệu người chiếm 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trong đó, số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt hơn 2,3 triệu người chiếm 4,9% lực lượng lao động trong độ tuổi (gấp hơn 11,5 lần so với năm 2017). Cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, được chi trả bằng nhiều hình thức, linh hoạt.

Bảo hiểm thất nghiệp cũng đã trở thành giá đỡ quan trọng, hỗ trợ hiệu quả cả doanh nghiệp và người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, mất việc làm.

4. CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUAN HỆ LAO ĐỘNG VÀ TIỀN LƯƠNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN

Các chủ trương, đường lối của Đảng về quan hệ lao động và tiền lương ngày càng được hoàn thiện. Hệ thống chính sách, pháp luật về quan hệ lao động và tiền lương được sửa đổi, bổ sung ngày càng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng và tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện đúng các nguyên tắc của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích cho các bên.

Quan hệ lao động, tiền lương ghi nhận nhiều phát triển vượt bậc; tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể dần đi vào thực chất hơn; các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động được củng cố, kiện toàn; cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công từng bước được chuyển đổi, số cuộc tranh chấp lao động tập thể và đình công giảm dần.

Tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác quan hệ lao động từ Trung ương đến địa phương từng bước được củng cố, kiện toàn; phương thức quản lý được đổi mới.

Lương tối thiểu được định kỳ điều chỉnh với tốc độ tăng bình quân 5,96%/năm, tiền lương bình quân của lao động làm công hưởng lương tăng bình quân 6,57%/năm; đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện.

5. PHÁP LUẬT AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG TIỆM CẬN VỚI THÔNG LỆ QUỐC TẾ

Hệ thống pháp luật liên quan đến an toàn vệ sinh lao động được ban hành đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, tiệm cận với thông lệ quốc tế về an toàn vệ sinh lao động và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Hằng năm, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động được phát động với mục đích tạo cao điểm các hoạt động truyền thông, thúc đẩy các chương trình hành động, cải thiện điều kiện lao động; hàng trăm ngàn sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

6. GẮN KẾT GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG - DOANH NGHIỆP

Công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã được thống nhất. Gắn kết giáo dục nghề nghiệp - thị trường lao động - doanh nghiệp được đẩy mạnh. Sau 10 năm triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, đến nay, cả nước đã hình thành mạng lưới giáo dục nghề nghiệp rộng khắp cả nước.Nhận thức của toàn xã hội về công tác giáo dục nghề nghiệp thay đổi rõ rệt; quy mô đào tạo không ngừng được mở rộng; chất lượng đào tạo nghề tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ.

Phạm Thành Đạt (giữa) giành Huy chương Đồng tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47, tháng 9/2024. (Ảnh: Molisa)

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong tốp 4 và chỉ xếp sau Singapore và Indonesia. Việt Nam đã tham gia các kỳ thi Kỹ năng nghề Asean, Thế giới và đạt được nhiều thành tích nổi bật.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,6% năm 2016 lên 69% năm 2024, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 21,39 lên 28,1%.

Điều này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực đáp ứng cho các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn. Nhiều ngành nghề trước đây phải sử dụng lao động từ nước ngoài thì đến nay lao động Việt Nam đã dần đáp ứng, thay thế.

7. GIẢI QUYẾT CĂN BẢN HỒ SƠ TỒN ĐỌNG TRONG XÁC NHẬN NGƯỜI CÓ CÔNG

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và xã hội đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả.

Các đại biểu dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Các đại biểu dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng; mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh phù hợp với lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Cụ thể, mức chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng tăng từ 1.318.000 đồng năm 2015 lên 2.789.000 đồng năm 2024, tăng gấp 2,1 lần (bình quân mỗi năm tăng 21,2%.

Người có công được quan tâm, chăm sóc cả về thể chất và tinh thần. Đến nay, xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công và thân nhân, có hơn 1,2 triệu người đang hưởng ưu đãi hằng tháng; giai đoạn 2016-2020 đã cơ bản hỗ trợ dứt điểm đối với hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở (hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở cho 339.176 hộ người có công trên cả nước đạt tỷ lệ 96,7%).

98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng trong xác nhận người có công; thực hiện tốt hoạt động quy tập hài cốt liệt sĩ, Đề án xác định danh tính liệt sĩ, tu bổ, nâng cấp nghĩa trang và công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí bình quân 600-700 tỷ đồng/năm.

Đến nay, xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công và thân nhân, có hơn 1,2 triệu người đang hưởng ưu đãi hằng tháng; giai đoạn 2016-2020 đã cơ bản hỗ trợ dứt điểm đối với hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở (hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở cho 339.176 hộ người có công trên cả nước đạt tỷ lệ 96,7%).

8. VIỆT NAM - ĐIỂM SÁNG VỀ GIẢM NGHÈO TRÊN THẾ GIỚI

Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện; ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo; hàng chục triệu hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả, nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác giảm nghèo đạt kết quả nổi bật, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, cận nghèo được cải thiện, người nghèo đã có tài sản và được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh, năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 9,88%, đến năm 2023 chỉ còn 1,93%, dự kiến giảm còn dưới 1% vào cuối năm 2024.

Giảm nghèo đa chiều được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đổi mới về phương thức, giải pháp thực hiện, tập trung vào các đối tượng nghèo nhất với nhiều mô hình mới, cách làm hay, gắn kết giữa tạo sinh kế, việc làm, đào tạo nghề và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; nhiều địa phương ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chủ động vươn lên thoát nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh, năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 9,88%, đến năm 2023 chỉ còn 1,93%, dự kiến giảm còn dưới 1% vào cuối năm 2024.

Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

9. CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐƯỢC MỞ RỘNG VỀ ĐỐI TƯỢNG, TĂNG MỨC HƯỞNG

Chính sách trợ giúp xã hội được mở rộng về đối tượng, tăng mức hưởng, thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả. Quy trình và công tác xác định đối tượng được hoàn thiện, tổ chức triển khai minh bạch, có sự tham gia của các cấp chính quyền và người dân. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hằng năm, đạt 3,8 triệu người (bao phủ hơn 3% dân số).

Trong bối cảnh đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, thảm họa và rủi ro khác, hệ thống trợ giúp xã hội đã phát huy mạnh mẽ, nổi bật là lưới an sinh xã hội cuối cùng của hệ thống an sinh xã hội ở nước ta có chức năng bảo đảm, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của đời sống vật chất và tinh thần đối với người dân, nhất là các nhóm đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương.

Các đối tượng, cơ chế, chính sách, chương trình trợ giúp xã hội được hoàn thiện, phát triển, mở rộng phạm vi thụ hưởng, nâng cao chất lượng chính sách, phổ quát, toàn diện.

Trong giai đoạn 2016-2024, mức chuẩn trợ giúp xã hội đã tăng từ 270.000 đồng/tháng năm 2016 lên mức 500.000 đồng/tháng năm 2024 (tăng 85,2% so với năm 2016); độ bao phủ của chính sách trợ cấp xã hội tăng từ 2,7% dân số năm 2016 lên 3,8% dân số năm 2024; chi ngân sách nhà nước cho trợ giúp xã hội tăng 113% từ 15.000 tỷ đồng năm 2016 lên 32.000 tỷ đồng năm 2024.

10. BẢO ĐẢM THỰC HIỆN QUYỀN TRẺ EM

Hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện với việc Quốc hội thông qua Luật Trẻ em năm 2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Các đại biểu dự Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ bảy năm 2022. (Ảnh NHẬT QUANG)

Các đại biểu dự Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ bảy năm 2022. (Ảnh NHẬT QUANG)

Hệ thống quan điểm bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất; bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển; bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện chính sách đối với trẻ em được triển khai trong các nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển toàn diện trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật…giai đoạn 2021-2025 và đến 2030.

11. VIỆT NAM LÀ MỘT TRONG NHỮNG QUỐC GIA XÓA BỎ KHOẢNG CÁCH GIỚI NHANH NHẤT

Ảnh: UNFPA.

Ảnh: UNFPA.

Lĩnh vực bình đẳng giới ngày càng nhận được sự chú trọng, quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.

Các văn bản quy phạm pháp luật khi được xây dựng hoặc sửa đổi bổ sung đều được đánh giá tác động, thực hiện lồng ghép giới đối với những văn bản có vấn đề về giới.

Quốc hội chú trọng việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua. Bình đẳng giới bảo đảm thực chất hơn giữa nam và nữ.

Phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng, tầm ảnh hưởng lớn trong mọi mặt của đời sống xã hội. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất và là một trong những nước hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 3 (MDG 3) về bình đẳng giới cũng như đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

12. 100% CÁC ĐỊA PHƯƠNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN MA TÚY TẠI NƠI CƯ TRÚ

Trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp; biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho hơn 70 nghìn người, có 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập, có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, 100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng chủ trì, tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình hành động về phòng, chống mại dâm theo từng giai đoạn; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả một số mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ, hỗ trợ nhằm tăng cường sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm; xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

NGÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giai-doan-2016-2024-ghi-dau-an-12-thanh-tuu-noi-bat-ve-lao-dong-nguoi-co-cong-va-xa-hoi-post850395.html
Zalo