Vì sao Hoa Kỳ tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ nhập khẩu từ Việt Nam?

Theo nhận định, doanh nghiệp gỗ xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đã, đang và sẽ đối diện ngày càng nhiều hơn các vụ kiện phòng vệ thế hệ mới, phức tạp, tốn kém và nguy hiểm hơn.

Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam

Theo số liệu ước tính năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD. Trong đó, riêng sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD.

Ngành gỗ Việt Nam đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD trong hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại thị trường Hoa Kỳ. Từ số liệu thống kê, có thể thấy Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam.

Nhờ lợi thề về nhân công, chi phí sản xuất và tay nghề, sản phẩm gỗ Việt chiếm được nhiều niềm tin của khách hàng, đối tác. Các sản phẩm gỗ Việt vì thế chịu sự cạnh tranh rất lớn từ truyền thống (cạnh tranh về giá, hạn ngạch thuế quan) đến phi truyền thống như các vụ kiện điều tra chống bán phá giá, kiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ C/O.

Trong bối cảnh cạnh tranh, bảo hộ gia tăng, các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đối diện nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại thế hệ mới.

Tại thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp gỗ xuất khẩu Việt Nam đã, đang và sẽ đối diện ngày càng nhiều hơn các vụ kiện phòng vệ thế hệ mới, phức tạp, tốn kém và nguy hiểm hơn.

Nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại trong ngành gỗ với Hoa Kỳ

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài và Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Chu Thắng Trung chia sẻ tại Tọa đàm

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài và Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Chu Thắng Trung chia sẻ tại Tọa đàm

Chia sẻ về vấn đề này tại Tọa đàm "Phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam", ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, sản phẩm gỗ có tần suất xuất hiện tại các vụ kiện, điều tra ngày càng nhiều. Việc điều tra này có hai lý do.

Thứ nhất, gỗ là sản phẩm được khai thác từ rừng, trong quá trình khai thác có tác động tới môi trường. Do đó, các sản phẩm gỗ sẽ bị xem xét, đánh giá kĩ càng hơn. "Thậm chí, chúng tôi vẫn hay nói đùa là gỗ bị chụp CT cắt lớp", ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ.

Thứ hai, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gỗ thuộc top đầu của thế giới. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm đến 57% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, không ngạc nhiên khi các vụ kiện, phòng vệ thương mại xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Cũng tại Tọa đàm, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thêm, thông thường các doanh nghiệp Việt chú ý nhiều hơn đến vốn, lao động và ít chú ý tới giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ tại Việt Nam. Tuy nhiên không phải các hoạt động đầu tư, trong đó có đầu tư doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam có thể đảm bảo được hàm lượng giá trị gia tăng.

Vì vậy, qua việc phòng vệ thương mại, nếu giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ tại Việt Nam ít thì sẽ có rủi ro cao hơn bị điều tra phòng vệ thương mại. Ngược lại, nếu giá trị sản phẩm tăng lên thì khó có thể là đối tượng bị điều tra.

Ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh, đối với ngành gỗ, các doanh nghiệp Việt cần kiểm soát kỹ chuỗi cung ứng.

Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cũng cần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, xây dựng thương hiệu mạnh. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin, tư vấn pháp lý để doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó với các rủi ro. Chỉ khi đó, ngành gỗ Việt Nam mới có thể vượt qua những thách thức và tiếp tục phát triển bền vững.

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/vi-sao-hoa-ky-tang-cuong-cac-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-doi-voi-go-nhap-khau-tu-viet-nam-131759.htm
Zalo