Nâng sức cạnh tranh của hàng Việt trên kênh thương mại điện tử
Hàng Việt đang đứng trước làn sóng cạnh tranh khốc liệt khi hàng Trung Quốc đổ bộ thông qua kênh thương mại điện tử và hàng hóa các nước khác nhập khẩu ngày càng nhiều vào thị trường nội địa.
Do đó, ngoài các biện pháp bảo vệ hàng Việt, cần có chính sách hỗ trợ để nâng sức cạnh tranh của hàng Việt một cách bền vững, lâu dài.
Áp lực cạnh tranh gay gắt
Các nghiên cứu, khảo sát thị trường cho thấy, cùng với việc sản xuất ra hàng loạt sản phẩm tiêu dùng với giá thành cạnh tranh, Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng các trung tâm logistics, các kho hàng sát biên giới; đặc biệt là các trung tâm xử lý đơn hàng tự động dọc biên giới với nước ta. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho thời gian giao hàng của thương nhân Trung Quốc đến người tiêu dùng Việt Nam được rút ngắn rất nhiều. Giá cả hàng hóa Trung Quốc cũng ở mức cạnh tranh so với hàng Việt Nam cùng loại khi sử dụng sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, hàng hóa ngoại nhập qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như một làn sóng tràn vào nội địa, cạnh tranh với hàng trong nước, nhất là các mặt hàng thời trang, tiêu dùng… ở phân khúc trung bình và thấp.
Tuy nhiên, với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng gia dụng..., nhất là các mặt hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn hàng Việt, đi kèm tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm, sức khỏe. Mặt khác, các bộ, ngành chức năng cùng các địa phương đang đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển các mặt hàng nông sản, thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP hợp tác với các chuỗi phân phối để đưa đến người tiêu dùng với mẫu mã, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18-25% mỗi năm. Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/tháng. Nhờ đó, năm 2024, quy mô doanh thu từ thị trường thương mại điện tử B2C (viết tắt của cụm từ Business to Customer, được sử dụng để mô tả giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối cùng) vượt mốc 25 tỷ USD. Với thị trường gần 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN…, tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.
Theo Bộ Công Thương, sức sản xuất hàng hóa của Việt Nam khá dồi dào và có tiềm năng lớn về phân phối ngay tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Song về lâu dài, nếu không có các giải pháp căn cơ từ sản xuất, phân phối đến cơ chế, chính sách bảo vệ hàng Việt, sức ép cạnh tranh cũng sẽ đè nặng lên cả những mặt hàng mà chúng ta đang có lợi thế.
Tập trung phát triển hạ tầng thương mại điện tử
Thực tế thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại; tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại điện tử, tạo động lực phát triển kinh tế số và thương mại điện tử, góp phần tạo ra không gian phát triển mới. Đồng thời cơ quan chức năng đã xây dựng, vận hành Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam nhằm mục tiêu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong kiểm tra, xử lý, tập trung thông tin hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại; xây dựng và vận hành nền tảng hỗ trợ thanh toán trực tuyến KeyPay nhằm phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, hạ tầng thanh toán, bảo đảm hỗ trợ dịch vụ hành chính công.
Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu khai báo C/O (ecosys.gov.vn) mẫu Vsign và dịch vụ hỗ trợ khai báo xuất xứ hàng hóa; triển khai các giải pháp, chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới…; triển khai sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến 2024; xây dựng, triển khai sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phố (sanviet.vn)…
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và có sự cạnh tranh gay gắt, để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt chân chính, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, bám sát tình hình phát triển thương mại điện tử trên thế giới và trong nước để kịp thời ban hành chính sách nhằm quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam. Mặt khác, Bộ sẽ chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công an... khai thác thông tin, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh truyền thông, cập nhật, đăng tải thông tin cảnh báo hành vi lừa đảo, gian lận thương mại, lợi dụng thương mại điện tử để cảnh báo người tiêu dùng…
“Thay vì dàn trải, hàng Việt cần đi sâu vào từng phân khúc cụ thể, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tập trung vào nhóm sản phẩm thế mạnh. Ví dụ, với nông sản là các sản phẩm OCOP. Việc OCOP phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao một cách rõ ràng đã giúp thương hiệu Việt có định hướng trọng tâm, tạo sức bật để cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử lẫn thị trường quốc tế”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định.